Chè chuối nướng là món ăn dân dã và khá phổ biến ở nhiều vùng miền. Cách chế biến chè không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mẩn, khéo léo mới có được một chén chè chuối nướng thơm ngon, hấp dẫn thực khách.
Bạn đang đọc: Chè chuối nướng
Để làm chè chuối nướng, trước tiên phải chọn những trái chuối mốc tròn trịa, vừa chín tới. Chuối bóc vỏ và được mặc lớp “áo mới” là bột nếp trắng tinh, rồi bọc thêm một lớp lá chuối bên ngoài. Sau đó, chuối được khéo léo xếp lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Khi toàn bộ trái chuối đã sém cạnh, người bán chè không vội lấy ra mà cẩn thận “đẩy” những trái chuối đã nướng ra rìa vỉ nướng để giữ hơi nóng, đợi khi có khách mới cắt nhỏ ra thành từng miếng vừa miệng. Chuối nướng đem lại cảm giác thơm nồng, âm ấm và beo béo. Ở Nha Trang, những nơi bán chè chuối thường là những quán cóc hoặc trong các hẻm nhỏ. Đi ngang qua những quán chè chuối nướng, chỉ cần hít hà cái mùi thơm phảng phất của lá chuối cháy cũng đã thấy ấm bụng rồi.
Ảnh: Nguyễn Chung
Những trái chuối đã qua vỉ nướng lúc này được cho “tắm” vào giữa chén nước cốt dừa nấu sẵn với đậu xanh, rồi trộn thêm thạch trân châu và một chút lạc rang giã hơi dập, để thành một chén chè chuối nướng. Nước cốt dừa nấu dùng làm chè chuối bao giờ cũng sền sệt, không ngọt lịm mà là vị ngọt man mát pha chút mằn mặn. Người bán chè chuối nướng lý giải, sở dĩ phải nêm chút vị mặn vào nước cốt dừa vì bản thân trái chuối đã ngọt, khi nướng lên lại càng ngọt sẽ khiến người ăn chóng ngán, vì thế chút vị mặn trong nước cốt dừa sẽ giúp cân bằng vị giác.
Chè chuối nướng ăn vào mùa nào cũng đều thấy trôi cả. Vào mùa lạnh, có một chén chè chuối nướng thưởng thức sẽ rất ấm bụng. Mùa nóng, chè chuối nướng lại là món ăn mát lành rất thích hợp để giải nhiệt. Khi ăn chè chuối nướng, nhiều người có thể cho thêm đá, nhưng đa số người dân địa phương vẫn chuộng chè nóng hơn. Thưởng thức chén chè chuối còn nóng hổi, thực khách mới có thể cảm nhận hết được vị ngọt của chuối, vị béo của nước cốt dừa, vị bùi của lạc rang và những mùi thơm hòa quyện vào nhau. Chè đã trôi vào đến dạ dày rồi mà vẫn còn cảm thấy ngọt ngọt, mát mát ở đầu lưỡi.
Giá cả tùy theo mỗi địa phương, riêng đến Nha Trang, chỉ sáu đến tám ngàn đồng là bạn đã có một chén chè chuối nướng, vừa dân dã lại vừa thơm ngon, thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Theo TNO
Ngon miệng với hột vịt lộn dưa mắm
Lẽ thường, mọi người khi ăn hột vịt lộn đều kèm rau răm, chấm với muối tiêu chanh. Trước đây, tôi cũng ăn vậy, riết thành quen. Cho đến một ngày được ăn hột vịt lộn kèm dưa mắm (dưa gang nhận trong hũ mắm sặt, mắm lóc) mới thấy ngon lạ lùng.
Tìm hiểu thêm: “Thủng” nồi cơm với món nấm xào đơn giản dễ làm, ngon quên lối về
>>>>>Xem thêm: Cách làm món cá hồi chiên nước mắm dừa
Ảnh: Q.M.Nhật
Hôm đó, một người bạn rủ tôi về nhà riêng tại TP.Long Xuyên (An Giang) ăn hột vịt lộn dưa mắm. Nơi nhà bếp, hai anh em ngồi bệt xuống nền gạch. Trứng lộn, dưa mắm dọn ra trông rất hấp dẫn. Lúc đầu tôi hơi ngần ngừ, anh bạn cứ giục: “Ông ăn đại thử coi, ngon lắm”. Nể lời ông anh, tôi cầm muỗng khui phần đầu trứng vịt lộn, rồi tuần tự múc hỗn hợp bên trong trứng ăn kèm dưa mắm. Vị bùi, béo của trứng lộn cộng với vị cay nồng của ớt sừng trâu trộn theo dưa, âm hưởng giòn giòn của miếng dưa, chất măn mẳn của muối mắm hòa quyện vào nhau, ngon không thể tả. Vị ngon này rất lạ, rất khác với vị ngon của cách ăn trước giờ.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi cũng ăn hột vịt lộn muối tiêu chanh, song với tôi hột vịt lộn dưa mắm đã trở thành lựa chọn số một rồi. Quê hương mình đâu đâu cũng có dưa mắm, trứng vịt lộn. Bạn hãy thử một lần thưởng thức trứng lộn ăn kèm dưa mắm!
Theo TNO