Xưa kia đây là món ăn được vua chúa vô cùng yêu thích và thường xuyên có mặt trong mâm cơm của vua.Là sự kết hợp hoàn hảo giữa ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian, bánh cuốn tôm chua không chỉ là một món ăn ngon mà còn cầu kỳ, tinh tế trong từng chi tiết.
Đối với du khách thập phương, có lẽ không nhiều người biết tới món đặc sản này, cũng bởi giờ đây ở Huế không còn mấy hàng quán bán món ăn này nữa.
Ấy thế mà xưa kia, món ăn này từng một thời được vua chua vô cùng yêu thích. Trên bàn ăn của vua thường xuyên xuất hiện những đĩa bánh cuốn tôm chua đầy hấp dẫn này. Trông thì đơn giản nhưng các công đoạn đều phải tỉ mỉ, cầu kỳ khiến không chỉ người làm mà cả người ăn khi thưởng thức cũng cảm nhận được công sức và tâm huyết được đổ vào từng cuốn bánh.
Bánh cuốn tôm chua là một món ngon Huế được biến tấu từ món bánh ướt nguyên thủy nhưng lại mang đậm hương vị Huế và cách trình bày cầu kỳ. Các nguyên liệu chính để làm nên món ăn này bao gồm tôm chua, thịt luộc, bánh ướt và rau xanh…
Nguyên liệu thì đơn giản vậy thôi nhưng để làm được một đĩa bánh cuốn tôm chua thật ngon và đẹp mắt thì phải cần đến những đôi tay tỉ mỉ, khéo léo. Những chiếc bánh được cuốn gọn gàng, cắt thành miếng vừa ăn, phía trên bày những miếng thịt và tôm chua.
Trước tiên người bán sẽ thật nhẹ tay trải từng chiếc bánh ướt trên một cái đĩa phẳng, xếp rau sống, khoai lang, bún rồi cuộn tròn lại thật chắc tay sao cho không quá chặt cũng không quá lỏng. Sau đó bánh được cắt thành từng miếng độ dài khoảng 2 lóng tay rồi xếp ra đĩa. Để lên trên mặt miếng bánh cuốn một lát thịt heo ba chỉ và một con tôm chua. Chuẩn bị thêm một ít rau sống như xà lách, rau thơm. Cọng rau muống đã bỏ bớt lá, chỉ lấy phần non giòn để khi ăn nhai nghe rau ráu rất vui tai, càng làm món ăn thêm phần thi thú.
Một đĩa bánh cuốn tôm chua cũng hội tụ đủ những màu sắc bắt mắt của một món ăn lành mạnh như xanh tươi của rau, vàng mơ của khoai, trắng trong của bún và hồng hồng đỏ đỏ của tôm chua. Nước chấm có màu nâu vàng sánh óng rất hấp dẫn.
Để tìm một quán bán bánh cuốn tôm chua ở Huế, bạn có thể ghé đến chân cầu Kho Rèn, ở đây có gánh bánh của mệ Hạnh. Để ăn được món bánh ướt cuốn tôm chua của mệ Hạnh, nhiều người phải “rình rập”, canh giờ đứng đợi những điểm mệ hay đi qua. Mẹt bánh chỉ có ba món nhưng đắt khách nhất là bánh cuốn tôm chua. Giở cái mẹt tre nhuốm màu nâu bóng của khói bếp, trải nếp lá chuối lên trên, mệ lại soạn ra món bánh vốn chỉ còn xuất hiện trong những bữa ăn của những gia đình Huế xưa.
Món bánh cuốn tôm chua giờ không còn nổi tiếng như xưa, thế nhưng nó vẫn là một món ăn ngon, đẹp và đầy tinh tế, xứng đáng được thực khách biết tới nhiều hơn. Nếu có dịp ghé thăm xứ Huế, bạn đừng quên thưởng thức món ăn này nhé!
Cà cuống: Món ngon quý hiếm từ sình lầy, không phải ai cũng có cơ hội ăn thử
Nghe cái tên cà cuống có vẻ quen tai nhưng không phải ai cũng từng nhìn thấy hay được thưởng thức chúng.
Cà cuống (hay còn gọi là sâu quế, đà cuống) là một loại côn trùng sinh trưởng ở ao hồ, đầm lầy hay ruộng lúa. Ban ngày, chúng ẩn sâu dưới nước, chỉ đến đêm mới vỗ cánh bay lên. Không chỉ là một loại côn trùng thông thường, cà cuống từ lâu đã trở thành đặc sản, ngày càng “hiếm có khó tìm”.
Con cà cuống là đặc sản quý hiếm. (Ảnh minh họa)
Làng Chèm ở Hà Nội từ xa xưa đã nổi tiếng có nhiều cà cuống. Người dân thường bắt chúng về để lấy bọng tinh dầu trong bụng con đực. Đây được xem là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống của người Hà thành như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự đô thị hóa, số lượng cà cuống càng hiếm, người ta chỉ còn biết đến làng Chèm qua những câu chuyện của người cao t.uổi kể lại.
Cà cuống từng xuất hiện rất nhiều ở làng Chèm, Hà Nội. (Ảnh: Thắng Nguyễn)
Cà cuống là gia vị quý hiếm làm nên hương vị đặc biệt của nhiều món ăn truyền thống. (Ảnh minh họa)
Cà cuống thường xuất hiện trong món bánh cuốn. (Ảnh minh họa)
Ở một số tỉnh miền Tây, cà cuống lại được chế biến thành món ăn, phổ biến và được yêu thích nhất là cà cuống chiên giòn.
Để loại bỏ vị cay của tinh dầu, người ta thường ngâm loại côn trùng này trong nước cơm sôi trong khoảng 10 phút. Sau đó cà cuống được đem đi ướp gia vị cho thật đậm đà. Món này muốn ngon thì phải chiên ngập dầu, lửa lớn đến khi cà cuống phình to, có màu vàng sậm hấp dẫn là có thể ăn được.
Ngoài ra, cà cuống cũng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác như cà cuống nướng, cà cuống quay, xào với rau xanh,…
Cà cuống chiên giòn được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa)
Ngày nay, cà cuống ngày càng khan hiếm, có người mới chỉ nghe tên chứ chưa được nhìn tận mắt ngoài đời. Nếu muốn thưởng thức loại đặc sản này, bạn có thể mất đến 5 – 6 triệu đồng/kg (80 – 90 con). Tuy nhiên, chỉ cần ăn thử từ 1 – 2 con là bạn đã cảm nhận được hết sự thơm ngon, béo ngậy đầy hấp dẫn của cà cuống.