2 món trộn này làm rất dễ, nguyên liệu cũng sẵn có trong nhà dịp Tết. Vậy nên bạn hãy tận dụng để làm món ngon giải ngán sau Tết nhé!
1. Váng đậu trộn dưa chuột và nấm
Nguyên liệu để làm món váng đậu trộn dưa chuột và nấm
150g váng đậu ống (phù trúc ống), 1 quả dưa chuột, 3 tép tỏi, 1 mớ rau mùi, 1 thìa canh tinh chất cốt gà, 1 thìa canh nước tương, 2 thìa canh giấm balsamic, 80g lạc, 7-8 cái nấm tai mèo (mộc nhĩ), 2 quả ớt, 1 thìa canh đường, một chút muối, 1 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh dầu mè.
Cách làm món váng đậu trộn dưa chuột và nấm
Bước 1: Ngâm váng đậu và nấm tai mèo bằng nước ấm trước rồi rửa sạch và đặt sang một bên. Khi ngâm váng đậu bạn nên ngâm bằng nước ấm có pha chút muối. Điều này sẽ giúp váng đậu mềm nhưng vẫn giữ được độ dai. Bạn không nên ngâm váng đậu quá lâu để tránh bị mềm nhún. Váng đậu thành phẩm thường dài do đó trước khi ngâm bạn nên cắt khúc trước. Dưa chuột rửa sạch rồi ngâm nước có pha chút muối để loại bỏ tạp chất và chất bẩn. Sau đó bạn dùng mặt dao đ.ập nhẹ toàn quả dưa chuột cho mềm rồi cắt thành từng miếng.
Lưu ý: Bạn có thể thay nấm tai mèo bằng nấm hương, hoặc các loại nấm mà mình yêu thích.
Bước 2: Tỏi bóc bỏ vỏ rồi băm nhỏ. Rau mùi nhặt bỏ chân, rửa sạch rồi cắt thành khúc ngắn. Ớt cắt thành khoanh nhỏ rồi để riêng sang một bên. Chuẩn bị một bát nhỏ, cho nước tương, dầu hào, giấm balsamic, đường, muối, nước cốt gà, dầu mè vào, khuấy đều thành hỗn hợp nước trộn (bạn có thể điều chỉnh lượng theo sở thích cá nhân).
Bước 3: Đặt một nồi nước lên bếp, đun sôi. Sau đó cho váng đậu và nấm tai mèo vào chần trong nước sôi khoảng 2-3 phút. Sau đó dùng muỗng có lỗ vớt ra để ráo nước.
Bước 4: Đặt chảo lên bếp, cho một chút xíu dầu ăn vào rồi thêm lạc để rang. Bạn rang lạc ở mức lửa vừa, đảo liên tục cho đến khi vỏ lạc nứt, đổi màu và có mùi thơm thì tắt bếp.
Bước 5: Chuẩn bị một thố trộn. Cho tất cả các nguyên liệu gồm váng đậu, nấm tai mèo, dưa chuột rau mùi, lạc vào. Tiếp đó đổ nước trộn đã chuẩn bị vào và dùng đũa đảo đều, nhẹ nhàng. Sau đó bạn cho ra đĩa, rắc thêm chút rau mùi lên trên là có thể thưởng thức.
Thành phẩm món váng đậu trộn dưa chuột và nấm
Như vậy là chỉ với vài thao tác đơn giản là bạn đã có thể làm được món váng đậu trộn dưa chuột và nấm. Từng miếng dưa chuột và nấm tai mèo giòn giòn kết hợp với váng đậu mềm ngậy thấm đều gia vị chua, cay, mặn, ngọt đậm đà giúp tạo cảm giác ngon miệng, giải ngán sau chuỗi ngày Tết ngợp ngụa trong thịt và chất béo. Món ăn làm từ những nguyên liệu dân dã mà lại tốt cho sức khỏe.
2. Nộm su hào bò khô
Nguyên liệu làm nộm su hào bò khô
2 củ su hào, 1 củ cà rốt, rau thơm, ớt, chanh, khế chua, gia vị, 100g bò khô, lạc, vừng.
Cách làm nộm su hào bò khô
Bước 1: Su hào, cà rốt gọt bỏ vỏ, sau đó rửa sạch, để ráo nước. Dùng dụng cụ nạo su hào, cà rốt thành dạng sợi. Các loại rau thơm đem nhặt phần ngọn, rửa sạch, để ráo nước. Ớt rửa sạch, thái lát. Tỏi bóc vỏ, đ.ập dập rồi băm nhỏ. Khế rửa sạch, thái lát mỏng. Chanh cắt đôi để vắt lấy nước.
Ảnh: Mẹ Thỏ
Bước 2: Đặt nồi nước lên bếp, đun sôi. Sau đó cho cà rốt, su hào vào âu, đổ nước sôi vào chần qua rồi vớt ra để ráo nước. Dùng một chiếc khăn sạch cho từng nắm cà rốt, su hào vào rồi nắm chặt, vắt khô nước, sau đó cho vào âu sạch.
Bước 3: Tiếp theo bạn cho khế, rau thơm vào âu. Sau đó thêm 2 thìa canh nước mắm ngon, 1 thìa canh đường, 1/2 thìa canh bột ngọt, ớt, tỏi, nước cốt của 3 quả chanh (cỡ vừa) vào âu. Kế tiếp bạn cho thịt bò khô vào. Đeo găng tay thực phẩm rồi trộn đều các nguyên liệu với nhau. Để 15 phút cho ngấm gia vị. Trong lúc chờ nộm ngấm gia vị, bạn rang lạc và vừng cho thơm. Lạc nguội, đem xát bỏ vỏ rồi đ.ập hơi dập. Khi nộm ngấm, chuẩn bị ăn thì thêm lạc và vừng rồi trộn đều, cho ra đĩa.
Thành phẩm nộm su hào bò khô
Nộm su hào bò khô là món ăn dân giã, dễ làm lại rất được yêu thích đặc biệt là vào những dịp như lễ Tết. Khi bạn đã ăn quá nhiều đồ ăn có nhiều chất đạm, béo như thịt mỡ, thịt đông, giò tai, bánh chưng… thì một đĩa nộm su hào bò khô để giải ngán là lựa chọn tuyệt vời. Với các nguyên liệu nhà nào cũng sẵn có trong dịp Tết như su hào, cà rốt, bò khô, rau mùi… Món nộm su hào bò khô với vị giòn ngọt thanh mát của su hào kết hợp vị bò khô đậm đà, lạc giòn tan giúp bạn giải ngán hiệu quả, ăn rất ngon miệng!
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với 2 món “giải ngán” này nhé!
Mách bạn những món ăn ngày Tết vừa chống ngán lại tuyệt ngon
Ngoài các món dưa chua, salad thì những món ăn này cũng được nhiều gia đình lựa chọn là món ăn giải ngán trong ngày Tết.
Ngày Tết với các món như bánh chưng, giò, thịt đông, thịt gà… dễ khiến chúng ta cảm thấy ngán. Vậy nên, việc chuẩn bị những món ăn nhiều rau củ được nếm nếm gia vị chua ngọt là cực kì cần thiết bởi chúng vừa tốt cho sức khỏe lại giải ngán hiệu quả.
1. Nộm dưa chuột thịt gà
Chuẩn bị: Thịt gà, dưa chuột, muối, đường, tỏi, ớt, chanh, giấm, lạc rang.
Cách làm:
Bước 1: Dưa chuột rửa sạch, gọt vỏ rồi thái thành lát mỏng vừa ăn.
Bước 2: Thịt gà đã luộc xé nhỏ, để ra đĩa.
Bước 3: Ớt và tỏi băm nhuyễn cho vào tô. Sau đó cho dưa chuột và thịt gà vào cùng. Hòa tan 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, vắt vào nửa quả chanh rồi đổ nước đều vào hỗn hợp thịt gà – dưa chuột. Cho húng bạc hà vào và trộn đều. Nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Cuối cùng rắc lạc rang đã cho vào tô, trang trí thêm rau củ là bạn đã có một món ăn ngon ngày Tết.
2. Gỏi tai heo dưa chuột
Chuẩn bị: 1 chiếc tai heo, 3 quả dưa chuột, muối, tỏi, ớt, chanh, đường, lạc rang.
Cách làm:
Bước 1: Tai heo mua về rửa sạch bằng muối, dùng dao cạo để loại bỏ hết bụi bẩn trên da rồi rửa sạch lại với nước.
Bước 2: Dưa chuột rửa sạch, ngâm với nước muối loãng.
Bước 3: Lấy 1,5-2l nước đun sôi, luộc tai lợn khoảng 30 đến 45 phút. Đợi tai lợn chín, bạn vớt ra rổ và xả qua nước lạnh cho hết nhớt. Sau đó cắt tai lợn thành từng lát mỏng.
Bước 4: Bạn trộn nước sốt trộn gỏi theo tỷ lệ sau: 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, 1 thìa nước cốt chanh, 1 thìa hạt tiêu xay nhỏ.
Bước 5: Cuối cùng cho tai lợn và dưa chuột vào tô. Sau đó cho toàn bộ nước mắm đã chuẩn bị vào hỗn hợp rồi thêm xà lách, tỏi, đậu phộng vào trộn đều. Trước khi cho ra đĩa bạn nên nếm thử xem đã vừa hay chưa, nếu còn thiếu gì đó thì thêm vào rồi cho vào đĩa và thưởng thức.
3. Chân gà ngâm
Chuẩn bị: Chân gà, giấm, đường, nước mắm, chanh, ớt, sả, gừng, hành lá.
Cách làm:
Bước 1: Chân gà nên cắt đôi để dễ ăn, luộc qua nước sôi, khi luộc chân gà nên cho thêm sả, gừng và một ít muối để giúp chân gà không còn mùi hôi. Luộc chân gà khoảng 5 phút thì cho 1 thìa giấm vào rồi tắt bếp đun thêm 3 phút, giấm giúp chân gà giòn hơn.
Bước 2: Chuẩn bị nước để ngâm gà, bạn pha theo tỷ lệ 300ml nước sôi, 3 thìa đường, 2 thìa giấm, 1 thìa nước mắm, hòa tan hỗn hợp, thêm một ít chanh, ớt, gừng, khuấy đều.
Bước 3: Sau khi luộc chín, rửa sạch chân gà để nguội rồi cho vào ngâm, hành lá thái nhỏ rồi cho vào.
Bước 4: Cho toàn bộ chân gà và nước vào hộp rồi để 1 ngày ở nhiệt độ thường, sau đó cho vào tủ lạnh khoảng 6 ngày, thỉnh thoảng bạn lấy và lắc hộp chân gà lên để giúp ngấm gia vị.
4. Tôm muối trộn bơ
Chuẩn bị: 1/2 kg bơ, 300g tôm sú, 3 muỗng canh mayonnaise, 1 thìa tương ớt,1 thìa sốt cà chua, ngò tây, muối tiêu, hành tây, tỏi băm.
Cách làm:
Bước 1: Cho tôm vào luộc chín bóc vỏ, lưu ý muốn tôm không còn mùi tanh, khi luộc nên cho chút rượu trắng vào.
Bước 2: Tỏi bóc vỏ băm nhuyễn cho vào tô lớn. Bơ gọt vỏ, thái thành từng lát vừa ăn rồi cho vào bát. Để chọn được bơ ngon, bạn nên chọn quả bóng và vỏ có độ dày, khi lắc sẽ cảm nhận được hạt di chuyển bên trong là bơ đã chín.
Bước 3: Tôm luộc chín cho vào tô bơ, nêm 1/2 thìa muối, một ít tiêu và 3 thìa sốt mayonnaise, 1 thìa tương ớt, 1 thìa nước tương rồi trộn đều, trộn đều cho đến khi các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau là được, cuối cùng cho ra đĩa và trang trí rồi thưởng thức.