Với 130 món ăn đặc trưng của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long được nấu bởi 60 đầu bếp và nghệ nhân ẩm thực, hội thi ẩm thực do Liên chi hội Đầu bếp Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ đã chính thức xác lập kỷ lục Việt Nam.
Các món ăn tham gia xác lập kỷ lục được nghệ nhân trình bày trên mô hình bản đồ 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Hùng
Theo TTXVN, lễ công diễn tổ chức vào ngày 22-11 vừa qua tại thành phố Cần Thơ quy tụ hơn 60 nghệ nhân ẩm thực và đầu bếp chuyên nghiệp cùng tham gia tranh tài và chế biến 130 món ăn đặc trưng của vùng sông nước miền Tây.
Cụ thể, các đầu bếp chia thành 30 đội, mỗi tỉnh tham dự hai đội với bốn thành viên và nấu từ 4-6 món ngon đặc trưng của tỉnh mình trong khoảng thời gian 120 phút. Ngoài những món ăn nổi tiếng khắp cả nước như bún nước lèo Sóc Trăng, nem nướng Cần Thơ, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh củ cải Bạc Liêu, lẩu bần Phù Sa, thì hội thi còn đón nhận những món ăn đặc trưng mang tính địa phương như cá lóc bay Tây Đô (Cần Thơ), chả giò cá lóc (Long An), ức vịt cuộn bồn bồn sốt cà ri (Bạc Liệu), vịt xiêm nấu ấu hạt sen (Đồng Tháp)… Đặc biệt, các món ăn được nghệ nhân trình bày trên mô hình bản đồ 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Liên chi hội Đầu bếp Đồng bằng sông Cửu Long, cho hay ban tổ chức kỳ vọng sự kiện góp phần đưa ẩm thực của vùng ghi dấu đậm nét vào bản đồ ẩm thực Việt Nam và ẩm thực thế giới. Qua đó tạo nên những bước đột phá mới cho ẩm thực miền Tây Nam bộ nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung; gắn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với đặc sắc của ẩm thực bản địa.
Theo VOV, ngay khi hội thi ẩm thực kết thúc, hội đồng giám khảo là những nghệ nhân thuộc Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã chính thức công nhận “130 món ngon đặc trưng của 13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Còn tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Sự kiện chế biến, công diễn món ngon 13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng nhiều nhất Việt Nam”.
Các đầu bếp tham gia hội thi ẩm thực. Ảnh: Thanh Hùng
Trước đó, một số tỉnh, thành miền Tây đã có những xác lập kỷ lục Việt Nam cho riêng mình như Đồng Tháp xác lập kỷ lục 200 món ăn từ sen trong khuôn khổ Lễ hội Sen Đồng Tháp lần 1 (tháng 5-2022); Bến Tre xác lập kỷ lục thế giới 222 món ăn chế biến từ dừa (tháng 6-2022) và Hậu Giang xác lập kỷ lục 200 món ăn từ khóm và cá thác lác (tháng 7-2022).
Được biết, những năm gần đây, các hội đầu bếp trên khắp tỉnh, thành thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động quảng bá ẩm thực địa phương mình. Thông qua việc xác lập kỷ lục, hội và ban ngành chức năng hy vọng du khách trong và ngoài nước biết đến những tiềm năng về văn hóa ẩm thực để từ đó không chỉ gọi mời du khách ghé đến mà còn là cầu nối mở rộng tiềm năng phát triển kinh tế.
Bánh canh mặn nước cốt dừa – món ăn lạ miệng mang hồn quê miền Tây
Dù được nấu với nước cốt dừa nhưng món ăn này không những không gây ngấy mà còn cuốn hút một cách kỳ lạ. Bánh canh là món ăn phổ biến dọc khắp mảnh đất Việt Nam, và ở mỗi vùng miền lại có một phiên bản khác nhau với đa dạng cả về nguyên liệu lẫn cách chế biến.
Đến với miền Tây sông nước, địa điểm nổi tiếng với loạt món ăn biến tấu với vị nước cốt dừa béo ngậy, thực khách sẽ được thưởng thức một phiên bản bánh canh độc đáo không thể tìm thấy ở nơi nào khác – bánh canh mặn nước cốt dừa.
Bánh canh nước cốt dừa mang hương vị hồn quê miền Tây. (Ảnh: foodlish.ngonnguan)
Món bánh canh này đậm chất miền Tây với nguyên liệu dân dã từ nước cốt dừa, kết hợp với thịt tôm ngọt thanh. Những sợi bánh canh bột xắt làm hoàn toàn bằng thủ công từ bước nhào bột đến cắt sợi, đây cũng là một trong những điểm nhấn của món ăn.
Món ăn đặc trưng với nước dùng sền sệt đậm đà hương béo ngậy của nước cốt dừa. (Ảnh: ketkus)
Bánh canh mặn nước cốt dừa gây thương nhớ với nước dùng sền sệt, thơm béo mùi nước dừa hòa cùng những sợi bột dai, mềm, mịn mang đến hương vị mới lạ, đầy hấp dẫn.
Tôm thường là nguyên liệu chủ yếu ăn kèm với món bánh canh nước cốt dừa. (Ảnh: foodlish.ngonnguan)
Là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của món ăn, tất nhiên yếu tố quyết định độ ngon của tô bánh canh chính là phần nước dùng. Dừa khô sau khi nạo thì vắt lấy nước cốt để riêng, nước dảo sẽ đem nấu cho đến khi sôi thì tiếp tục bỏ sợi bánh canh, tôm vào, nêm nếm đến khi vừa ăn. Cuối cùng, người nấu sẽ cho tiếp nước cốt dừa vào và khuấy đều.
Nồi bánh canh nước cốt dừa bình dị nhưng đầy hấp dẫn. (Ảnh: candykun107)
Bên cạnh nước dùng đạt chuẩn, sợi bánh canh để ăn kèm cũng phải là loại ngon, được làm thủ công để cho ra sợi màu trắng đục, khi nấu xong đạt được độ mềm vừa phải.
Một nồi bánh canh mặn nước cốt dừa đơn giản là thế nhưng lại chứa đầy hương vị khó cưỡng. Tùy theo sở thích và cách biến tấu của người bán mà có món ăn có thể dùng kèm với nhiều nguyên liệu khác như thêm chả, riêu cua, thịt bằm…
Bên cạnh tôm, nhiều nơi còn biến tấu và thêm thắt nhiều nguyên liệu ăn kèm như thịt bằm, riêu cua, chả,… (Ảnh: foodlish.ngonnguan)
Nhưng cơ bản nhất, một phần bánh canh mặn nước cốt dừa với sợi bánh canh loại ngon, nước dùng béo thơm kết hợp với thịt tôm dai dai, vài lát rau mùi, hành lá nữa là đã đủ làm say lòng thực khách.
Những nồi bánh canh mặn nước cốt dừa này đã góp phần tạo nên sự độc đáo của ẩm thực miền Tây. (Ảnh: chi_thanh94)
Thưởng thức từng đũa bánh canh sền sệt, cảm nhận vị hương vị lạ lẫm pha lẫn giữa cái ngọt ngọt, mằn mặn của dừa, bánh canh và tôm hòa với nhau, dậy lên mùi thơm của nước cốt béo ngậy khiến thực khách thích thú cứ muốn ăn mãi không thôi.