Thịt ếch giòn, dai kẹp bởi hai thanh tre mỏng, nướng trên bếp than dậy mùi thơm phức, níu chân lữ khách.
An Giang không chỉ nổi tiếng với các loại mắm cá ở chợ Châu Đốc, gà đốt Tri Tôn… mà còn nhiều món ăn vặt hấp dẫn. Trong đó, hàng ếch nướng nguyên con dọc đường khiến du khách phải dừng chân nếm thử khi có dịp du lịch “vùng bảy núi”. Món ăn được chế biến theo phong cách ẩm thực Campuchia, trông khá lạ lẫm và hương vị không lẫn vào đâu. Ếch giá bình dân, từ 15.000 đến 20.000 đồng/con, tùy tiệm.
Ếch nướng.
Xiên ếch nướng khá to, gây ấn tượng ngay tức khắc với khách. Đây là chiêu gây tò mò cho thực khách của đầu bếp bởi con ếch được kẹp phía dưới không lớn. Phần thịt phình ra, trông mập mạp khiến không ít người lầm là đùi, thực chất là bụng ếch. Bên cạnh đó, chủ quán băm thịt ếch và thịt heo ba rọi thật nhuyễn, trộn chung với nhau rồi nhồi vào bụng ếch. Cuối cùng, họ kẹp thêm thịt băm vào đầu thanh tre mỏng. Chiếc đùi nhỏ phía dưới cùng.
Ếch ướp sả, nghệ cùng nhiều gia vị khác cho thật thấm, nướng trên bếp than dậy mùi thơm lừng. Chủ quán liên tục quết thêm nước ướp trong lúc nướng để ếch không bị khô. Thịt nướng bên ngoài hơi cháy xém nhưng không bị khét. Đặc biệt, người bán băm cả xương ếch chung với thịt nên khi ăn có độ giòn nhẹ, béo, thơm khó cưỡng.
Ếch sau khi nướng.
Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của xiên ếch nướng nằm ở nước chấm độc đáo, có thành phần chính là me non dằm với gừng và tỏi. Bạn sẽ khó có thể tìm thấy nơi nào có nước chấm mằn mặn kết hợp với độ chua nhẹ của me non, cộng chút gừng thơm. Ếch ướp vị ngọt, mặn vừa, chấm với nước me non ăn rất đã.
Ngoại trừ con ếch ra, bạn khó phân biệt được đâu là thịt lợn, đâu là thịt ếch khi cắn miếng thịt băm bởi chúng đã quyện với nhau thành một khối thấm đều gia vị. Phần ăn gồm xiên ếch nướng rướm nước ướp luôn nóng hổi và nước chấm vừa miệng. Không có rau răm hay xà lách ăn kèm như đa số món nướng khác, nên nếu ăn nhiều dễ bị ngấy.
Nước sốt chấm ếch.
Ếch nướng thường có nhiều vào mùa nước nổi. Cứ tới mùa, loạt quầy bình dân mọc lên dọc đường, nhất là tuyến đường đi Tri Tôn, một trong những điểm du lịch hút khách tại An Giang. Còn bình thường thì chỉ vài ba xe sơ sài, không có bàn ghế do chủ yếu là người mua mang đi. Ngang qua hàng ếch, mùi thịt nướng bay thoang thoảng trong gió khiến du khách phải ngoái nhìn. Bạn có thể mua ếch về nhâm nhi buổi chiều, ăn vặt hay ăn kèm cơm đều được.
Quầy ếch nướng ở An Giang.
Món gà đốt lá chúc lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam ngon đến cỡ nào?
Thịt gà đồi săn chắc, được ướp với lá chúc và những gia vị đặc biệt của vùng Bảy Núi, đã mang đến hương vị đặc biệt, không thể trộn lẫn của món ăn đặc sản này.
Nhắc đến An Giang, người ta thường nhớ đến các loại mắm hay món cháo bò hấp dẫn. Tuy nhiên, vùng đất này còn có một món ăn cực kỳ nổi tiếng khác, hấp dẫn thực khách gần xa đó là món gà đốt lá chúc Ô Thum. Món gà đốt Ô Thum có nguồn gốc từ Campuchia, du nhập vào vùng Bảy Núi An Giang từ lâu, và trở thành món đặc sản vang danh khắp chốn. Hương vị thơm ngon đặc trưng của món gà này khiến thực khách phải vấn vương, và không đâu có thể tạo nên một hương vị đặc trưng đến vậy.
Gà đốt lá chúc Ô Thum là đặc sản riêng có của An Giang
Gà đốt lá chúc Ô Thum có nhiều nhất ở Hồ Ô Thum, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi này thu hút rất đông khách du lịch ghé thăm, phần là bởi vì khung cảnh tuyệt đẹp, phần là bởi món gà đốt lá chúc Ô Thum trứ danh. Món ăn này nổi tiếng bởi hương vị khác lạ, và cách chế biển rất đặc biệt không đâu có. Chính vì vậy, mà khi đã đến với Hồ Ô Thum thì nhất định người ta phải tìm và thưởng thức món gà trứ danh này.
Món gà đốt ở Ô Thum quyến rũ thực khách bởi vị ngon đặc trưng
Để làm món gà đốt lá chúc Ô Thum, người ta phải chọn nguyên liệu rất kỹ lưỡng.Gà để làm món ăn này phải là gà đồi, giống gà ta mà mỗi con chỉ có trọng lượng từ 1,3kg đến 1.8kg, loại gà này tuy nhỏ nhưng thịt rất chắc và ngọt. Đặc biệt, người ta không làm sẵn gà để bán cho thực khách, mà khi khách gọi thì gà mới được thịt, tẩm ướp và chế biến. Chính vì vậy thịt gà luôn tươi ngon, ngọt nước.
Gà để làm gà đốt phải là giống gà đồi, chắc thịt
Thực khách muốn thưởng thức gà đốt lá chúc Ô Thum, thì phải chờ đợi tối thiểu 40 phút để đầu bếp thực hiện các công đoạn chế biến. Ăn gà đốt lá chúc Ô Thum, thực khách cần phải kiên nhẫn chờ đợi nhưng khi món ăn lên, hương vị đậm đà, thơm ngon của món ăn sẽ bù đắp lại công chờ đợi một cách xứng đáng.
Lá chúc, nguyên liệu không thể thiếu của món gà đốt Ô Thum
Điều tạo nên vị ngon của món gà đốt lá chúc Ô Thum, không chỉ nằm ở nguyên liệu mà còn nằm ở bí quyết chế biến riêng của người dân tại đây. Ngoài các gia vị thường thấy như muối, sả, ớt, tỏi thì một loại gia vị đặc biệt cho món ăn này đó chính là lá chúc, người ta sẽ ướp gà với loại lá này để tạo vị ngon đặc trưng.
Gà được chế biến với bí quyết riêng
Gà đốt lá chúc Ô Thum chuẩn vị sau khi đốt sẽ được lót một lớp lá sả, lá chúc cho thêm dầu, rồi đốt tiếp từ 15-20 phút để da vàng giòn. Lửa đốt gà phải đốt lửa thật to, sau đó nhỏ dần để thịt gà chín đều. Gà đốt khi lên mâm sẽ có một lớp da giòn, màu vàng xuộm, vị ngọt đậm đà và đặc biệt là cái mùi thơm đặc trưng không lẫn đi đâu được.
Thực khách sẽ ăn gà với nước chấm và một dĩa gỏi rau
Khi thưởng thức gà đốt lá chúc Ô Thum, thực khách sẽ được chuẩn bị một cái kéo để tự cắt thịt và một dĩa gỏi rau ăn kèm. Món này ăn không cũng đã rất ngon, nhưng kèm theo cả đồ chấm thì sẽ đậm đà và hấp dẫn dẫn.
Ăn gà đốt lá chúc Ô Thum giữa miền biên viễn mới thấy hết cái vị ngon của nó
Đất Việt không thiếu món gà ngon, nhưng những miếng gà đốt lá chúc Ô Thum vẫn luôn khiến thực khách phải thèm thuồng bởi cái thơm, cái ngọt đặc trưng giữa miền biên viễn nó cuốn hút đến lạ lùng. Chính vì món ăn quá đỗi hấp dẫn này, mà dù nằm ở vùng xa xôi nhất của tỉnh An Giang, nhưng Hồ Ô Thum vẫn luôn là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm mỗi ngày.