Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều loài giáp xác, trong đó cua đá là một loài cua khá đặc biệt. Cua đá thường to bằng cườm tay trở lại, mai và càng màu tím sẫm, hình dáng cũng giống như cua đồng.
Cua đá thường sinh sống ở những vùng núi đá, bãi đá thuộc các hải đảo hoặc những bờ biển đá ở phía Nam. Càng cua đá chắc, cứng như đá, muốn ăn phải dùng chày đ.ập hoặc dùng kềm sắt kẹp vỡ mới có thể lấy được phần thịt bên trong.
Người ta bắt cua đá vào ban đêm, đó là thời gian cua ra khỏi hang để kiếm ăn, đẻ, hoặc tìm bạn tình. Mắt cua đá rất nhạy cảm với ánh sáng mạnh của đèn pin, người ta gọi là cua “ăn đèn”. Lúc ấy cua đứng một chỗ, khẽ hua nhẹ càng, hai mắt sáng trong màu hột lựu, người bắt chỉ việc chộp cua bằng tay có bao vải.
Món càng cua đá rang muối.
Cua đá chế biến được nhiều món hấp dẫn và ngon tuyệt như: cua đá hấp bia, cua đá luộc hèm, riêu cháo cua đá, bún riêu cua đá… Đặc biệt, càng cua đá rang muối là món ẩm thực đặc sắc, dễ làm, được nhiều người ưa thích.
Để làm món này, người ta chọn những càng cua đá tươi, to, chắc, rửa sạch, để cho ráo nước. Kế tiếp cho càng cua vào chảo gang hay chảo đất rang, trộn đều với muối hột. Đậy hé nắp chảo, để lửa liu riu, khi nào nghe muối hết nổ thì bắc chảo xuống, trộn đều cho muối bám, thấm vào càng cua. Sau cùng cho một nắm rau răm vào trộn sơ với càng cua. Trước khi ăn, ta dùng kìm sắt bóp bể càng và gỡ bỏ lớp vỏ. Thịt cua đá rang muối có màu trắng, mềm, hơi dai, thơm lừng, ăn có vị ngọt, chấm với muối tiêu chanh rất ngon. Món càng cua đá rang muối rất hấp dẫn, có mùi vị đặc trưng, ăn một lần chắc chắn bạn sẽ muốn ăn thêm lần nữa.
Cá lóc nướng trui chuẩn vị đồng quê
Cá lóc nướng trui là món ngon miền Tây khá nổi tiếng với người dân địa phương và du khách. Vị ngọt của cá hòa quyện cùng mùi thơm của rơm, mùi của sả, ớt và các gia vị.. khiến món ăn lôi cuốn bất kỳ ai ngay lần đầu tiên thưởng thức.
Được thiên nhiên ưu đãi, miền Tây rất trù phú với vô vàn những loài cá nước ngọt, phải nói rằng đây là nơi cá đầy sông, tôm đầy ruộng. Phổ biến nhất trong các loại cá ở miền Tây, phải kể tới cá lóc. Cá lóc là loại cá nước ngọt rất phổ biến ở Việt Nam, cũng được người dân Việt Nam ưa chuộng và sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Có rất nhiều món ăn chế biến từ cá lóc, nhưng để trải nghiệm hương vị trọn vẹn nhất của cá lóc thì chỉ có duy nhất món cá lóc nướng trui.
Người miền Tây dùng rơm khô để nướng cá lóc. Ảnh ST
Tuy rằng chỉ là món ăn bình dị, nhưng cá lóc nướng trui rất được ưa chuộng không chỉ với người dân miền Tây mà với tất cả những ai đã từng đến với mảnh đất này, bởi thế mới có câu: Bắt con cá lóc nướng trui – Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.
Khi chế biến món ăn, ta không cần phải sơ chế quá cầu kỳ, không cần m.ổ b.ụng, không cần cạo nhớt, không cần đ.ánh vảy và cũng không cần ướp gia vị mà chỉ cần rửa sạch cá, sau đó xiên thanh tre tươi từ miệng cá đến đuôi cá rồi cắm xuống đất phủ rơm khô lên. Thông thường, ta sẽ cắm đầu cá hướng xuống đất đuôi thẳng lên trời, làm cá rỏ nước xuống từ từ trong lúc nướng, thịt cá sẽ dẻo và thơm hơn.
Người ta sẽ dùng dao hoặc rơm khô cạo lớp vỏ ngoài đen do vảy cá cháy khét. Ảnh ST
Rơm để nướng cá cần lấy vừa đủ, để khi rơm vừa cháy hết thì cũng là lúc cá vừa chín tới. Rơm ít sẽ không đủ độ nóng để làm chín cá, cũng không làm dậy lên mùi thơm đặc trưng của món ăn này. Rơm quá thừa thì làm khét cá, mất đi độ ngọt tự nhiên của cá.
Theo kinh nghiệm của người miền Tây, món nướng này muốn ngon chỉ cần nướng khoảng 10 – 15 phút, tùy vào độ lớn nhỏ của cá. Khi nghe mùi cá chín dậy lên, thơm nồng là lúc dừng đốt rơm để lấy cá ra. Cá lóc nướng trui thành phẩm thường có lớp vỏ ngoài đen do vảy cá cháy khét. Người ta sẽ dùng dao hoặc rơm khô cạo lớp vỏ này bỏ đi, sau đó rạch một đường ở giữa xương sống cá, để lộ ra những thớ thịt mềm, trắng và thơm phức.
Cá lóc nướng trui có thể ăn với các loại nước chấm như: mắm ngọt, mắm me, mắm nêm. Ảnh ST
Rưới mỡ hành cùng chút đậu phộng đã được chuẩn bị sẵn lên phần cá vừa được xẻ ra, như thế cá sẽ thêm béo, thêm bùi lại càng thơm ngon hơn. Cá lóc nướng trui có thể ăn với các loại nước chấm như: mắm ngọt, mắm me, mắm nêm. Nhưng món chấm được người miền Tây ưa dùng hơn cả là muối ớt hột.
Những thớ cá trắng thơm được cuộn tròn trong lát bánh tráng, ăn kèm ít chuối chát, lá cóc, bún tươi, dưa leo và khế hòa quyện với vị cay xè, mặn mặn của muối ớt hột chắc chắn sẽ làm thỏa mãn khẩu vị của bất kỳ ai khó tính nhất.