Nói đến cách nấu canh chua, nhiều người tỏ ra khá e ngại vì nghĩ ngay đến việc cần phải chuẩn bị nguyên liệu quá nhiều, phức tạp và tốn thời gian.
Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta có thể nấu canh chua theo nhiều cách, mà không cần đến quá nhiều nguyên liệu, hay nhất định cần phải có cá. Và hôm nay, Yeutre.vn sẽ chia sẻ đến các bạn 2 cách nấu món canh chua ngon như thế, rất lạ miệng và đặc biệt dễ nấu, không hề làm mất nhiều thời gian của bạn.
Canh chua là một món quen thuộc trong bữa cơm của người miền Nam. Ảnh: Internet
1. Thơm ngon món canh chua sườn với dưa muối chua
Nguyên liệu
Khoảng 1 chén dưa cải muối chua, lấy cả phần nước.
1/2kh sườn non heo
2 trái cà chua chín.
1 quả ớt sừng chín,
2 củ hành tím khô.
Các loại gia vị nêm nếm theo thói quen nấu ăn và hành lá, ngò rí hoặc ngổ hay mùi tàu tùy sở thích của gia đình.
Cách nấu
Bước 1: Sườn rửa thật sạch, chặt khúc nhỏ vừa ăn, rồi đem luộc nhanh qua trong khoảng 3 – 5 phút để ra bớt các chất bẩn bên trong, vớt ra rửa sạch lại bọt bám bên trên rồi để ráo nước. Bỏ sườn vào nồi, đổ nước sạch ngập sườn, để lửa lớn và ninh chín. Trong quá trình ninh sườn, nên nếm nếm gia vị cho hợp khẩu vị để sườn được ngấm vừa ăn và đậm đà. Khi sườn chín, giảm lửa nhỏ vừa, đậy kín nắp và ninh sườn trong khoảng 30 – 40 phút để sườn thật sự thơm mềm và ra nước ngọt.
Bước 2: Trong thời gian ninh sườn, chuẩn bị những nguyên liệu còn lại. Hành tím khô lột sạch vỏ, xắt mỏng hoặc băm nhuyễn rồi phi vàng thơm với chút ít dầu ăn. Bỏ dưa cải muối chua vào xào qua cho chín, nêm chút hạt nêm, đường để vị chua của dưa được thanh dịu và ngon hơn.
Hành tím khô lột sạch vỏ, xắt mỏng hoặc băm nhuyễn. Ảnh Internet
Cà chua rửa sạch, cắt múi cau rồi bỏ vào xào chung với dưa cải chua. Nếu muốn canh có vị chua nhiều hơn thì có thể đổ cả phần nước muối dưa vào xào chung, nấu khoảng 5 phút cho dưa và cà chua chín, ngấm gia vị thì tắt bếp.
Bước 3: Đổ phần dưa và cà chua đã xào chín, thơm, vị chua ngọt hòa quyện vào nồi sườn đang ninh, để lửa vừa tiếp tục nấu thêm trong khoảng 20 phút. Tùy vào sở thích ăn cay hay không, bạn có thể cho thêm ít ớt trái xắt nhỏ vào nồi canh, nấu thêm 5 phút thì tắt bếp, hoàn thành món canh chua cực ngon và đơn giản. Múc canh ra tô, có thể rắc thêm hành lá và rau ngò rí xát nhỏ cho canh thơm hơn và cũng bắt mắt hơn. Nếu thích, bạn có thể cho thêm ngổ hoặc mùi tàu đều được, tùy theo khẩu vị của gia đình.
Tô canh ngon đơn giản nhưng cực kỳ ngon miệng, hấp dẫn. Ảnh: Internet
2. Món canh mực nấu dưa chua
Nguyên liệu
200 gram mực trứng loại nhỏ vừa.
1 chén dưa chua.
Cà chua, gừng, tỏi, ớt, rau cần tây.Gia vị cần thiết để nêm nếm: muối, đường, nước mắm, bột nêm, hành lá,…
Cách nấu
Bước 1: Sơ chế món ăn
Mực ngâm với nước muối cho nhả bớt lạnh, rửa sạch, cắt bỏ mắt, lột yếm rồi để ráo nước.
Dưa chua rửa qua và để ráo, cắt nhỏ vừa ăn. Cà chua rửa và cắt múi cau. Tỏi, gừng lột sạch vỏ, đ.ập dập.
Bước 2: Chế biến
Làm nóng 2 muỗng nhỏ dầu ăn trong nồi, phi vàng thơm tỏi rồi cho cà chua vào xào qua, sau đó đổ mực đã sơ chế sạch vào đảo nhanh, nêm nếm chút đường, muối, hạt nêm, nước mắm. Khi mực đã chín săn lại, ngấm gia vị thì đổ khoảng 2/3 tô nước sôi và nửa chén nước muối dưa vào, đậy kín nắp và đun cho nước sôi lại.
Khi nước sôi, cho dưa cải muối vào nấu chín mềm, bỏ thêm vào nồi ít gừng, ớt và rau cần tây để món canh thơm hơn, giảm bớt mùi tanh hải sản vốn có của mực. Nấu thêm khoảng 3 phút thì tắt bếp, múc canh ra tô rồi thưởng thức lúc còn nóng ấm sẽ rất tuyệt vời. Canh đạt yêu cầu khi có vị chua dịu, không quá gắt, hòa vào chút nóng ấm của gừng và ớt làm món ăn thêm phần ngon miệng, hấp dẫn.
Món canh mực dưa chua lạ miệng sẽ mang lại cảm giác thèm ăn, kích thích vị giác. Ảnh: internet
Với 2 cách nấu canh chua như dưa muối nấu sườn và nấu mực mà bài viết vừa hướng dẫn, chắc chắn bạn sẽ khiến cho gia đình thật hào hứng. Hơn thế, bạn cũng cảm thấy rất dễ chịu về 2 món ăn này. Bởi từ khi chuẩn bị, chế biến cho đến khi cả nhà thưởng thức xong, mọi chi tiết đều không làm bạn cảm thấy quá phiền phức, trong khi thành phẩm vẫn đầy sức thuyết phục, chẳng kém gì món canh chua cá truyền thống.
Nhớ… món kho quẹt
Cách đây vài chục năm, kho quẹt chỉ là món ăn của người nghèo lúc thắt ngặt. Cách chế biến cũng rất đơn giản.
Tôi còn nhớ nhà tôi hồi ấy nghèo lắm, chiều nào không có thứ gì ăn cơm chiều là mẹ tôi lại bảo “Chiều nay cho mấy cha con ăn muối quẹt nhọn mỏ luôn!”. Nói rồi mẹ lấy cái nồi đất bắc lên cái cà ràng cho nước mắm vào đun sôi lên, mẹ kêu chạy lại cái gạc- măng- rê lấy keo mỡ heo lại, múc một muỗng cho vào, sau đó thì thêm một ít bột ngọt với tiêu đ.âm vào. Trong lúc chuẩn bị kho, mẹ gọi anh hai, anh ba xách rổ ra ngoài vườn hái một mớ đọt rau muống, rau lang, đọt khoai mì, rau trai, nhãn lồng vô cho mẹ luộc.
Cơm vừa chín bốc khói nghi ngút thì cũng được dọn ra. Bữa ăn chẳng có gì chỉ có dĩa rau luộc, nồi kho quẹt với một tô nước cơm chắc vậy mà mấy cha con cứ ăn lấy, ăn để còn khen mẹ nấu ăn ngon quá. Ba anh em tôi rất thích khựi cơm cháy dưới đít nồi chấm với kho quẹt, vừa giòn vừa thơm mùi khét của gạo, vị mằn mặn beo béo của kho quẹt ăn mới thích làm sao. Ngoảnh đi mấy mươi năm, giờ nhắc lại mẹ tôi lại rơm rớm nước mắt “không hiểu sao hồi đó ăn cực ăn khổ vậy mà bây giờ ba anh em nó đứa nào cũng lớn phây phây”. Giờ thì mỗi lần kho quẹt nhà tôi cũng ăn sang hơn lại thêm vào nồi kho một ít thịt ba rọi, tôm khô hoặc tép khô. Ngày nay, để làm món kho quẹt cần chuẩn bị các nguyên liệu sau: thịt ba rọi, tôm khô, nước mắm, đường, hành, ớt băm nhuyễn, tỏi, tiêu đ.ập hơi dập, rau củ luộc: cà rốt, bầu, bông cải, đậu, rau lang, rau muống……
Để làm món kho quẹt, đầu tiên đem tôm khô ngâm với nước lạnh trước khoảng 30 phút. Vớt tôm khô ra, rửa thật sạch, để ráo nước. Thịt ba rọi rửa sạch xắt thành miếng nhỏ hạt lựu là được. Sau đó cho thịt vào một cái chảo xào thật nhỏ lửa cho mở tan ra hết, thấy thịt chuyển sang màu vàng thì tắt bếp với thịt ra để một bên. Nếu thấy mỡ trong chảo nhiều quá nên cho mỡ bớt ra ngoài, chừa lại khoảng 3 muỗng canh mỡ là được. Sau đó bạn tiếp tục cho tỏi và hành băm nhuyễn vào phi cho thơm rồi cho tôm khô vào xào cho săn. Tiếp theo, chuẩn bị một cái nồi đất, cho phần thịt và tôm khô vào. Sau đó, cho nước mắm đã pha sẵn với đường vào luôn rồi cho một ít ớt băm nhuyễn vào và cuối cùng là cho một ít bột ngọt, hạt tiêu. Tiếp đó đun với lửa thật nhỏ cho đến khi hỗn hợp sánh lại. Trong quá trình đun nên nếm thử, nếu lạt thì cho thêm nước mắm hoặc chế thêm nước lọc nếu hơi mặn.
Khi làm kho quẹt cần lưu ý tỷ lệ pha nước mắm sao cho phù hợp với khẩu vị của bạn là được bởi vì độ mặn nước mắm của mỗi người mỗi nhà đều là khác nhau, không ai sử dụng cùng một loại nước mắm. Về phần chuẩn bị rau củ, bạn đem cà rốt, bầu, khổ qua xắt miếng, bông cải làm sạch, cho vào một cái nồi luộc cho bông cải, cà rốt, bầu vừa chín thôi bạn tắt bếp ra, vớt rau củ luộc ra để ráo nước. Sau đó bài trí ra dĩa và dùng với kho quẹt là ngon hết ý luôn.
Kho quẹt là món ăn ngon dân dã của người Nam Bộ. Nồi kho quẹt âm ấm, thơm nồng mùi nước mắm, kết hợp từ nguyên liệu thịt heo beo béo, dai dai, tôm khô mềm mềm rất đặc trưng. Đặc biệt, món kho quẹt chấm rau củ luộc hoặc ăn cùng cơm cháy là ngon hết biết đấy. Bạn cũng nên tự làm cho mình một nồi kho quẹt để đãi bạn bè, người thân nhé.