Món Bánh ướt cuốn tôm chua tuy dân dã nhưng một thời được vua chúa hết sức tâm đắc, món ăn này thường hiện diện trên bàn ăn của vua.
Như một sự giao thoa giữa ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian, bánh ướt cuốn tôm chua là món ăn không chỉ ngon mà còn thể hiện rất rõ nét đặc trưng của ẩm thực xứ Huế: nhỏ nhắn, cầu kỳ và đầy triết lý.
Nguyên liệu
Nguyên liệu chính: Bánh ướt, tôm chua Huế, thịt luộc, nem, chả, bún…
Nguyên liệu đi kèm: rau muống, rau sống, rau thơm, khoai lang.
Gia vị: Ớt, ruốc Huế, dầu, bột ngọt, tiêu, hành, tỏi
Chế biến
Bước 1: Sơ chế các loại nguyên liệu: luộc thịt, hấp chín khoai, rửa sạch các loại rau và để ráo.
Bước 2: Làm nước chấm: Khoai lang hấp chín, đ.ánh cho tơi. Phi thơm dầu, cho ruốc Huế, gia vị, tỏi, khoai lang vào. Muốn vị nước lèo này đặc biệt hơn thì có thể tận dụng nước luộc thịt heo. Hỗn hợp sẽ vừa sệt, vừa béo thơm, ngon ngọt.
Bước 3: Nhẹ tay trải từng chiếc bánh ướt ra trên một cái đĩa, sắp rau sống, bún, khoai lang xắt sợi, mỗi thứ một tí vào và cuộn lại cho thật chặt.
Bước 4: Cắt cuộn bánh thành từng miếng, độ dài khoảng bằng hai lóng tay, xếp đều lên đĩa.
Bước 5: Gắp tôm chua đặt lên từng miếng bánh sao cho vừa ăn, thêm chút ớt và vài lát nem, chả cho hợp khẩu vị của mỗi người và thưởng thức
Thưởng thức
Đĩa bánh sẽ có đầy đủ màu sắc: xanh tươi của rau, vàng mơ của khoai, trắng trong của bún, hồng thắm của tôm chua. Nước chấm có màu nâu vàng sánh óng rất hấp dẫn. Gắp một cuốn bánh đẹp như một bài thơ, rón rén chấm vào chén ruốc, nhỏ nhẻ nhai mà thấm thía vị ngọt đậm đà và nét duyên của người Huế trong cái ăn sự uống đời thường.
Người Huế coi món ăn như triết lý nhân sinh của cuộc đời có đủ các vị từ mặn, ngọt, béo, bùi đến chua, chát, đắng, cay nhưng vị nào luôn rõ vị ấy. Chậm rãi thưởng thức món bánh cuốn tôm chua, chợt nhận ra đủ sắc, đủ vị rất ấn tượng.
Chiều chiều, vào giờ tan tầm lúc 16-17h, mọi người có thể ghé chân cầu Kho Rèn (đường Phan Đình Phùng, Tp. Huế) để lót dạ với món bánh cuốn tôm chua mệ Hạnh. Chỉ là một gánh hàng nhỏ nhưng ai cũng sẵn lòng xếp hàng để chờ mệ cắt cắt, gói gói, cảm giác y như chờ đợi mẹ đi chợ về, mua cho chút quà rồi chia phần vậy. Khách muốn mua về sẽ được gói bánh trong lá chuối tươi trước khi cho vào túi. Chút bình dị, chút cẩn thận, chút an toàn, chút tinh tế, tất cả gói ghém trong một chữ “Khéo” mà bất cứ ai một lần ghé mua đều nhớ mãi.
Giá cả: 25.000 đồng/suất.
Địa chỉ gợi ý
Bánh cuốn tôm chua mệ Hạnh (chân cầu Kho Rèn, đường Phan Đình Phùng, Tp. Huế)
Huyền – Bánh Cuốn Tôm Chua (11 Dương Văn An, Xuân Phú, Tp. Huế)
Hương cố đô trong bánh nậm thơm lừng
Thưởng thức những miếng bánh nậm thơm ngon, nóng hổi “mới ra lò” này thật chẳng ai có thể quên được.
Bên cạnh bánh bèo và bánh bột lọc, bánh nậm là món ẩm thực truyền thống đặc trưng của xứ Huế. Trước đây, bánh vốn được các bà nội trợ ở những gia đình nông dân nghèo nghĩ ra, dựa trên những nguyên liệu sẵn có như chút gạo cùng ít con tôm con tép trong nhà. Sua dần dần, nó lại trở thành một thứ đặc sản thơm ngon trên mảnh đất cố đô này.
Cách làm bánh nậm cũng không hề khó!
Nguyên liệu: (lượng nguyên liệu cho 3 người)
– 200g bột gạo
– 50g bột năng
– 200g tôm tươi
– 100g thịt xay
– Gia vị: 2g muối; 10g bột nêm; 85g đường; 60ml nước mắm; 1 củ hành tím; Dầu ăn
– Lá chuối
– Ớt đỏ
Thực hiện:
Bước 1: Cho bột gạo, bột năng cùng 300ml nước sạch vào một chiếc nồi, đặt lên bếp, mở lửa vừa. Khuấy đều liên tục đến khi hỗn hợp bột sệt lại.
Bước 2: Bóc vỏ, băm nhuyễn 1 củ hành tím. Rửa sạch, bóc vỏ tôm, băm nhuyễn, trộn đều với thịt băm cùng hành tím, 2g muối, 10g bột nêm, 5g đường.
Bước 3: Đặt chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào, mở lửa vừa. Khi dầu nóng, cho hỗn hợp tôm thịt vào, đảo đều tay.
Bước 4: Cắt lá chuối thành từng khổ 15×25 cm. Quết một lớp bột mỏng vào giữa lớp lá chuối, đổ nhân tôm thịt lên trên rồi gói lại.
Bước 5: Đem bánh đi hấp cách thủy khoảng 20 phút.
Bước 6: Nấu 300ml nước sạch với 60ml nước mắm, 80g đường, ớt lát để làm nước chấm.
Dọn bánh nậm ra ăn kèm với nước chấm.
Lưu ý: Khi tôm thịt chín, dùng thìa tán cho hỗn hợp tơi ra.
Chúc các bạn thành công với món bánh nậm đơn giản, dễ ăn cho gia đình nhé!