Ở một góc đường Sài Gòn, có xe bánh nướng đơn sơ nhưng khách vây đông kín đã 9 năm nay. Ai mua bánh cũng đau cả bụng, không phải bị gì, mà do… cười quá nhiều với anh chủ “lầy toàn tập”.
“ Xe bánh vui vẻ” 9 năm nay vẫn ở một góc đường, mang lại niềm vui cho thực khách
Bị “đ.ánh” vì… học lỏm vợ làm bánh
“Ủa, lâu quá rồi mới gặp!” là câu cửa miệng của anh Đỗ Nguyễn Anh Thơ (47 t.uổi, ngụ Q.5) khi có một vị khách nào đó bất kể lạ quen đến mua bánh. Khách quen thì hẳn biết “bài” rồi và sẽ “tung hứng” cùng màn chào hỏi của anh. Còn khách lạ, đảm bảo sẽ đứng ngơ ngác nghĩ “ủa mình có quen ổng đâu ta”, thế là anh lại được dịp tiếp ngay câu sau: “Ủa, mà em là ai vậy ta”. Ai nghe cũng cười ngất.
Người Sài Gòn vẫn truyền tai nhau về sự hài hước của chủ xe “bánh nướng vui vẻ” này. Gặp anh Thơ ngoài đời, mới thấy không những hài hước mà anh còn rất chiều khách hàng. Dù tay phải đổ bột, lật bánh trên chảo không ngừng nghỉ cho kịp khách, anh vẫn bông đùa, liến thoắng kể chuyện cười cho người đợi bớt thấy mệt. Trước mỗi câu chuyện, anh luôn cam kết “kể không cười không lấy t.iền”.
Xe bánh nhỏ luôn trong tình trạng khách vây kín
Món bánh nướng hấp dẫn anh Thơ bán là nghề của nhà vợ
Xe bánh nướng của anh Thơ đậu ở góc đường Ngô Quyền – Mạc Thiên Tích (Q.5) đã ngót nghét 9 năm nay. Kể về cái duyên với công việc, anh vẫn dí dỏm: “Nghề là của nhà vợ. Vợ là sư phụ tui, nhưng bả không chịu dạy, chỉ cho tui học lén. Mà học lén thì cũng phải làm sao cho khéo, đừng để bả biết. Có lần lén đứng nhìn bả đổ bánh bị phát hiện, bả “đ.ánh” không trượt phát nào. Chỉ biết ngồi khóc thôi, nhưng may mắn cũng biết làm sơ sơ”.
Anh Thơ cũng cho biết, ban đầu anh đòi bán gần vợ trước chung cư Hùng Vương (Q.5). Nhưng vợ không chịu, kêu bán vậy… cạnh tranh lắm, nên đuổi anh ra góc đường này đứng! “Bình thường ế lắm, bữa nào bả nghỉ, khách mới sang ăn đỡ bên tui. Phận trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu mà”, anh hài hước.
Nói vậy thôi, chứ xe bánh anh hôm nào khách cũng vây kín. Có người phải đợi hơn 1 tiếng mới có bánh. Với các tài xế xe ôm công nghệ hay dịch vụ shipper (giao hàng), anh nhiều lần phải khuyên họ hủy cuốc, vì biết đợi rất lâu mới đến lượt.
Có khách hàng đã ăn suốt năm 7 năm qua, có người mới tới thử lần đầu vì tò mò, nhưng ai cũng mê tít sự thoải mái bên xe bánh vui vẻ này. “Mình ăn bánh cũng được mấy tháng rồi, lần đầu đi ngang thấy đông quá nên ghé. Không chỉ bánh mới, nóng, ngon, mà đặc biệt là anh chủ lầy lội, cực kì vui. Cũng giống y mình vậy á, chỉ có điều không đẹp trai bằng”, anh Châu Hứa Vũ Phát (22 t.uổi, ngụ Q.5) chia sẻ trong lúc đứng đợi đến lượt mình nhận bánh. Chủ hài hước, khách cũng hài chẳng kém!
Nghe nhan sắc mình bị so sánh, anh Thơ quay sang nói “nay ăn bánh khét cho bõ ghét nha”. Tiếng cười vang cả một góc đường. Anh lại đùa, chứ với anh, khách hàng là thượng đế, lỡ khét một cạnh nhỏ, anh bỏ chiếc bánh đó, chứ quyết không bao giờ bán cho khách.
“Ai hỏi nhớ nói bánh tròn ngon, bánh dài không dở nghen”
Hằng ngày, 14 giờ chiều, anh Thơ lại đẩy xe bánh nướng ra góc đường bán đến tận 23 giờ, có khi còn muộn hơn. Chỉ trừ những ngày đổ bệnh bất đắc dĩ phải nghỉ bán, còn lại anh đều đứng bất kể nắng mưa vì sợ khách đến tìm không có bánh ăn.
Anh làm 2 loại dáng bánh là dài và tròn. Tùy theo khẩu vị, thực khách có thể lựa chọn bánh dài giòn hoặc tròn mềm, với các nhân ốp-la, sô-cô-la hay bơ đậu phộng. Trước đây khi mới mở, xe bánh còn thưa khách nên anh làm trên chục loại dáng, nhân khác nhau, nhưng giờ phải cắt giảm vì khách bu kín không kịp trở tay!
Giá bánh dao động từ 3.000 – 12.000 đồng tùy loại. Bánh dài bình thường chỉ có 3.000 đồng, nếu cho thêm nhân là bột bánh sống thì anh Thơ tính 4.000 đồng. Bánh tròn đòi hỏi cách đổ công phu và tốn thời gian hơn, nên giá mỗi cặp là 5.000 đồng.
Có nhiều loại nhân cho người ăn lựa chọn
Có người phải đợi đến hơn cả giờ đồng hồ mới đến lượt mua
Xe bánh đã giúp anh nuôi lớn 3 con
Anh Thơ tiết lộ: “Nguyên liệu để làm bánh nướng rất đơn giản, chỉ gồm bột mì, trứng, sữa… Nhưng tùy theo tay nghề của người đổ bánh mà tạo ra độ giòn, béo, ngọt, thơm riêng trong từng chiếc bánh. Cuối cùng bỏ thêm một chút đẹp trai của người làm vào nữa là khỏi chê!”. Anh vẫn không quên chêm một câu chọc cười.
Xe bánh nướng đơn sơ, nhưng cũng là phương tiện mưu sinh nuôi sống gia đìnhanh. Ba lần vợ sinh, vừa chăm vợ, anh vừa tranh thủ ra đứng góc đường với xe bánh để k.iếm t.iền mua tã, sữa. “Ngày nào bán được thì hết 3 xô bột, ít thì 1 – 2 xô. Thêm xe bánh của vợ nữa thì cũng được tầm 20 triệu/tháng. Vậy mới trang trải được cho ba con ăn học, con gái lớn cũng lớp 7 rồi, với t.iền thuốc men khi vợ chồng đau ốm. Bả cũng hay bệnh lắm”, anh tâm sự.
Chỉ lắng động một chút khi tâm sự, rồi theo thói quen, anh Thơ lại thoăn thoắt đưa bánh cho khách, kèm câu đùa: “Ai hỏi bánh nào ngon hơn, thì bảo là bánh tròn ngon, bánh dài không dở nghen”.
Có lẽ bên cạnh những chiếc bánh nóng hổi, thơm ngon béo ngậy, thì sự chân chất, lạc quan của anh Thơ đã giữ chân thực khách bên “xe bánh vui vẻ” ở một góc Sài Gòn suốt nhiều năm qua.
Nhiều shipper phải bỏ cuộc trước món bánh vỉa hè vì không thể… đợi nổi
Những niềm vui thường trực bên “xe bánh vui vẻ”
Theo Thanhnien
Quán canh bún vị Bắc 35 năm giữa lòng Sài Gòn
Từ một quang gánh nhỏ thuở sơ khai ở chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận), sau 35 năm quán canh bún Mẹ Tôi đã trở thành một địa chỉ được nhiều thực khách Sài Gòn yêu thích.
Tọa lạc trên con đường nhỏ, chạy dọc theo đường ray ở quận Phú Nhuận, quán canh bún Mẹ Tôi đã trở thành địa điểm quen thuộc để thực khách Sài Gòn thưởng thức món ăn đặc trưng miền Bắc từ nhiều năm nay.
Quán được dời về địa điểm này kể từ năm 1999. Trước đó, quán canh bún Mẹ Tôi chỉ là một quang gánh nhỏ không tên, không bàn, có vài chiếc ghế cóc, do bà Phạm Thị Mến mở ra vào năm 1984 tại chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận).
Sau khi di cư từ Bắc vào Nam, để mưu sinh cũng như nuôi gia đình đông con nhỏ, bà Mến đã mở ra hàng canh bún đặc trưng theo vị Bắc theo lời gợi ý của một người hàng xóm.
Kể từ thời điểm đó, quang gánh canh bún của bà Mến ngày càng đông khách, giúp cho gia đình bà có cuộc sống đầy đủ và nuôi được các con ăn học. Sau này, bà Mến không còn trực tiếp đứng bán nữa mà trao lại quyền quản lý cho các con. Cũng vì nhớ ơn mẹ, các con của bà đã chọn tên quán “Mẹ Tôi” khi quán được dời về địa chỉ này.
Điểm đặc sắc nhất của canh bún Mẹ Tôi là phần nước lèo được nấu vị ngọt thanh, đúng chất Bắc. “Ở Sài Gòn có nhiều quán canh bún, tuy nhiên người ta thường nấu theo kiểu Nam với nước đỏ như bún riêu, có đậu hũ, cà chua, huyết. Mẹ tôi nấu thì không như vậy, chỉ thắng một ít nước màu điều để tạo màu, giữ vị ngọt thanh của nước lèo”, chị Vũ Thanh Phương – con dâu của bà Mến – cho biết.
Ngoài ra, một điểm đặc biệt khác của canh bún tại nơi đây là phần thịt cua được xay từ cua đồng nguyên chất.
Trước 5h mỗi sáng, anh Phan Duy Tân (con ruột bà Mến, chủ quán hiện tại) đi ra chợ cua Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), tự tay chọn những con cua chất lượng để xay. “Tôi còn xé cua giúp người ta. Có mình ngồi đó, cua mới đảm bảo được làm vệ sinh”, anh Tân cho hay.
Chưa hết, canh bún Mẹ Tôi còn được phục vụ kèm rau nhút luộc sơ, được cắt tỉ mỉ thành từng khúc nhỏ. “Chính rau nhút và hẹ là điểm khác biệt của canh bún Mẹ Tôi so với những chỗ khác. Có người thích, có người không, nhưng đã thích rồi thì khó bỏ được”, anh Tân nói thêm.
Hiện tại, quán có tổng cộng 8 nhân viên, bao gồm bộ phận phục vụ, nhặt rau và giữ xe.
Anh Châu Nhật Nam – một khách quen tại đây – nhận xét: “Đồ ăn ở đây đều tươi ngon, và nước súp thanh. Chỉ bao nhiêu đây thôi đã khiến tôi không bỏ được, suốt mười mấy năm qua”.
Từ một quang gánh nhỏ, tới nay quán đã sở hữu một mặt bằng rộng gần 100 m2 để phục vụ thực khách. Ngoài ra, quán còn có một căn nhà riêng cách đó vài bước để giữ xe cho khách.
Với giá một tô nhỏ là 22.000 đồng, tô lớn 27.000 đồng và tô đặc biệt là 35.000 đồng, canh bún Mẹ Tôi có giá khá đắt so với mặt bằng các quán canh bún khác. Ngoài ra, quán còn phục vụ thêm đậu hũ chiên giòn, với giá 10.00-15.000 đồng/đĩa.
Theo chị Phương, trong 1-2 năm trở lại đây, lượng khách đến quán ăn không còn đông như trước, mà họ chủ yếu sử dụng các dịch vụ mua đồ ăn hộ qua mạng. Canh bún Mẹ Tôi mở cửa mỗi ngày từ 11h đến 20h.
Theo Zing