Trong những ngày Tết việc dư thừa thức ăn là điều không tránh khỏi, nếu bỏ đi thì lãng phí mà giữ lại thì không biết làm gì? Sau đây là những món ăn cực ngon, hấp dẫn được tận dụng từ những thức ăn còn dư ngày Tết.
Bánh chưng
Đây là món ăn phổ biến và không thể thiếu trong ngày Tết nhưng cũng là một trong các món dễ bị thừa nhất.
Sau Tết, nhiều gia đình thường hấp lại bánh cho mềm, chống nấm mốc để bảo quản thêm hoặc cắt ra chiên/rán vàng để dùng cho bữa sáng. Tuy nhiên bánh chưng rán ăn rất dễ ngấy và nhanh chán.
Bánh chưng chiên nước rất dễ ăn. Ảnh minh hoạ
Một cách xử lý bánh chưng đang được hội chị em chia sẻ trên các diễn đàn về ẩm thực là rán bánh chưng nhưng không dùng dầu mỡ mà dùng… nước lọc. Cách này sẽ giúp bánh mềm, dễ ăn, vẫn vàng đều 2 mặt mà không bị ngấm dầu mỡ, sẽ tránh cảm giác ngấy khi ăn.
Cách làm rất đơn giản: Cắt bánh chưng thành miếng nhỏ. Cho vào chảo chống dính một cốc nước lọc và thả bánh vào đun cùng. Khi nào nước sôi, lấy thìa dầm nhuyễn bánh và dàn đều khắp chảo.
Chờ đến lúc nước cạn thì hạ nhỏ lửa để bánh vàng mặt dưới. Tiếp tục lật rán vàng với mặt còn lại. Khi cả hai mặt đã vàng, giòn, bỏ ra đĩa, cắt thành miếng nhỏ để thưởng thức.
Giò lụa
Với phần giò lụa còn thừa từ Tết, chị em hoàn toàn có thể tận dụng lấy ra thái chỉ, cùng với thịt gà xé nhỏ để cho vào các món bún, miến, phở dùng trong bữa sáng, rất tiện lợi mà vẫn đảm bảo có món ăn sáng thơm ngon cho cả gia đình.
Hoặc có thể tận dụng giò để đổi bữa cho cả nhà với món nem/phở cuốn cực kỳ nhẹ nhàng, thanh mát sau những ngày Tết nhiều đồ chiên, xào.
Cách làm: Giò lụa, trứng rán, thịt luộc, dưa chuột, cà rốt thái sợi. Dùng bánh phở hoặc bánh đa nem cuốn cùng rau sống tổng hợp và chấm nước mắm chua ngọt rất dễ ăn.
Một cách tận dụng giò khác đó là thái giò thành các miếng mỏng vừa ăn và đem rim nước mắm, cho chút hạt tiêu. Món này thích hợp ăn với cơm nóng.
Thịt gà
Thịt gà cũng là món hay thừa mỗi dịp Tết. Theo chia sẻ của chị Tô Thị Hương Giang (sống tại Hà Nội) trên diễn đàn Yêu bếp, với món thịt gà luộc thừa dịp Tết, chị thường tận dụng làm nguyên liệu cho một số món như: Gỏi gà, phở, bún, cháo gà, phở gà trộn, xôi gà, bún thang…
Thịt gà luộc có thể tận dụng xé nhỏ để làm các món bún, phở, nấu cháo
Cách làm như sau:
– Gỏi gà: Hành tây thái mỏng ngâm dấm đường, gà rắc chút gia vị, rau răm rửa sạch thái nhỏ. Trộn đều tất cả, vắt thêm chút chanh cho thơm, thêm lát ớt nếu thích ăn cay, vậy là được món gỏi đơn giản và dễ bay 1/2 con gà.
Nộm gà xé phay ăn chống “ngán”. Ảnh minh hoạ
– Phở gà: Nước gà có sẵn, gà có sẵn, thêm chút bánh phở, hành mùi là có phở gà ăn sáng. Lưu ý, nước gà cần được bỏ thêm chút rễ mùi, hạt mùi già, hành gừng nướng và hạt tiêu vỡ để có mùi thơm đặc biệt đúng vị.
– Bún gà: Nước luộc gà. Măng nứa khô xào và om kỹ cho mềm, thêm gà và mọc (nên cho nấm, mộc nhĩ, tiêu và chút nước mắm vào mọc sẽ ngon hơn).
– Phở gà trộn: Nguyên liệu của món phở gà trộn gồm có gà, bánh phở, rau thơm mùi, hành phi, lạc rang và nước trộn chua mặn ngọt vừa miệng là được bát phở trộn cho bữa tối nhẹ bụng.
Các loại trái cây
Trái cây mua về dùng trong dịp Tết khá nhiều, tuy nhiên nếu ăn không kịp sẽ bị dễ hỏng. Ngoài việc bảo quản tủ lạnh, bà nội trợ có thể biến tấu hoa quả thành sinh tố, nước ép, sấy khô, hoặc nấu thành chè, kem… vừa thanh mát vừa dễ ăn. Chẳng hạn với chuối, bạn có thể nấu chè chuối hoặc kem chuối.
Để làm kem chuối bạn cần 3 hộp sữa chua, 400 ml nước cốt dừa, nửa lon sữa đặc, 1 lạng lạc rang giã nhỏ, 2 thìa đường, 2 thìa bột năng, 4 quả chuối.
Cách làm:
Chuối cắt theo chiều dọc.
Trộn đều nước cốt dừa, sữa đặc, sữa chua, đường vào một nồi nhỏ cho lên bếp đun sôi.
Hoà bột năng vào nước lọc rồi đổ vào hỗn hợp trên đang đun trên bếp, khuấy đều đến khi hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp rồi để nguội.
Múc 1 hỗn hợp đã trộn vào hộp, sau đó xếp 1 lớp chuối, rắc tiếp lạc. Cứ làm thế cho đến lúc hết nguyên liêu. Cấp đông kem và chờ thưởng thức.
Mâm cỗ cúng tất niên gồm những gì? Gợi ý món ngon dâng cúng cho mâm cỗ đủ đầy
Mâm cỗ cúng tất niên gồm những gì là điều mà nhiều chị em quan tâm. Dưới đây là tổng hợp các món cần có trong mâm cỗ tất niên chuẩn phong tục, ai cũng nên nằm lòng.
Mâm cỗ cúng tất niên là nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Hàng năm, vào ngày cuối cùng của tháng Chạp cũng là ngày chuẩn bị bước sang năm mới, gia đình nào cũng tạm gác lại những lo toan, bận bịu, cùng nhau vào bếp chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên để dâng lên thần linh, gia tiên. Đây cũng là dịp con cháu đi xa trở về sum họp bên ông bà, cha mẹ và những người thân yêu.
Tùy vào văn hóa của từng vùng miền mà mâm cỗ cúng tất niên sẽ được chuẩn bị theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, dù là miền nào đi chăng nữa thì trong mâm cỗ cúng vẫn có đầy đủ các món cơm, canh và bánh chưng hoặc bánh tét.
Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Bắc
Miền Bắc rất coi trọng lễ nghi và với mâm cỗ cúng tất niên cũng vậy. Trước kia, trên mâm cỗ luôn phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 bát 4 đĩa hoặc 6 bát 6 đĩa, cũng có gia đình chuẩn bị 8 bát, 8 đĩa. Tuy nhiên, ngày nay mâm cỗ đã được giản lược đi, thay vào đó số lượng món ăn sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng nhà.
Thông thường, trên mâm cỗ cúng tất niên sẽ có những món cơ bản sau:
– Bánh chưng
– Hành muối
– Nem rán
– Canh măng ninh xương
– Cơm trắng
– Rau xào/rau luộc
– Miến
– Giò lụa hoặc giò thủ
– Thịt gà luộc
Người miền Trung chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên thế nào?
Không quá cầu kỳ về số bát số đĩa như người miền Bắc, tuy nhiên mâm cỗ của người miền Trung cũng được chuẩn bị khá đầy đủ và tươm tất. Các món dâng cúng đều là món ăn quen thuộc hàng ngày của người dân nơi đây.
Thông thường, một mâm cỗ cúng ngày cuối năm sẽ có:
– Thịt gà luộc
– Bánh chưng hoặc bánh tét
– Củ kiệu muối
– Giò lụa
– Gỏi gà
– Nem rán hoặc ram
– Canh măng ninh xương
– Cơm trắng
Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Nam
Nếu như miền Bắc thích chuẩn bị các món ăn nóng hổi để phù hợp với tiết trời se lạnh ngày giáp Tết thì miền Nam lại chuộng các món nguội do khí hậu nắng nóng.
Thông thường, trên mâm cỗ cúng tất niên hoặc các mâm cỗ trong 3 ngày tết của người miền này thường sẽ có một số món quen thuộc như:
– Bánh tét
– Củ cải ngâm chua/dưa món
– Canh măng tươi
– Khổ qua nhồi thịt (miền Bắc gọi là mướp đắng nhồi thịt)
– Thịt kho tàu
– Thịt lợn luộc
– Gỏi tôm thịt
– Chả giò
– Củ kiệu muối
Ngoài các món ăn mặn, dù là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì ngoài mâm cỗ gia chủ còn chuẩn bị thêm mâm ngũ quả kèm theo hoa tươi như cúc hoặc ly hay thược dược để bày lên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường sẽ được đặt trên bàn thờ chính, mâm cỗ cúng tất niên dù món mặn hay món chay cũng đều được đặt trên một chiếc bàn nhỏ ngay bên dưới ban thờ.
Cúng tất niên là nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ và phát huy. Đây không chỉ là tấm lòng của cháu con dâng lên thần linh, ông bà tổ tiên mà còn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời.