Bánh dây Bồng Sơn là món ăn đặc sản dân dã, mộc mạc nhưng không kém phần mê ly của người dân xứ Nẫu. Nếu có dịp về Bình Định, bạn không nên bỏ qua món ăn độc đáo cùng hương vị thơm ngon đặc trưng, ít nơi nào có được này nhé.
Bánh dây – một món ăn làm từ gạo với cách chế biến cầu kì cùng hương vị rất riêng là món ăn có nguồn gốc từ huyện Hoài Nhơn. Hiện nay, bạn có thể thưởng thức bánh dây ở bất cứ nơi đâu trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, muốn ăn bánh dây ngon chính gốc thì nhất định phải phải về thị trấn Bồng Sơn.
1. Về Hoài Nhơn ăn bánh dây Bồng Sơn
Thoạt nhìn lướt qua bánh dây Bồng Sơn bạn sẽ nghĩ ngay đến món bún, mì hay phở xào vì chúng có điểm chung là những sợi dây dài. Nhưng không, đây là một món ăn đặc sản Bình Định lạ miệng.
Bánh dây Bồng Sơn món ăn dân dã đầy mê ly.
Bánh dây đơn giản, mộc mạc, nhưng để làm ra mẻ bánh ngon thì cần rất nhiều thời gian lẫn công sức; chất chứa bao sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây.
Bánh dây đơn giản, mộc mạc như chính người dân nơi đây. – Ảnh: Sưu tầm
Món ăn này mang dáng vẻ của hương đồng cỏ nội với mùa lúa chín thơm, một chút vị the nhè nhẹ của lá hẹ và chút béo ngậy của đậu phộng quê nhà. Tất cả những hương vị ấy cùng hòa quyện vào với nhau tạo nên nét đặc trưng rất riêng chỉ có ở bánh dây Bồng Sơn.
Nhìn đĩa bánh dây hấp dẫn chưa nè? – Ảnh: Sưu tầm
Đó cũng là lý do, dù bánh dây có thể ăn ở bất cứ đâu nhưng chỉ khi bạn ghé lại đúng cái nôi của món ăn bình dị này thì bạn mới có thể cảm nhận được hương vị tuyệt vời và cảm giác dân dã thắm thiết tình quê mà bánh dây Bồng Sơn mang lại.
2. Bánh dây Bồng Sơn muốn ngon thì phải kỳ công
Bánh dây Bồng Sơn thoạt nhìn tưởng như cách làm rất đơn giản, ấy vậy mà khi hỏi ra bạn mới hiểu thế nào là “ăn ngon phải kỳ công”. Muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ mới ra được sợi bánh có vị dai và dẻo thơm.
Việt Nam mến yêu – Tập 83: Thơm ngon bánh hỏi, bánh dây Bình Định
Gạo đem ngâm nước sạch rồi phơi cho khô, sau đó ngâm với nước tro củi đã được lọc sạch khoảng 6 tiếng. Nhờ nước tro mà bánh dây mới có màu vàng đặc trưng cũng như độ dai mà không phải dùng đến “hàn the” và bảo quản được lâu hơn.
Bánh dây Bồng Sơn muốn ăn ngon phải kỳ công. – Ảnh: Sưu tầm
Tiếp theo, gạo sau khi ngâm nước tro sẽ được đem xay nhuyễn thành bột và hấp chín. Đặc biệt, trong quá trình hấp, người làm bánh phải liên tục dùng tay khuấy để bột được chín đều và không bị cháy khét.
Khi bột chín đều và ráo nước thì đem ra nhào bột thật dẻo mịn, rồi cắt thành miếng nhỏ cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ, đem đi hấp cách thủy cho chín đều. Lúc này, sợi bún có màu vàng nhạt tự nhiên và đẹp mắt.
Đến bước hấp cách thuỷ là gần có ăn rồi đấy nhé. – Ảnh: Sưu tầm
Những sợi bún vàng này dính với nhau, nhưng có thể tách ra được dễ dàng nên người ta gọi là bánh dây (bún dây) hoặc người dân địa phương còn gọi là bún nước tro.
3. Hương vị khó cưỡng của bánh dây Bồng Sơn
Bún dây Bồng Sơn phải ăn theo kiểu bún trộn và để nguội thì mới ngon. Bún cho vào bát hoặc đĩa sâu, cho ít dầu ăn và nước mắm vào trộn đều. Dầu ăn phải được phi hành thơm trước, ăn cùng nước mắm ớt tỏi chua ngọt, dân dã nhưng đầy mê ly.
Bánh dây Bồng Sơn phải để nguội, trộn đều lên ăn mới ngon. – Ảnh: Sưu tầm
Bánh dây thường được bán vào buổi sáng và chiều tối. Khi có khách gọi, người bán sẽ nhanh tay xé rời từng vỉ bánh, cắt từng đoạn ngắn vừa ăn cho vào dĩa.
Thêm chút đậu phộng, hẹ, rau giá,… làm tăng thêm hương vị. – Ảnh: Sưu tầm
Nhìn đĩa bánh dây được mang ra, thực khách sẽ bị kích thích ngay vị giác bằng những màu sắc bắt mắt: vàng của bánh, xanh của rau, trắng của giá, đỏ của chén nước mắm,… Mùi thơm thoang thoảng hương gạo mùa, đậu phộng quê, lá hẹ vườn nhà.
Gắp một miếng bánh dây Bồng Sơn là sự hoà quyện của một bữa tiệc mộc mạc đầy lý thú. – Ảnh: Bánh bèo Bà Xê
Nhẹ nhàng gắp, cắn một miếng thôi vị dai của sợi bánh dây hòa lẫn với mùi thơm của nước mắm ngon, quyện cùng các loại rau tươi và vị béo ngậy, giòn giòn của đậu phộng,.. Đó sẽ là một bữa tiệc mộc mạc đầy lý thú dành cho thực khách khi ghé thăm mảnh đất Bồng Sơn.
4. Bánh dây Bồng Sơn – Thức quà dân dã ai cũng thích
Bánh dây Bồng Sơn thường theo chân những gánh hàng rong có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu trong thị trấn. Bánh dây rất rẻ, nên có nhiều người bụng tốt (không sợ bị bội thực) thì ăn một lần hai, ba dĩa cũng chưa muốn dừng.
Món ăn này theo chân những gánh hàng rong có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu trong thị trấn. – Ảnh: Sưu tầm
Thế mới thấy bánh dâylà món ăn dân dã, đã có từ lâu đời ở huyện Hoài Nhơn – Bình Định mà bất kì ai, dù già trẻ lớn bé cũng đều thích hương vị mộc mạc này.
5. Địa chỉ bán bánh dây Bồng Sơn ngon
Nếu muốn ăn bánh dây Bồng Sơn ngon ngay ở trung tâm thành phố Quy Nhơn thì bạn có thể tới khu chợ Đầm hay quán nhỏ ở địa chỉ 81 Mai Xuân Thưởng hoặc Bánh bèo Bà Xê ở địa chỉ 50/22C Nguyễn Thái Học, với mỗi đĩa bánh trung bình có giá khoảng từ 10.000 – 20.000 đồng.
Đến chợ Đầm thưởng thức bánh dây ngon lạ, hấp dẫn. – Ảnh: Sưu tầm
Còn nếu muốn ăn chuẩn vị gốc nhất thì hãy “xách balo lên và đi” đến tận cái nôi của món ăn này -thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ở các khu chợ hay các tuyến đường trung tâm đều bán rất nhiều.
Đến Hoài Nhơn ăn bánh dây Bồng Sơn chính gốc nếu có dịp nhé. – Ảnh: Sưu tầm
Bật mí là nếu lăn tăn không biết chọn quán nào thì cứ thấy ở đâu đông người chút xíu thì “xông” ngay vào nhé, đảm bảo sẽ được thưởng thức bánh dâyrất thơm ngon và chuẩn vị đấy!
Bánh dây Bồng Sơn ăn hơi dai, vị thanh dịu nhẹ mang theo chút dư vị của đồng quê dân dã. Quả thật, đã đến Bình Định mà không thử qua món này thì đáng tiếc lắm đấy nhé.
Đậm đà tré Bình Định
Anh bạn đón tôi ở ngay trung tâm TP.Quy Nhơn khi hoàng hôn chưa kịp buông xuống phố biển. Trong ánh đèn vàng, tôi thấy những chiếc tré đặc sản Bình Định treo lủng lẳng ở các tiệm ven đường.
Nguyên liệu để làm nên món tré nức tiếng đều là những nguyên liệu quen thuộc của địa phương: thịt tai heo, thịt đầu heo, thịt ba chỉ cùng gia vị mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi.
Thịt heo được chần qua nước sôi rồi ngâm trong nước lạnh để thịt giòn và không bị dính, dùng dao thái nhanh tay, sau đó nêm nếm muối, tiêu cho vừa miệng ăn. Trộn thịt với riềng, tỏi đã thái mỏng, thính gạo đã được giã nhỏ cho đều. Tiếp đến là khâu gói tré, một khâu rất kỳ công và quan trọng để làm tré ngon. Trải lá chuối ra, lá ổi non rửa sạch, xếp phẳng phiu và trải đều hỗn hợp tré vừa đủ lên trên, cuốn lại cho thật chặt, chắc tay. Sau đó, tré được khoác bên ngoài lớp “áo” rơm lúa mới dày, bó chặt hai đầu bằng lạt. Cách gói công phu này giúp món tré Bình Định có thể để lâu nhiều ngày. Tré được ủ lên men một cách tự nhiên, sau 2 – 3 ngày sẽ tự chín, các gia vị thấm đều vào nhau…
Mười mấy năm mới được gặp lại bạn, giờ chỉ có tôi và bạn ngồi bên nhau cùng đặc sản tré Bình Định trứ danh (ảnh), vừa luyên thuyên bao câu chuyện vừa thưởng thức hương vị không thể lẫn vào đâu của món ăn đặc sắc này.