Ai đã từng đến thăm quan thắng cảnh nổi tiếng chùa Tây Phương thì chắc hẳn sẽ không quên được hương vị dẻo thơm ngon ngọt của bánh chè lam – đặc sản truyền thống xứ Đoài.
Bạn đang đọc: Chè lam Thạch Xá, món quà miền đất Phật
Mùa xuân là lúc khí trời ấm áp, lòng người phơi phới, nhẹ nhõm. Do vậy trong dịp này người Việt ta có thói quen đi lễ chùa cầu sức khỏe và bình an cho năm mới. Đến với chùa Tây Phương – danh thắng nổi tiếng trên đất Hà thành, du khách không chỉ để tĩnh tâm nơi cửa Phật mà còn có cơ hội thưởng thức đặc sản của xứ Đoài – chè lam Thạch Xá.
Khoảng gần 30km về phía Tây nội thành, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) là “quê hương” của chùa Tây Phương – ngôi chùa nổi tiếng của đạo Phật. Món chè lam đặc sản của miền đất này được bắt nguồn từ chốn linh thiêng đó.
Người dân nơi đây vẫn quan niệm rằng, nguồn gốc và lý do ra đời của món đặc sản chè lam Thạch Xá là từ tấm lòng người dân địa phương cũng như sự thành kính của phật tử. Khi xưa, chè lam được người dân Thạch Xá dùng để thờ cúng tổ tiên trong dịp lễ Tết. Ngày nay, món đặc sản này lại trở thành thứ quà giản dị cho du khách mỗi dịp viếng thăm chùa Tây Phương.
Chè lam Thạch Xá – đặc sản truyền thống của thủ đô. Ảnh: D.T.N
Chè lam Thạch Xá được người thợ chế biến rất cẩn thận từ những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc của miền quê. Nguyên liệu chính có bột nếp, đường kính và mạch nha. Ngoài ra, để dậy hương cho bánh người ta dùng thêm những gia vị khác như nước gừng tươi, bột quế, đậu phộng (lạc rang).
Quy trình chế biến chè lam là sự tinh tế đặc biệt của người dân xứ Đoài. Tuy không phải cầu kỳ, nhưng đòi hỏi người chế biến phải đúng quy trình. Trong việc canh lửa cũng vậy cần có kinh nghiệm để biết đến độ nào non lửa hay khi lửa đã quá “già”.
Công đoạn đầu tiên là rang thóc nếp. Rang đều tay đến khi hạt thóc đã nổ thành những hạt bỏng trắng, thơm là được. Sau đó đem bỏng ấy nghiền thành bột, lọc để bột được mịn và nguyên chất hơn. Theo người làng, khâu quan trọng nhất đun mật và chế gia vị. Có thể dùng đường kính hoặc mật cây mía kết hợp với mạch nha để nấu thành mật. Để có được nồi mật đủ độ (không non mà cũng không già lửa quá) đòi hỏi người chế biến phải có kinh nghiệm. Mật ấy phải đảm bảo được vị thơm, không bị đắng khét, khi kéo ra mảnh và sáng ánh. Sau đó cho bột nếp và gia vị vào, nhào kỹ cho đến khi bánh dẻo đều và có độ dai.
Thời xưa, mỗi dịp Tết đến hoặc vào mùa lễ hội, làng Thạch Xá lại nhộn nhịp với tiếng chày giã bột chè lam. Tuy ngày nay không có nhiều gia đình dùng chày giã bột (được thay bằng máy xay) nhưng dường như đây trở thành nét đặc trưng, văn hóa riêng của vùng quê này.
Bánh chè lam có vị và hương thơm giản dị nhưng cũng khá đặc biệt. Chính sự đơn giản ấy đã tạo nên hấp dẫn riêng, cũng như phù hợp là món quà quý nơi đất Phật linh thiêng. Đó là vị dẻo thơm từ bột gạo nếp, kết hợp với vị ngọt ngào của mật (đường) và chút cay thơm của gừng, bùi ngậy của đậu phộng (lạc).
Cứ mỗi độ Xuân về, khi hàng ngàn phật tử đến viếng thăm chùa Tây Phương cũng là lúc làng Thạch Xá tưng bừng, nhộn nhịp hơn với việc làm bánh chè lam. Chè lam được xem như món quà quê giản dị để du khách đem về làm quà.
Ngày nay chè lam không chỉ được bày bán ở vùng đất Phật mà nó đã trở thành thứ đặc sản truyền thống nổi tiếng của đất Hà thành, để ai cũng mong được nếm thử một lần hương vị khó quên ấy…!
Theo Tapchimonngon
Đậm đà bánh chè lam quê mẹ
Cắn một miếng bánh chè lam, tan trong miệng là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng và một chút bùi bùi của lạc, nhấp một ngụm trà, ngọt lành.
Không biết tự bao giờ, bà con quê tôi biết làm những “cây bánh chè lam” (chà lam) để cúng ông bà tổ tiên vào những dịp dỗ chạp, lễ tết. Nguyên liệu làm bánh mộc mạc, đơn giản, ở quê nhà nào cũng có thể sắm được: chục bò gạo nếp, dăm chai mật mía, lạc rang, gừng nướng chín sắt thành miếng mỏng.
Cứ đến độ gần Tết, cho dù bận rộn đến mấy, mẹ tôi vẫn tranh thủ lấy chục bò gạo nếp hoa vàng, trắng đều, hạt căng mẩy, sàng xẩy cẩn thận rồi rang trên chảo gang cho gạo vàng. Ngày hôm 27 tết, mùi gạo nếp rang đã thơm lừng, ấm áp lan tỏa khắp căn nhà nhỏ. Quan trọng nhất là rang gạo làm sao để không cháy quá, nếu không bánh sẽ có mùi khét. Sau đó dùng cối xay mịn gạo đã rang chín, càng mịn thì bánh càng dẻo và ngon.
Tìm hiểu thêm: Cháo ếch nấu với rau củ gì cho bé ăn dặm ngon nhất?
>>>>>Xem thêm: Loạt mâm cơm của vợ đảm Hà Nội khiến chồng con tấm tắc khen ngon, nhìn qua toàn món đơn giản nhưng quá ư hấp dẫn!
Quê tôi là vùng nguyên liệu mía, nên không khó để mẹ chọn mật mía ngon. Nhiều nơi mọi người dùng đường trắng để làm bánh, nhưng không có gì ngon ngọt đậm đà cho bằng làm bánh chè lam từ mật mía. Dùng không hết, mẹ lại cất đi, mật mía tốt để lâu càng ngon. Gừng tươi rửa sạch thái lát mỏng. Lạc rang chín, bỏ vỏ lấy cối giã dập làm sao cho lạc không được nát.
Xong nguyên liệu, mẹ dùng chiếc nồi nhôm, đổ 2/3 nồi nước lạnh đun sôi rồi bỏ mật vào nồi cho to lửa, bao giờ mật và nước trong nồi sánh lại, nếm thử mật, độ ngọt vừa phải, lấy đũa đảo mật rồi nhấc lên, nếu thấy mật kết dính nêm ngọt vừa phải thì bỏ gừng và lạc vào quấy đều, tiếp tục đổ bột gạo nếp đã say nhuyễn vào, vừa đổ vừa đảo đều tay, cho nhỏ lửa để bột không bị dính và bị cháy.
Bột chín, mẹ lấy chút bột gạo còn lại phủ lên trên mặt mâm cho bánh khỏi dính và dễ nặn, sau đó múc từng muôi bột vào mâm. Công đoạn này chị em tôi rất thích, đứa nào cũng tranh giành để được ngồi vào giúp mẹ lăn bánh, tán những cục bột thành những miếng bánh dài, mịn, bột khô phủ kín những chiếc bánh, bánh càng nặn và lăn nhiều lần thì càng dẻo, chắc.
Tối 30, mẹ chọn những khúc chè lam đẹp nhất, mịn màng nhất xếp vào đĩa, bày cùng những thứ hoa quả khác. Đêm giao thừa, cả nhà xum họp, mẹ cắt bánh, tôi xin miếng bánh đầu tiên từ tay mẹ, cắn miếng chè làm: vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng và một chút bùi bùi của lạc, nhấp một ngụm trà, ngọt lành, ấm áp đêm giao thừa.
Bùi Huấn
Theo vnexpress