Có khi nào đi đến với Vũng Tàu, hãy thử dừng chân và thưởng thức món bánh khọt Vũng Tàu. Món bánh khọt nơi đây từ lâu đã được khách du lịch nhắc đến như một món đặc sản không thể thiếu của miền đất này.
Bánh khọt là một loại bánh được xếp vào hàng dân dã nên nguyên liệu làm ra bánh cũng không có gì là cầu kỳ, khó kiếm. Bánh được làm bằng bột gạo, nhưng khác với các loại bánh làm từ bột gạo khác, bánh khọt chỉ được làm bằng một thứ bột gạo và không pha cùng nước cốt dừa, hay một thứ bột nào khác. Bánh khọt ngon quan trọng nhất vẫn nằm ở khâu pha bột, pha bột để đổ bánh cũng là cả một bí quyết. Bột muốn ngon phải được xay ngay từ tối hôm trước, rồi để bột qua một đêm, có như vậy thì bột không bị nhão, chảy và làm ra chiếc bánh giòn ngon. Thường người bán pha bột gạo và cho một ít bột nghệ vào thau bột gạo để tạo nên cái sắc vàng bắt mắt cho món bánh, cũng có khi người bán để nguyên màu trắng ban đầu của bột.
Nhân bên để bên trên bánh thường có một ít mỡ hành, một ít ruốc (hay có thể thay bằng tôm cháy, hay những con tôm nhỏ đã được xào chính), ngày nay có nơi còn thay đổi khẩu vị cho người ăn bằng cách cho thêm thịt băm hay các loại sò.
Khi phần nguyên liệu đã chuẩn bị xong, bột sẽ được đổ vào khuôn để làm ra những chiếc bánh ngon và giòn. Khuôn đổ bánh là khuôn được làm từ đất nung, khuôn bánh thường có 8 -12 lỗ nhỏ (mỗi lỗ là một chiếc bánh), nhưng ngày nay do nhu cầu phục vụ các thực khách người ta đã có các loại khuôn mới nhiều lỗ hơn, có khuôn lên đến 52 -62 lỗ bánh và được đúc bằng kim loại.
Bột được đổ vào những lỗ nhỏ trong khuôn, đậy nắp lại, chờ cho bánh vừa chín tới, người bán sẽ mở nắp và cho phần nhân vào.Trước tiên là cho tôm, và chờ bánh thực chín rồi rắc lên bánh một ít mỡ hành, tôm chấy. Sau khi sắp bánh lên đầy một dĩa, người bán sẽ dọn lên để mời thực khách thưởng thức. Có nơi người bán bày cả khuôn bánh đang nóng hổi lên bàn, ăn tới đâu thực khách cạy bánh lên tới đó, làm như thế thực khách sẽ thấy thú vị trong khi ăn và khích thích được sự thèm ăn của thực khách.
Ăn kèm với các loại bánh Nam bộ thì không thể thiếu các loại rau. Bánh khọt cũng là một loại bánh không ngoại lệ. Rau dọn chung với bánh có các loại như xà lách, dấp cá, rau thơm và một ít lá cải bẹ xanh… Nước chấm là một món rất quan trọng đối với các món bánh Nam bộ. Nước chấm ăn với bánh khọt lá thường là nước mắm pha sẳn, nước mắm ăn bánh phải được pha ngọt nhưng có hậu mặn và mùi thơm thơm của nước mắm, trong chén nước chấm không thể thiếu một ít ớt và một tí đồ chua.
Gắp một chiếc bánh khọt ngâm vào nước mắm, cho chiếc bánh ngập trong chén nước mắm một chút, lấy một lá cải bẹ xanh to cuốn chiếc bánh lại, cho thêm một ít rau thơm và các thứ ăn kèm vào, cuốn lại, chấm vào chén mắm ớt, để vài cọng đồ chua nằm trên cuốn bánh, cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận hết những gia vị rất dân dã nhưng cực ngon. Thịt tôm bùi bùi, cộng với sự giòn giòn của bột, thơm thơm của mỡ hành, một ít vị chua của đồ chua, mặn của nước mắm hòa vào hương vị đặc trưng của các loại rau… thoáng một cái bạn đã ăn hết chục chiếc bánh bao giờ mà không biết.
Quán bánh khọt Vũng Tàu, chỉ xay bột bằng cối đá ngay tại Sài Gòn
Giờ đây không cần mất hàng giờ lái xe, ngay tại Sài Gòn thực khách đã có thể thưởng thức được hương vị bánh khọt Vũng Tàu chính gốc và giá cả cũng rất hợp túi t.iền.
Những món bánh khọt ở Sài Gòn cũng rất đa dạng, từ món bánh khọt theo phong cách miền Tây Nam bộ với một ít đậu xanh hay nước cốt dừa bên trên mặt bánh đến món bánh khọt Vũng Tàu với phần bánh được chiên giòn rụm kết hợp cùng với hải sản tươi rói và phần tôm cháy với hương vị rất riêng.
Bánh khọt Vũng Tàu luôn là món ăn hấp dẫn với nhiều thực khách NGUYỄN MINH TÂM
Bánh khọt Vũng Tàu là món ăn được nhiều thực khách yêu thích, thế nhưng để tìm được một nơi bán món ăn này chuẩn vị ngay tại Sài Gòn thì không phải là chuyện dễ. Quán bánh khọt cối đá, nằm trong con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM trong thời gian gần đây được nhiều người truyền tay nhau rằng là mang hương vị rất chuẩn của món bánh khọt Vũng Tàu, với phần bánh được chiên giòn rụm, phần tôm tươi và nước mắm cũng rất bắt vị.
Quán bánh khọt này luôn trong tình trạng đông khách vào giờ cao điểm NGUYỄN MINH TÂM
Cái tên bánh khọt cối đá theo chủ quán chia sẻ, xuất phát từ việc phần bột bánh tại đây được quán tự tay xay bằng chiếc cối đá, một cách làm bánh khọt truyền thống trước đây, ưu điểm của việc xay bột bằng cối thay vì bằng máy xay bột, chính là phần bột cho ra sẽ có độ giòn và vì xay đến đâu bán đến đó nên sẽ tránh được tính trạng bột để lâu sẽ có vị chua làm bánh mất ngon.
Phần tôm tại đây được nhiều người nhận xét là tươi nhưng kích thước hơi nhỏ NGUYỄN MINH TÂM
Bánh khọt tại đây cũng có đầy đủ phần đu đủ, rau sống ăn kèm, ngoài bánh khọt tôm thì thực khách có thể lựa chọn bánh khọt kết hợp cùng thanh cua hoặc trứng cút cũng khá lạ miệng và ngon.
Một phần bánh khọt tại đây có đầy đủ rau sống, nước mắm, đu đủ bào sợi ăn kèm NGUYỄN MINH TÂM