Nhiều thương hiệu mì ăn liền đã kết hợp những thứ tưởng chừng không liên quan để tạo ra hương vị độc đáo. Mì ăn liền là loại đồ ăn hàng ngày và hầu như ai cũng yêu thích. Đặc biệt là khi đói, chỉ cần một bát mì tôm nhanh gọn, đơn giản cũng đủ làm ấm bụng.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại mì với đủ các kiểu hương vị khác nhau. Tuy nhiên, để nổi bật trong mắt khách hàng, một số nhãn hiệu đã sáng tạo nên những hương vị mì ăn liền có “1-0-2″, lạ đến mức thậm chí khi nghe đến tên, bạn không tin là nó có tồn tại.
Mì trà sữa trân châu
Nghe thì kỳ lạ nhưng có một thương hiệu thực sự đã sản xuất mì trà sữa trân châu. Đó là màn bắt tay giữa hãng trà sữa Tealive của Malaysia cùng mì MAMEE. Họ đã tung ra sản phẩm mì tôm cay trân châu đen Spicy Mi Boba.
Món mì này có vị cay và dai đặc trưng nhưng lại kết hợp hoà quyện với nước súp trà sữa, tạo ra sự kích thích vị giác. Thay vì đi kèm với các loại topping quen thuộc như trứng, rau hay thịt, mì trà sữa còn có thêm một gói trân châu dai. Gói bột nêm cũng chứa đường, gia vị, kem và trà đen tạo ra loại nước súp vừa cay, vừa ngọt.
Mì vị trà sữa trân châu. Ảnh: Viral Cham.
Mì có thể được ăn theo kiểu nóng hoặc lạnh tuỳ thích. Ngoài ra, loại mì trên được bán với số lượng giới hạn, với giá 94.000 đồng cho 3 cốc.
Mì ăn liền Ratatouille
Nếu từng xem bộ phim hoạt hình “Chuột đầu bếp”, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng với món rau củ hầm Ratatouille của nước Pháp.
Với sự sáng tạo của thương hiệu mì Nhật Nissin, giờ đây mọi người có thể dễ dàng thử Ratatouille kết hợp cùng mì ăn liền. Loại mì rau củ này được quảng cáo chỉ chứa 198 calories.
Món mì rau củ hầm ít béo. Ảnh: The Ramen Rater.
Mì sữa chua
Hai ly mì Curry Yogurt Ramen và Tomato Yogurt Ramen được quảng cáo có 20 tỷ lợi khuẩn nhờ có sự kết hợp giữa sữa chua cùng mì ăn liền.
Trong ly mì gồm có sốt kem curry sữa chua, sốt kem cà chua sữa chua, hành, thịt… Loại mì độc lạ này được sản xuất bởi Meisei Foods và có giá bán khoảng 30.000 đồng/ly.
Mì sữa chua cực lạ. Ảnh: Entable.
Mì ăn liền bào ngư
Nhắc đến mì ăn liền, người ta sẽ nghĩ ngay đến món ăn giá rẻ. Ấy vậy, thương hiệu mì này lại mang đến trải nghiệm ăn mì bình dân nhưng lại sang chảnh bằng cách cho thêm topping bào ngư thật vào gói mì.
Nước dùng của mì có mùi thảo mộc thơm, tạo cảm giác như tốt cho sức khoẻ. Mỗi gói mì ăn liền với 2 con bào ngư nhỏ có giá gần 100.000 đồng.
Mì bào ngư “đắt xắt ra miếng”. Ảnh: Wonderwall.
Mì ăn liền vị hamburger và gà rán
Hamburger, gà rán hay mì ăn liền đều là những món phần đông giới trẻ yêu thích. Vậy khi kết hợp vào nhau, chúng sẽ trở nên như thế nào?
Để trả lời câu hỏi đó, thương hiệu Maruchan đã cho ra mắt mì ăn liền vị hamburger và mì ăn liền vị gà rán. Theo đ.ánh giá của Zenpop, hai ly mì này thực sự có vị giống như hamburger và gà rán vì gói súp hành tây cùng sốt kem.
Các tín đồ gà rán hay hamburger chắc hẳn sẽ thích vị mì này. Ảnh: Sora News.
Thịt treo gác bếp – đặc sản “độc, lạ” của vùng cao
Thịt gác bếp là món ăn được rất nhiều người ưa chuộng bởi hương vị độc đáo. Nhưng hẳn chưa mấy ai biết, để được miếng thịt treo ngon như vậy phải trải qua quá trình chế biến như thế nào và vì sao nó trở thành đặc sản.
Thực phẩm tích trữ
Nếu để hỏi món thịt treo gác bếp có từ bao giờ, chắc chắn sẽ rất khó có câu trả lời. Chỉ biết rằng, món ăn này đã được đồng bào các dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao… ở các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn… sử dụng từ rất lâu và cứ thế họ tiếp tục phát triển.
Mùa đông ở miền Bắc khá lạnh, đặc biệt là vùng cao có những lúc nhiệt độ thấp hơn đồng bằng cả chục độ C. Ngày trước, khi kinh tế còn khó khăn, những vật dụng như tủ lạnh là của hiếm, chưa kể ở vùng cao nhiều nơi không có điện sinh hoạt, đường sá đi lại khó khăn, có khi đi cả nửa ngày đường mới tới chợ. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, đồng bào các dân tộc vùng cao cũng tự biết cách tích trữ thực phẩm để ăn trong thời gian dài, như món thịt treo gác bếp chẳng hạn.
Đĩa thịt treo gác bếp thơm ngon.
Thường thì chủ yếu người ta sẽ làm bằng thịt lợn, nhiều nhất vào dịp cuối năm, đồng bào “đụng” lợn để vừa ăn Tết, vừa là làm thực phẩm tích trữ dài ngày cho tháng Giêng, tháng hai lên nương cày cấy. Lợn bản được chăn thả tự nhiên sẽ cho thịt ngon và chắc nhất, thường lựa chọn phần ba chỉ, mông, vai để làm. Sau khi sơ chế thật sạch và lau khô, những phần thịt được cắt theo từng khúc dài, một đầu được xiên bởi những sợi lạt tre để thuận tiện đem treo.
Thịt sẽ được phủ kín bởi một lớp muối hột, sau đó đem trữ vào âu sành (hoặc những chiếc sọt tre có lót và đậy bằng lá chuối) trong 1 ngày. Khi miếng thịt đã ngấm muối, phần mỡ trở nên trong hơn, người ta sẽ treo vào những thanh tre dưới gác bếp từ 1 tuần đến 10 ngày là đã ăn được.
Mùa đông vùng cao thường rất lạnh, người dân thường quây quần ăn cơm hay tiếp khách cũng bên cạnh bếp, chính vì thế bếp của họ luôn đỏ lửa. Đồng bào thường sử dụng 2 bếp, một bên để nấu ăn, bên còn lại luôn là một chảo cám lợn. Phía trên, cách mặt bếp khoảng 2m, là một giàn những thanh tre treo cố định. Chỗ này vừa là nơi bảo quản một số vật dụng gia đình khỏi mối mọt, vừa là nơi trữ hạt giống và phía dưới treo thực phẩm như món thịt gác bếp.
Thịt treo gác bếp sẽ được bao bọc bởi một lớp khói. Khi miếng thịt có màu nâu đen, khô và chắc là có thể ăn được. Lúc ăn, người ta sẽ đem rửa thật sạch rồi chế biến theo nhiều cách như nướng, xào, hay nấu canh với măng.
Thịt gác bếp có màu nâu đen, khô và chắc có thể được dùng chế biến theo nhiều cách như nướng, xào, nấu với măng…
Đặc sản được yêu thích
Hơn chục năm trở lại đây, ẩm thực vùng miền lại trở nên được ưa chuộng. Xu hướng tìm về những món ăn xưa cũ, những sản vật vùng miền hay món ăn bình dị lên ngôi. Và vì thế, những món ăn quê lại khoác cho mình chiếc áo mới, thậm chí phần nhiều còn vươn lên trở thành đặc sản, trong đó có món thịt treo gác bếp.
Thịt treo gác bếp quay trở lại một phần cũng do sự hoài niệm của nhiều người. Họ nhớ ký ức về ẩm thực quê, họ muốn thưởng thức trở lại những thứ mà thời nay không còn dễ kiếm tìm nên đã tự sáng tạo cả công thức lẫn cách bảo quản món ăn. Thịt treo gác bếp cũng đã thay đổi trong cách tẩm ướp, thay đổi trong cả cách treo để hợp với thời đại hơn, ngon và an toàn hơn dựa trên những gia vị miền núi. Hương vị cũng vì thế đã được phân vùng một cách riêng biệt.
Thịt treo gác bếp đã trở thành thức ăn đặc sản đối với nhiều người.
Ở khu vực Tây Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên… họ có gia vị đặc sản là mắc khén, hạt dổi rất nổi tiếng để tẩm ướp tạo vị thơm ngon rất đặc trưng. Còn phía Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… thịt sau khi được sơ chế sạch họ sẽ tẩm ướp bằng rượu được ngâm với gừng núi, tiêu, bột mắc mật… Thành phẩm cũng sẽ có vị ngon và rất vừa miệng.
Những chiếc lò chuyên dụng được làm riêng, thịt có thể được treo khô trong lò bằng bã mía. Thời gian để làm miếng thịt treo gác bếp cũng trở nên nhanh hơn, được bảo quản sạch bằng cách hút chân không và trữ trong tủ đông. Vì thế, miếng thịt treo trở nên thơm và đẹp mắt, đảm bảo vệ sinh hơn rất nhiều.
Lò chuyên dụng làm thịt treo gác bếp.
Chỉ cần cắt một miếng ba chỉ gác bếp rửa sạch, đem hấp chín trong nồi cơm là đã có đĩa thịt ngon mắt với phần mỡ trong veo thái lát mỏng và phần thịt màu nâu đỏ bắt mắt. Hay đem cả miếng thịt nướng trên than hồng, mùi khói quện với mùi thơm gia vị tẩm ướp, vị ngọt đậm đà của thịt ăn khá lạ miệng mà lại không ngán. Nhiều người đem thái mỏng xào với ngồng tỏi, ngồng cải làn hay với rau bồ khai, thậm chí đem kho với măng chua… Mỗi gia đình một cách ăn khác nhau và đương nhiên đây là một món khá dễ chế biến.
Hiện nay, món thịt treo gác bếp đã trở nên khá phổ biến và có cả phiên bản thịt trâu, thịt bò hay thịt ngựa… gác bếp. Sẽ không khó để tìm mua ở nhiều cửa hàng đặc sản, trên trang thương mại điện tử hay những hội nhóm trên mạng xã hội. Với những gia vị đặc trưng, được bảo quản sạch và tốt hơn nên thịt treo gác bếp ngày càng nhận được sự ưa chuộng tại nhiều nơi trong cả nước.