Đặc sản Bắc Giang hấp dẫn du khách với nhiều món ăn ngon như: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, bánh đa Thổ Hà, bánh đúc Đồng Quan, gỏi cá mè,… Nếu đã thử một lần, du khách sẽ nhớ mãi hương vị ấn tượng ấy.
Vải thiều Lục Ngạn
Nhắc đến đặc sản Bắc Giang không thể không kể đến vải thiều Lục Ngạn với điểm nổi bật là vỏ mỏng, hạt nhỏ, khi chín có màu đỏ tươi, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, vải thiều Lục Ngạn cũng to và có hương vị đặc trưng hơn so với các loại vải thiều ở những vùng đất khác. Loại quả này không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia,…
Ở nước ta, vải thiều được trồng ở nhiều nơi nhưng vải thiều Bắc Giang lại có độ thơm ngon, đậm vị hơn cả (Ảnh: Hoàng Nguyệt).
Tuy nhiên, vải thiều Lục Ngạn chỉ có theo mùa nên nếu ghé thăm nơi đây không vào mùa vải, du khách có thể mua và thưởng thức món vải sấy khô với hương vị vẫn được giữ nguyên vẹn.
Gà đồi Yên Thế
Huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có địa hình đồi núi trung du với diện tích tương đối rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu chăn thả tự do. Trong đó, gà đồi là một trong những vật nuôi thế mạnh của vùng đất này.
Do được sinh trưởng trong môi trường đồi núi tự nhiên với nguồn thức ăn chủ yếu là ngô, gạo nên gà Yên Thế có phần thịt săn chắc, vị ngọt thơm.
Thực khách sành ăn chỉ thưởng thức gà đồi Yên Thế một lần là cảm nhận được ngay sự khác biệt.
Bánh đa Thổ Hà
Bánh đa Thổ Hà là đặc sản lâu đời của người dân xã Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và ngày càng được thực khách thập phương yêu thích. Bánh đa nơi đây có hai loại là bánh đa nem và bánh đa nướng, đều được làm từ các nguyên liệu tuyển chọn kỹ càng nên thơm ngon, khác biệt.
Nếu bánh đa nem Thổ Hà mềm dai, có màu trắng tự nhiên thì bánh đa nướng lại có màu vàng rộ, giòn tan, khi ăn có vị thơm bùi của vừng, của lạc, vị béo của dừa nạo.
Để có một mẻ bánh đa ngon, người Thổ Hà phải chọn nguyên liệu cẩn thận. Gạo phải chọn loại gạo tẻ loại ngon; vừng trắng đãi kỹ, không sạn; lạc loại già, mẩy; dừa già, cùi dày (Ảnh: Người Bắc Giang).
Gỏi cá mè
Gỏi cá mè là đặc sản nổi tiếng ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Món ăn này đòi hỏi quá trình chế biến tỉ mỉ, khéo léo để giữ trọn hương vị tươi ngon của miếng thịt cá, cùng vị thanh mát của các loại rau tươi.
Cá mè sau khi được làm sạch thì đem thái mỏng, ướp cùng thính, riềng xay, một ít tỏi và ớt. Điểm đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn của món ăn này là công đoạn chế biến nước chấm. Nước chấm cá bao gồm nước riềng, nước khế, nước tương, một ít mẻ chua nấu kỹ cùng đầu cá mè băm nhỏ.
Món gỏi này đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ từ khâu chọn lựa nguyên liệu đến chế biến nên dễ dàng chiều lòng cả những vị khách sành ăn, khó tính nhất (Ảnh: Gà tươi).
Bánh đúc Đồng Quan
Bánh đúc Đồng Quan là món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn của người dân ở thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn (Bắc Giang). Bánh đúc nơi đây được nhiều người yêu thích bởi độ dẻo và thanh mát đặc trưng.
Bánh đúc là món ăn bình dị, dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng ở Bắc Giang (Ảnh: Luxstay).
Miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc ăn bùi bùi, giòn giòn. Món bánh này chấm kèm tương bần là ngon nhất.
Ngoài các món ăn kể tên trên, nếu có dịp đến Bắc Giang, du khách có thể mua một số đặc sản khác về làm quà cho bạn bè, người thân như mỳ Chũ, bánh vắt vai, cua da, nham cá, cam Bố Hạ,…
Bánh vắt vai của người Cao Lan
Bánh hấp dẫn bằng chính cái tên lạ và hình thức của nó. Tên gọi này xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất kỳ thời điểm nào.
Đây là loại bánh truyền thống của người Cao Lan nên ngay từ nhỏ, các thiếu nữ đã được bà, mẹ truyền dạy cách làm. Bánh vắt vai được làm từ gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng, có vị thơm ngon, ngọt bùi là món ăn dân dã của người Cao Lan ở Bắc Giang.
Bánh hấp dẫn bằng chính cái tên lạ và hình thức của nó. Tên gọi này xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất kỳ thời điểm nào. Đây là loại bánh truyền thống của người Cao Lan nên ngay từ nhỏ, các thiếu nữ đã được bà, mẹ truyền dạy cách làm.
Thoạt nhìn, nguyên liệu làm món này giống như bánh chưng, bánh tét gồm gạo nếp, đậu xanh. Ngoài ra còn có lá chuối, đường và đặc biệt không thể thiếu rau ngải cứu. Chính thứ rau này mang đến mùi vị khác lạ và đặc biệt cho bánh.
Không phải gạo nếp nào cũng làm được bánh ngon mà phải là nếp Phì Điền nổi tiếng ở huyện Lục Ngạn. Nhờ chất đất và khí hậu đặc trưng, nếp cái hoa vàng Phì Điền có vị dẻo, hương thơm.
Bánh vắt vai thường có trên bàn thờ của người dân tộc Cao Lan mỗi dịp lễ, Tết.
Gạo nếp được xay nhỏ bằng cối đá. Ngải cứu luộc cùng với nước vôi cho bớt vị chát và đắng rồi xay nhỏ, trộn cùng với bột gạo nếp. Sau đó, người làm nặn thành những viên bột, nhân gồm đậu xanh được xào qua với đường.
Để bánh ngon và dậy vị thơm, phải chọn lá chuối tươi, non mỡ màng rồi nướng qua trên bếp lửa, sau đó đem gói. Bánh được đặt ở hai bên đầu lá chuối, để có thể gập vào được và vắt lên vai. Bánh cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là được, mùi thơm của ngái cứu lan tỏa. Trong những dịp lễ, Tết, người Cao Lan vắt vai đi biếu họ hàng nội ngoại ở xa.
Bánh vắt vai có vị của đậu xanh, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp và chút hương ngai ngái của ngải cứu khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ. Đến Lục Ngạn vào mùa tháng 3 âm lịch hay dịp gần Tết, bạn sẽ dễ dàng tìm mua bánh trong các chợ quê hoặc được người Cao Lan mời ăn trong mỗi dịp lễ hội.