Với cách làm này, viên mochi sắn dẻo thơm, chè ngọt thanh, thêm vị ấm nồng của gừng xua tan cái lạnh giá của mùa đông một cách hiệu quả.
Hà Nội trở lạnh cũng là lúc các món ăn vặt ấm nóng như chè sắn, bánh trôi tàu… được gọi tên. Mới đây, trên các diễn đàn về ẩm thực, cư dân mạng thay nhau chia sẻ công thức một món chè làm từ củ sắn. Món ăn này được ví như “sản vật” mùa đông bởi hương vị thơm ngon, chè ấm nóng giúp xua tan đi cái lạnh giá những ngày gió về.
Là một tín đồ yêu bếp, chị Tạ Thùy Giang – chủ kênh YouTube Cacao Kitchen cũng xuống bếp nấu thử món chè đang gây sốt “cõi mạng” này. Khi đã hoàn thành và thưởng thức món chè do chính tay mình nấu, chị Giang chia sẻ: “Mùa đông nhất định phải thử món chè sắn mochi dẻo này nha. Nước chè sóng sánh thơm lừng mùi mật, ấm áp mùi gừng, viên mochi sắn thì dẻo mềm, sắn viên dẻo bùi, ăn ngon quên sầu”.
Cũng theo chị Giang, cách làm món chè sắn mochi dẻo này không quá khó. Điểm khiến chị khá bất ngờ là viên mochi sắn dù để qua ngày vẫn không bị cứng, vì thế mọi người hoàn toàn có thể làm mochi và sắn dẻo cấp đông, khi muốn ăn chỉ cần nấu qua là có thể thưởng thức.
Để giúp mọi người có thể làm chè sắn mochi thành công, chị Giang cũng không quên chia sẻ chi tiết các bước nấu món chè hot hit này.
Nguyên liệu
* Sắn dẻo
– Sắn hấp chín: 300gr
– Đường vàng: 150gr
– Muối: 1gr
– Nước: 300gr
– Bột năng: 90gr
* Mochi sắn
– Sắn hấp chín: 300gr
– Bột nếp: 60gr
– Bột năng: 50gr
– Đường: 40gr
– Bột cốt dừa: 10gr
* Nước khuấy chè
– Nước
– Đường vàng: 150gr
– Đường thốt nốt: 120gr
– Bột năng: 50gr
– Gừng thái sợi: 10gr
– Muối: 1gr
Cách nấu chè sắn mochi
Bước 1: Sơ chế sắn
– Sắn mua về bóc sạch, ngâm với nước lạnh cùng vài hạt muối trong một tiếng để lấy hết nhựa.
– Cắt sắn thành từng miếng vuông vừa ăn. Lưu ý, nên bóc bỏ phần lõi xơ của sắn.
– Cho sắn đã thái miếng lên xửng và hấp chín. Để có sắn chín bở ngon bạn để sắn 15 phút tính từ lúc nước sôi là có thể nhấc xuống.
– Giã sắn nhuyễn khi còn nóng rồi thêm vào đây bột nếp, bột năng, bột cốt dừa, đường và trộn thật đều.
– Thêm một chút nước sôi vào hỗn hợp trên sau đó nhồi cho tới khi hỗn hợp bột dẻo mịn, không bị dính tay là được.
– Viên sắn thành từng viên tròn nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Ngâm sắn
– Cho vào nồi sạch nước, đường, muối rồi bật bếp đun sôi.
– Nước sôi, bạn cho vào đây 300gr sắn đã hấp chín và đun trên ngọn lửa nhỏ khoảng 5 phút. Bước này sẽ giúp cho miếng sắn ngấm đường, tạo vị bở, ngọt khi ăn.
– Đun chừng 20 phút cho sắn thật ngấm sau đó đổ qua rây, giữ lại phần sắn. Phần nước đường ngâm bạn giữ lại để làm nước khuấy chè.
– Phần sắn đã ngâm đường bạn đổ vào âu rồi thêm bột năng sau đó xóc đều tay để bột phủ kín toàn bộ miếng sắn là được.
Bước 3: Nấu chè
– Cho nước, đường, muối cùng gừng tươi đã chuẩn bị vào nồi. Bật bếp đun cho hỗn hợp nước sôi, đường tan thì thả viên mochi sắn vào.
– Khi thấy viên mochi nổi lên thì thả thêm viên sắn dẻo vào nấu để chúng ngấm vị đường gừng hơn.
– Hòa một phần nước ngâm sắn trước đó với bột năng rồi từ từ đổ vào nồi chè, khuấy đều tay tới khi nước chè sánh lại là được.
– Vặn nhỏ lửa, đun nồi chè thêm khoảng 10 phút là có thể tắt bếp.
Bước 4: Thành phẩm
– Múc chè cùng mochi ra bát, rắc thêm dừa bào sợi, lạc rang giã dập là hoàn thành.
– Món chè này sẽ ngon hơn khi ăn lúc nóng.
Chúc bạn thành công!
3 món ngon ấm áp dành cho mùa đông Hà Nội nhất định phải ăn ngay
Hà Nội vào mùa lạnh cũng lắm thứ ngon, nhắc đến đều khiến người ta thòm thèm…
Người ta cứ bảo rươi là món ăn đặc biệt của mùa thu phương Bắc, ấy thế mà chớm đông rồi món chả rươi vẫn hút khách đầy ngõ phố. Có những khi, cái lạnh đầu đông chưa thấy, vài vạt mưa bỗng trút xuống, gió ở đâu kéo rét về, người ta giục nhau mang chăn mền áo ấm và cũng không quên “thòm thèm” vài món nóng hổi, ấm áp.
Rươi – Nỗi nhớ của Hà Nội
Trong Miếng ngon Hà Nội, nhà văn Vũ Bằng có nói đến mùa mà không được ăn rươi thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất t.uổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ. Nhà văn có nói đến cảnh cả miền Bắc, cứ đến những ngày cuối thu, tất cả các gia đình, “không nhiều thì ít, cũng đều ăn rươi”. Cũng có khi, người ta chẳng biết rõ đời con rươi nhưng món ngon nóng hổi, thơm phức vừa ráo dầu ấy khơi gợi lên trong lòng nỗi thèm. Thèm cái vị bổ béo, thơm mùi thiên nhiên, cây cỏ, thảo mộc, hòa lẫn với cái rét lạnh của mùa đông.
Các chị, các mẹ không mua rươi về tự làm thì cũng dắt díu chồng con lên phố sớm làm đĩa rươi, dăm ba miếng rươi tròn tròn, hoặc cả đĩa to ấy, sắn từng miếng nhỏ chấm vào bát nước mắm pha đúng kiểu, chao ôi… mới đã làm sao!
Ai chẳng biết Hà Nội không có rươi, rươi từ các tỉnh gần Hà Nội như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình,… đem về. Thế mà lại thành món quà mùa đông ngon đến nhức nhối cõi lòng. Mùa rươi về, người ta cũng khao khát được nếm thử món chả rươi béo bùi. Rươi còn được người ta gọi là rồng đất, rồi còn được liệt vào giống “đông trùng hạ thảo”.
Vào tuần trăng hạ huyền, khi những cánh ruộng gần biển về đêm đầy rươi, người dân dùng xăm (cái lưới riêng) hay cái vợt để bắt những mẻ rươi tươi rói về. Nhìn trong thúng rươi ấy về đến Hà Nội, có con xanh nhờ nhờ, có con đỏ đùng đục, vàng mờ mờ, có khi lại xám nhạt như màu bạc ố. Tất thảy chúng rươi quằn quại trong thứ nhớt quánh gọi là vẩn – cũng chính là cái giúp con rươi tươi lâu khi rời nước.
Rươi làm được ối món ngon, nhưng nhiều người vẫn ưng món chả rươi nhất. Rươi tươi phải làm lông, dùng nước nóng già, quấy đều, nhặt sạch rác, rửa đi rửa lại cho thật sạch mới thôi. Sau đó, rươi để ráo nước và chế biến món ngon. Rươi mang làm chả, hấp, xào, nấu hay đúc với trứng đều ngon cả. Người ta còn làm cả rươi rang lá chuối hay mắm rươi
Những tháng đầu đông, chị em Hà Nội còn bảo nhau mua niễng – cái thứ rau chỉ có trong vỏn vẹn hơn tháng trời. Có thể nhiều người chưa thử món này, nhưng nghe thử nhà văn Vũ Bằng làm món rươi xào niễng xem sao.
Vỏ quýt mang thái nhỏ, ướp với nước mắm. Hành tây đảo với mỡ thơm ngào ngạt lên cho rươi vào xào chín rồi xúc ra. Thêm mỡ vào chảo, cho niễng vào xào lẫn với thịt ba chỉ thái mỏng, khi gần chín thì đổ rươi vào, đảo thật đều. Rươi khi xào kỹ cũng không lo nát, trái lại thì rươi lại dai. Thêm trứng, hành hoa, xíu dầu vừng, mấy cọng mùi, vài lá gác thái nhỏ, gia thêm tí hạt tiêu. Món ăn nóng hổi, nghi ngút ăn đến đâu sướng đến đấy.
Thưởng rươi dễ nhất phải nói đến chả rươi. Rươi trộn với thịt băm, trứng, thì là, vỏ quýt, băm nhỏ. Tất cả ướp với nước mắm ngon, trộn đều, cho vào chảo rán nhỏ lửa, thơm đến “điếc cả mũi” là có thật. Lúc ăn, rắc tí hạt tiêu, điểm thêm mấy cái rau mùi, dùng lúc nóng hổi là “phải phép”.
Còn rươi hấp ăn thanh hơn chút. Cũng từng ấy thứ gồm thịt, hành củ, vỏ quýt, thì là, nước mắm, vài tai mộc nhĩ, trộn đều và hấp. Rươi chỉ xuất hiện theo mùa, thế nên người ta cũng tìm mua rồi biếu gửi gần xa làm quà, để trong ngăn tủ đông cả năm trời cũng chẳng hỏng. Khi nào muốn ăn mang ra chế biến. Nói vậy để được ăn rươi chứ ăn đúng mùa, trong cái gió lạnh căm của mùa đông, mới thỏa cơn thèm.
Bánh trôi tàu – Thức quà vặt xế chiều ngày đông
Trong những ngày Hà Nội trở lạnh, bánh trôi tàu cũng là món ăn khiến người ta vô tình thương nhớ. Vài viên bánh trôi tròn trịa, căng mẩy, chùng chình trong chiếc bát nước đường mía nấu cùng gừng đun nóng tự nhiên khiến người ta ấm cõi lòng.
Được làm từ bột gạo nếp cùng hai loại nhân phổ biến là đậu xanh và vừng đen. Lớp vỏ bánh mềm mượt, căng mịn bên ngoài, cắn một miếng dẻo dai ngập chân răng thứ nhân bùi bùi ngậy ngậy quyện với thứ nước đường ngọt thanh thơm lừng mùi gừng. Xen lẫn miếng bánh trôi ngọt ngào ấy là vị ngọt cay và ấm của gừng đọng lại. Thấm vào đầu lưỡi, đi xuống cổ họng, đi vào làm ấm cơ thể, xua tan đi cái lạnh mà gió đưa về.
Tất cả những nguyên liệu làm nên món bánh trôi tàu này đều tốt cho sức khỏe, từ việc tốt cho tiêu hóa đến làm ấm cơ thể, giúp bồi bổ khí huyết và tăng cường thể chất. Cái thú ăn bánh trôi tàu của người Hà Nội cũng lạ.
Sáng ra, chẳng thấy ai ngấp nghé quán xá nhưng xế chiều đến, già trẻ, trai gái lớn nhỏ tíu tít sà vào những tiệm bánh trôi tàu trên phố, ngâm nga vài ba câu chuyện đợi bát bánh trôi tàu nóng hổi. Vài ba viên bánh trôi trong bát, chan nước đường gừng nóng hổi, rắc thêm chút vừng, ít dừa nạo. Người thì thích ăn ngọt đậm, người lại thích vị ngọt thanh thanh, nhưng chung quy lại đều mê mẩn mùi gừng thoang thoảng xua tan cái lạnh ấy.
Cũng chẳng phải tự nhiên người ta lại làm nhân bằng vừng đen, ăn vừng đen vào mùa đông vừa bổ m.áu lại đẹp tóc. Đấy là thứ chị em phụ nữ ưng cái bụng nhất. Món quà vặt xế chiều vừa ấm bụng lại tốt cho sức khỏe, có ai mà không thích. Thích hơn nữa là không khí ấm cúng mà món quà vặt mang lại mỗi khi đông về.
Quẩy đùi gà – Món ngon ngày trở gió
Quẩy chẳng phải món ăn xa lạ gì với người dân Việt ta. Trong các hàng quán mỗi ngày của người Việt, quẩy có trong bữa sáng ăn kèm với phở, với cháo để tăng thêm hương vị. Người Trung Quốc gọi quẩy là du tạc quỷ hay bánh xù chiên, là món ăn sáng của người Trung Quốc. Đó là loại quẩy dài và mặn. Còn quẩy đùi gà là món quẩy ngọt, xôm xốp giòn và có vị ngọt nhẹ, ăn rất cuốn.
Quẩy đùi gà là món ăn vặt không có lịch sử gì lâu dài, cũng chẳng có câu chuyện nào ly kỳ về sự xuất hiện của nó. Nhưng vào những buổi chiều thu lành lạnh hay ngày đông căm căm, mùi thơm nức của quẩy đùi gà len lỏi khắp các đường phố, ngõ hẻm.
Để làm ra được những chiếc quẩy đùi gà bé bé, xinh xinh, nở đều với màu hấp dẫn như vậy, chiếc quẩy cũng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mẩn. Từ lúc chọn nguyên liêu, trộn, nhào, ủ bột, cán, cắt và chiên, mỗi bước đều phải có bí quyết riêng để làm ra được chiếc quẩy nở giòn, xốp, không bị vón bột, không bị khét dầu.
Từ ngoại thành đến những cung đường phố cổ, không khó để bạn có thể tìm được hàng quẩy đùi gà. Chiều đông trở gió, túi quẩy nhỏ có chục cái quẩy xinh xinh, nóng hổi là đủ cho một bữa no nê, ấm bụng.
Chả rươi, bánh trôi tàu hay quẩy đùi gà ở nhiều nơi đều có, nhưng với mùa đông Hà Nội, chúng đều có phong vị riêng. Chỉ khi cái lạnh trút xuống, se sắt trong cơn gió ùa về, dắt díu nhau đôi ba người lên phố, thưởng thức những thức quà ấy mới ấm lòng làm sao.