Đình Bảng, Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng giàu truyền thống văn hóa, nơi thờ tự 8 vị vua nhà Lý, còn nổi tiếng với đặc sản bánh phu thê, loại bánh không thể thiếu trong mâm lễ cưới, hỏi, ngày Tết… ở vùng Kinh Bắc.
Bánh phu thê Đình Bảng – Loại bánh ngon nổi tiếng của vùng quê Quan họ
Ở vùng đất Quan họ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại nô nức chuẩn bị những cặp bánh phu thê thơm ngon với mong ước cuộc sống sung túc, hạnh phúc trong năm mới.
Bánh phu thê Đình Bảng. Ảnh: VTV.vn
Nghề làm bánh phu thê Đình Bảng đã tồn tại hàng trăm năm dưới triều đại nhà Lý. Trước đây, người dân thường làm bánh vào dịp Tết Nguyên đán và ngày hội Đền Đô để tế lễ, làm quà biếu.
Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.
Ngày nay, nghề làm bánh đang phát triển rất nhanh chóng, người dân làm bánh ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Trong phường Đình Bảng có gần 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh bánh mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Nhân bánh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN.
Theo truyền thuyết, chiếc bánh bắt nguồn từ sự tích vua Lý Anh Tông đi đ.ánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay làm bánh gửi cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng thắm thiết đã đặt tên bánh là bánh phu thê.
Trộn nhân bánh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN.
Nhưng cũng có tích truyền lại câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn, trước lúc người chồng lên đường đi buôn, người vợ làm bánh và gửi gắm tâm tư dù có xa nhau nhưng tấm lòng của người vợ vẫn luôn ngọt ngào như miếng bánh.
Gói bánh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN.
Cũng có câu chuyện khác cho rằng, một lần hội Đền Đô, vua Lý Thánh Tông cùng vợ là Nguyên phi đến Đền Đô. Có đôi vợ chồng trẻ đã làm món bánh lạ dâng lên vua. Nhà vua ăn thấy ngon nên đã đặt tên bánh là phu thê. Dù ở câu chuyện nào, bánh phu thê cũng tượng trưng cho sự thủy chung.
Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN.
Mỗi gia đình trong phường sẽ có bí quyết làm bánh phu thê riêng để tạo nên hương vị đặc biệt. Để làm nên một chiếc bánh phu thê dẻo, thơm ngon, người làm bánh cần cẩn trọng trong từng công đoạn để tránh ảnh hưởng đến chất lượng của toàn mẻ bánh.
Gạo nếp cái hoa vàng dùng làm bánh.
Bánh phu thê Đình Bảng có sự hòa quyện của lớp vỏ và phần nhân. Vỏ bánh được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng. Gạo nếp xay thành bột, cô đặc lại để hơn một tuần mới đem trộn đường trắng, đu đủ xanh nạo sợi và hương liệu như tinh dầu chuối, va ni, hương cốm cùng nước quả dành dành. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh đãi sạch vỏ, đồ chín, giã nhuyễn trộn với đường trắng, nước cốt dừa và dừa nạo.
Quả dành dành tạo màu vàng của bánh.
Do bánh được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau nên người làm bánh thường phải tỉ mỉ trong từng khâu. Sau khi các nguyên liệu được chuẩn bị xong, người thợ dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân.
Đậu xanh đãi vỏ.
Lá gói bánh là lá dong. Lá rửa sạch, để ráo nước, tước bớt cọng để lá được mềm mại trong khi gói. Lá lót trong phải là lá chuối tây dẻo luộc chín hong khô. Khi gói, người ta còn quết lên lá một lớp mỡ để khi bóc bánh ăn không bị dính. Sau khi gói, bánh được luộc chín, vớt ra buộc từng cặp bằng 1 chiếc lạt hồng.
Đu đủ nạo sợi cũng là một thành phần của nhân bánh.
Chiếc bánh phu thê đạt tiêu chuẩn là khi thưởng thức người ta sẽ thấy được màu vàng trong của bánh, nhìn thấu những sợi đu đủ bên ngoài lớp vỏ. Khi ăn, cảm nhận hương thơm, dẻo từ gạo nếp, dai giòn của đu đủ, béo bùi của đậu xanh, dừa, và vị ngọt của đường…
Luộc bánh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN.
Do vị ngon đặc trưng của bánh nên ai đến Bắc Ninh cũng mong muốn được thưởng thức, mua về làm quà biếu. Bởi vậy, người dân Đình Bảng sản xuất bánh cả năm. Riêng từ tháng Chạp âm lịch, những cơ sở lớn phải thuê thêm hàng chục nhân công làm việc ngày đêm để kịp giao hàng cho dịp Tết.
Ngọt ngào bánh phu thê
Chuyện kể rằng khi vua Lý Anh Tông đi đ.ánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê.
Chuyện kể rằng khi vua Lý Anh Tông đi đ.ánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê.
Ngày nay, bánh phu thê còn được người dân quê tôi gọi là bánh su sê. Những ngày đám cưới, giỗ, tết, bánh phu thê luôn có mặt trên bàn thờ tổ tiên như một ước vọng về sự thủy chung, bền chặt trong tình yêu đôi lứa của vợ chồng gia chủ.
Để làm được những chiếc bánh phu thê thơm, ngon, dẻo, dâng lên cúng ông bà những ngày Tết, mẹ tôi phải vất vả trải qua nhiều công đoạn. Mẹ chọn loại nếp hương, đem vo sạch, để ráo nước và xay thành bột. Sau đó, lọc lấy tinh bột nếp. Một ký nếp lấy được 4 lạng tinh bột. Mẹ lại xay đó cho thật nhuyễn rồi phơi khô, để qua hơn 10 ngày mới đem ra làm bánh. Mẹ bảo, nếu đem bột ra làm ngay thì bánh sẽ không dai và bị nát.
Mẹ lấy một ít đậu xanh, ngâm nước qua một đem rồi tỉ mỉ đãi sạch vỏ. Mẹ nhen lửa, hấp đậu xanh chín mềm rồi nghiền thật mịn. Tiếp theo, mẹ thắng đường kính với lượng vừa đủ. Khi nước đường được thắng xong, mẹ cho phần đậu xanh vào quậy đều. Để nhân bánh được ngon hơn và nhiều hương vị, mẹ không quên cho vào một ít dừa tươi đã được nạo sợi. Mẹ cẩn thận dùng vá khuấy cho đến khi bột, đường, dừa được trộn đều và quyện vào nhau.
Thường thì mẹ gói bánh vào tối ba mươi tết. Mỗi khi mẹ làm bánh phu thê là y như rằng tôi luôn là khán giả trung thành của mẹ. Tôi vừa giúp mẹ xé những sợi lá chuối nhỏ làm dây buộc bánh, vừa mê mải nhìn theo đôi tay mẹ đang khéo léo trải từng miếng lá chuối trên chiếc mâm nhỏ. Tiếp theo, mẹ dàn một lớp bột, đặt nhân bánh vào giữa rồi đắp phần bột còn lại lên nhân. Mẹ khéo léo gói lá chuối theo hình tam giác rồi dùng sợi dây lá buộc bánh lại.
Ngoài ra, bánh phu thê còn được người quê tôi gói trong những chiếc lá dừa vuông vức, rất đẹp mắt. Bánh được hấp cách thủy trên bếp lửa hồng cho chín.
Mẹ chọn vài chục bánh đặt lên mâm cỗ cúng giao thừa. Những chiếc bánh chứa đựng ước mong về một gia đình thuận hòa hạnh phúc được mẹ nâng niu, gói gém và dâng lên bàn thờ tiên tổ. Trong thời khắc thiêng liêng của ngày đầu năm mới, những chiếc bánh phu thê được cúng dâng tổ tiên và còn có ý nghĩa giúp mẹ mãi mãi có được một gia đình hạnh phúc.
Bánh phu thê cũng được dùng để đãi khách. Bánh khá giản dị, không màu sắc sặc sỡ, không cầu kỳ nhưng khi bóc bánh đặt trên lá màu xanh thì người thưởng thức sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi toàn thân bánh có màu đỏ hoặc vàng óng ánh như mật ong với những sợi dừa trắng muốt nằm trong ruột bánh trong suốt. Món quà quê dân dã ấy ăn hoài mà vẫn không ngán bởi cái hương vị rất ngọt ngào và rất riêng của miền trung đậm đà nắng gió nhưng cũng đầy tình nghĩa này .