Nói đến ẩm thực Sài Gòn sẽ thấy thật đặc biệt, bảo là Sài Gòn không có bản sắc ẩm thực thì cũng đúng mà nói đây là nơi đa dạng về văn hoá ẩm thực cũng chẳng sai. Xin giới thiệu hai món bình dân mà rất đặc biệt trong bữa điểm tâm của người Sài Gòn.
Bạn đang đọc: Điểm tâm kiểu Sài Gòn
Món đầu tiên là dimsum (phát âm: điểm sấm) của người Hoa, tiếng Việt gọi là điểm tâm. Đây không phải là một món ăn, mà bao gồm rất nhiều món ăn nhẹ hợp lại. Có thể chia làm vài loại như: cảo, bánh bao, các loại bánh cuốn, các loại bánh ngọt, các loại thịt viên, chân gà chưng và cả cháo.
Cũng có thể phân loại theo cách chế biến như chưng, hầm, chiên, nướng, hấp. Các món ngọt thì có bánh tart trứng, rau câu xoài… Tuỳ theo quán mà sẽ có những món riêng biệt.
Điểm tâm không phải là một món ăn, mà bao gồm rất nhiều món ăn nhẹ hợp lại
Ban đầu người ta chỉ dùng dimsum buổi sáng, nhưng hiện nay dimsum được phục vụ cho đến quá trưa và cho cả bữa khuya.
Ở TPHCM thì việc ăn dimsum tương đối dễ dàng, vì phần lớn người Hoa ở đây là con cháu của những người di cư từ vùng nói tiếng Quảng Đông. Ngoài các trà quán của người Hoa ở Q.5 còn có những quán ăn, nhà hàng Hoa như Tân Hào Phong, Ngân Đình, Đại Thống, Hoàng Long với giá cả thường được tính theo số lượng đĩa dimsum.
Ăn dimsum đúng kiểu thì các món hấp phải được phục vụ trong những giỏ tre nghi ngút khói này, mùi bánh thơm lừng quyện với mùi tre mộc mạc làm dậy khẩu vị của thực khách. Cảnh thường thấy trong những quán dimsum là các giỏ tre xếp thành chồng tại các bàn ăn.
Bánh còn nóng được phục vụ trong các giỏ tre
Phần đặc biệt mang tính văn hoá đậm nhất của việc đi ăn dimsum là uống trà vì đúng ra, dimsum chỉ là từ để chỉ tập hợp các món ăn, còn &’yam cha’, ẩm trà, mới là từ dùng đúng cho cả bữa ăn bao gồm các món dimsum dùng kèm với trà này. Để đúng điệu thì uống trà bửu lị (trà nóng sủi tăm), ngoài ra còn có trà bông cúc hay trà Ô Long.
Một món điểm tâm khác có thể gọi là bản sắc riêng của Sài Gòn – TPHCM đó món cơm tấm.
Nước mắm ăn cơm tấm phải hơi ngọt với chút tỏi cho thơm
Người Sài Gòn ăn cơm tấm cả sáng trưa chiều tối, nhưng phổ biến và đặc biệt là ăn cơm tấm buổi sáng. Ở các đô thị khác, như Hà Nội chẳng hạn, ít có chuyện chọn cơm làm món ăn sáng mà chỉ có bún, phở, mì, miến… Nhưng cơm tấm Sài Gòn thì khác. Người ta ăn cơm tấm bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu, từ những vỉa hè cho đến những quán ăn sang trọng.
Cơm tấm phải nấu từ gạo tấm. Những hạt gạo gãy ngày xưa chỉ có dân nghèo ăn hoặc để bỏ đi bây giờ đã thành món ăn nhiều người ưa chuộng. Nước mắm ăn cơm tấm cũng quyết định phần lớn sự yêu chuộng của thực khách và nhất định phải là nước mắm pha hơi ngọt với chút ớt tỏi cho thơm.
Tìm hiểu thêm: Tiết lộ để có nồi cháo ngon, dễ làm cần những bí quyết riêng này
Có rất nhiều món ăn kèm cơm tấm
Các món ăn đi kèm với cơm tấm cũng rất nhiều, nhưng các món không thể thiếu ở bất kì quán cơm tấm nào là sườn nướng, bì – da heo thái sợi và chả trứng. Quán có đông hay không tuỳ thuộc vào thịt nướng có thơm không hoặc chả trứng có mềm hay không. Thịt nướng muốn thơm thì phải được nướng bằng than hoa trên bếp lò lửa vừa phải, lửa to quá thịt sẽ khô, không còn thơm mềm.
Người sành ăn ở Sài Gòn thường ăn ở ở quán nổi tiếng như quán Ba Ghiền trên đường Đặng Văn Ngữ, quán 500 An Dương Vương hay quán lề đường ở Nguyễn Kiệm. Gần đây theo trào lưu mới, đã có những chuỗi nhà hàng cơm tấm kiểu mới như cơm tấm Mộc hay cơm tấm Cali để phục vụ những thực khách với những yêu cầu khác.
Theo BĐVN
Ăn sáng món gì khoẻ lâu?
Mặc dù số đông đã có thói quen không bỏ bữa sáng, nhưng không phải ai cũng biết vì sao bữa điểm tâm lại quan trọng và ăn thế nào là có lợi nhất cho sức khoẻ.
Chỉ cần 1 đĩa cơm sườn là đã có 1 bữa sáng đầy đủ
Tầm quan trọng của bữa sáng
Bữa ăn sáng là bữa ăn chính quan trọng nhất trong ngày vì nhiều lý do: đây là bữa ăn đầu tiên sau một khoảng thời gian dài ngưng ăn 10 – 12 tiếng đồng hồ, từ bữa ăn tối hôm trước nên cơ thể rất cần được nạp năng lượng. Thông thường, chúng ta hoạt động nhiều vào buổi sáng, nên để bắt đầu một ngày mới đầy sức sống, cơ thể rất cần được cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất.
Bỏ qua bữa ăn sáng dễ dẫn đến hạ đường huyết, giảm khả năng tập trung làm việc và học tập, khả năng sáng tạo cũng giảm, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến tai nạn lao động như té ngã khi đang làm việc trên cao do thao tác kém chính xác vì cơ thể thiếu năng lượng, hạ đường huyết.
Dù là người đang trong chế độ ăn giảm cân hay không muốn tăng cân cũng cần phải có bữa ăn sáng vì năng lượng từ bữa ăn sáng thường sẽ được sử dụng hết chứ không tích luỹ trong cơ thể như năng lượng từ những bữa ăn chiều tối.
Một điều quan trọng nữa là thức ăn vào dạ dày buổi sáng có tác dụng kích thích sự tiết dịch vị cả ngày làm cho cơ thể tiêu hoá tốt hơn, duy trì khả năng tiêu hoá và sự thèm ăn. Nên cách ăn hợp lý nhất là ăn đầy đủ vào buổi sáng, buổi trưa, ăn ít trong bữa tối.
Gợi ý thực đơn bữa sáng
>>>>>Xem thêm: Cách pha nước chấm nộm ngũ sắc ngon chuẩn vị tại nhà
Bữa ăn sáng đầy đủ phải cung cấp từ 1/4 đến 1/3 nhu cầu năng lượng của cả ngày cho cơ thể, nên có ngũ cốc hoặc khoai củ, thực phẩm giàu đạm, rau và trái cây. Ngũ cốc khoai củ sẽ chuyển hoá thành đường hấp thu từ từ vào m.áu giúp đường huyết ổn định hơn so với các loại thức ăn/uống ngọt từ đường tinh chế như bánh kẹo, nước ngọt. Đường huyết ổn định sẽ giúp não hoạt động tốt. Chất đạm giúp cung cấp acid amin giúp tái tạo tế bào, tạo chất dẫn truyền thần kinh giúp tăng cường hoạt động trí não. Chất xơ có trong rau giúp làm chậm sự hấp thu đường vào m.áu. Vitamin và chất khoáng từ trái cây giúp tạo cảm giác khoẻ khoắn.
Bữa ăn sáng đầy đủ có thể là đĩa cơm tấm với miếng sườn nướng, dưa leo, cà chua, thêm trái chuối một tô phở bò với rau, giá và ly nước cam hoặc tự chuẩn bị tô mì gói thêm một cái trứng với ít rau xanh, cà chua, một hũ sữa chua. Đơn giản hơn, có thể là một gói xôi đậu xanh (hoặc đậu phộng, đậu đen) với mè, dừa hộp sữa đậu nành (hoặc sữa tươi, sữa chua) cũng rất tốt.
Đối với những người không quen ăn sáng mà chỉ uống cà-phê hoặc chỉ một ly sữa thì vẫn có thể tập ăn sáng bằng cách thêm một mẩu bánh mì nhỏ hoặc ngũ cốc vào sữa, và khoảng 1 – 2 tiếng sau thì thêm một nắm đậu phộng nấu cùng một trái chuối. Sau đó, tăng dần bữa sáng của mình lên một cách đầy đủ hơn. Đối với học sinh phải đi học từ rất sớm thì có thể chuẩn bị một bữa sáng gọn nhẹ, có thể mang theo đến trường như bánh mì thịt hoặc cá hộp, dưa leo, kèm hộp sữa tươi hoặc vài củ khoai lang, cái trứng luộc, một trái chuối và hũ sữa chua.
Theo dân trí