Về Ái Nghĩa ăn mỳ Quảng

Đại Lộc không chỉ nổi tiếng với món bánh tráng gạo hay thịt heo cuốn bánh tráng mà còn có nhiều quán mỳ Quảng ngon nức tiếng gần xa.

Về Ái Nghĩa ăn mỳ Quảng

Quán mỳ Quảng Lý Hương. Ảnh: G.K

Chỉ cần dạo quanh khu vực thị trấn Ái Nghĩa sẽ dễ dàng tìm được nhiều quán mỳ Quàng thơm ngon. Từ quán sang trọng, rộng rãi đến quán nhỏ bé không tên hiệu đều mang đến sự hài lòng và ngon miệng cho khách. Nét khác biệt của mỳ Quảng nơi đây chính là hương vị đậm đà và nét quê mùa chân chất dù đó là mỳ lươn, cá tràu, gà hay tôm thịt. Mỗi khi ăn tô mỳ cảm giác như hồn quê thấm nơi đầu lưỡi, điều khó tìm thấy ở những quán mỳ nơi phố thị. Trong số hàng chục quán mỳ tại Ái Nghĩa, có thể kể đến quán mỳ Lý Hương 2, dù mới khai trương hoạt động hơn một năm nhưng quán đã trở thành điểm đến thường xuyên của thực khách mê món ăn này.

Với phương châm cố giữ lại những nét quê nhất, ngoài bí quyết nêm ướp gia vị độc đáo, hầu hết nguyên liệu nấu nhưn để làm ra tô mỳ Quảng thơm ngon đều có xuất xứ tại địa phương như gà ta, lươn đồng, cá tràu đồng đến rau sống, kể cả ớt ăn, búp chuối… cũng được lựa chọn kỹ càng. Chính điều này đã mang đến sự yên tâm và hài lòng cho khách, đặc biệt là những người xa quê muốn tìm về những hương vị nguyên sơ nhất của tô mỳ Quảng truyền thống.

Trên khắp đất nước, có thể bắt gặp rất nhiều quán mỳ Quảng, nhưng có lẽ mỳ Quảng Ái Nghĩa, Đại Lộc vẫn có một sức hút riêng. Khó thể giải thích vì sao, chỉ biết khi ăn thấy ngon và hợp khẩu vị, khác hẳn với những tô mỳ “cách điệu” nơi phố thị, chủ yếu để hài lòng thực khách thập phương. Mỳ Quảng Đại Lộc không nổi tiếng như mỳ Phú Chiêm, nhưng vẫn lưu tình khách đến mỗi khi thưởng thức món ăn này. Ai có dịp đi qua vùng đất này đều muốn tìm cho mình một quán để thỏa niềm quyến luyến chút hương vị quê nhà.

Bánh tráng thịt heo Đại Lộc

Bất cứ khi nào muốn ăn bánh tráng thịt heo, bạn cũng có thể ghé những hàng quán ở Đại Lộc, từ quán bình dân cho tới những nhà hàng. Nào, thử ghé quán bà Liên (cầu Phao, thôn Lam Phụng, Đại Đồng), người đàn bà có ngót 30 năm gắn bó nghề.

Về Ái Nghĩa ăn mỳ Quảng

Món bánh tráng cuốn thịt heo – món ăn tinh thần ngày Tết mang đậm nét đặc trưng vùng miền của người dân Đại Lộc. Ảnh: Bích Liên

Không chỉ nắm bí quyết chọn thịt, luộc thịt, làm mắm chấm, dĩa rau của bà Liên còn có tới vài chục loại, từ rau giá đỗ, ngò, hành, dưa leo, xoài xanh, chuối chát xắt mỏng, tần ô, lá cây đinh lăng, lá cốc non, đọt ổi, đọt và lá mận non, đọt và lá non của cây trâm… cho tới những loại lá có nguồn gốc từ cây thuốc nam khiến càng ăn, càng ngon, càng thơm, giảm bớt độ ngậy của thịt.

Nhưng, tôi muốn nói tới món bánh tráng thịt heo của bà, của mẹ, của những cư dân Đại Lộc trong ngày tết. Ngày nay, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, người dân Đại Lộc đã sử dụng máy móc để tráng bánh, cải tiến một vài công đoạn. Ngày xưa, những cái bánh ra đời là cả một “công trình” của các bà, các mẹ từ khâu xay gạo bằng cối đá, cho tới trộn bột, đưa lên lò tráng, hì hục cả ngày trời để cho ra những cái bánh còn ướt, nóng hổi; úp ra vỉ tre rồi đưa lên giàn phơi dưới nắng, rồi gỡ ra…

Tôi còn nhớ, cứ đến giữa tháng Chạp là nổi lửa lò tráng bánh ăn tết. Còn thịt heo, thời khó, nhà nào cũng cố gắng để lại một con heo ăn tết, thường là heo cỏ, heo Móng Cái chủ yếu được nuôi bằng cám bắp, gạo, rau lang, không sử dụng thức ăn công nghiệp nên thịt chắc, ngon và thơm. Thủ heo và một phần thịt được để riêng cúng tất niên, sau đó mới tính phần còn lại để ăn tết, biếu cho bà con, xóm giềng. Các mẹ, các bà còn nghĩ ra cách chế biến thêm món tré, trưởi – vốn là thịt từ đầu heo, tai heo, muôi heo ướp với gia vị, gói bằng lá chanh, lá sả, lá ổi hoặc lá chuối, rồi bọc giấy kín thành từng chùm, treo trên giàn bếp, là món “đưa cay” tuyệt ngon.

Mớ thịt còn lại có thể chế biến món thịt luộc cuốn bánh tráng (thịt ba chỉ), có thể luộc sơ rồi hon với đường để sử dụng dài ngày, hoặc luộc sơ ngâm mắm, xì dầu, tỏi, tiêu, đường phèn… bỏ vào hũ ăn dần. Thịt muối cũng được chế biến như trên nhưng công phu hơn, mặn hơn, có thể để dành ăn dài ngày, có khi ra tới tận giêng hai.

Nước chấm phải là loại mắm nhỉ hoặc mắm cái, mắm nêm nguyên chất được mẹ tôi đặt mua từ các vùng Thăng Bình, Hội An, chỉ cần thêm ít đường hoặc mì chính, tỏi và ớt trái giã nhuyễn. Song để món bánh tráng cuốn thịt heo đậm đà có lẽ phải ăn với mắm cái hoặc mắm nêm. Rau sống là cải con, rau ngò, tần ô, xà lách, hành tây, lá tỏi, húng… trước hiên nhà. Bánh tuyệt đối phải là “bánh tráng Đại Lộc” được làm từ “gạo xiệc”. Và sau bữa, nhấp ngụm nước nóng hổi từ chè xanh được hãm kỹ thì còn gì tuyệt bằng.

Món bánh tráng cuốn thịt heo, tất nhiên có ở nhiều nơi. Nhưng với riêng tôi, có lẽ chỉ món bánh tráng thịt heo tại vùng Đại Lộc được chế biến tỉ mỉ, công phu từ khâu chọn thịt, chọn bánh, chọn rau, nước mắm cho tới ấm chè xanh An Bằng để sẵn trên bàn là “đỉnh của đỉnh”. Không tin, tết này, bạn ghé Đại Lộc ngay đi!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *