Chợ nổi Cái Răng nổi tiếng với hình ảnh những ghe đầy ắp hàng nông sản qua lại trên dòng sông và văn hóa ẩm thực chợ nổi hiếm nơi đâu có. Món ăn mà nhất định du khách nên thử một lần khi tới đây chính là hủ tiếu Cái Răng.
Bát hủ tiếu Cái Răng thơm ngon với từng sợi dài mềm dai, chan nước lèo ngọt xương, thêm chút thịt xá xíu, hành phi, rau xanh đã chinh phục cả những thực khách khó tính nhất. Món ăn độc đáo ở đây nổi tiếng một phần nhờ vào sợi hủ tiếu – linh hồn của món ăn. Ở đất Cần Thơ “gạo trắng nước trong”, làm nên sợi hủ tiếu ngon không có gì quá khó.
Hủ tiếu là món ăn đặc sản của vùng đất miền Tây Nam Bộ nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng.
Cụ thể, ngay bên cạnh chợ nổi Cái Răng, có rất nhiều gia đình làm nghề sản xuất sợi hủ tiếu truyền thống, nức tiếng nhất chính là lò Chín Cửu, Sáu Hoài… Mỗi lò đều có bí quyết gia truyền nhưng nhìn chung để tạo ra sợi hủ tiếu màu trắng đục ngon nổi tiếng, quan trọng nhất là phải chọn hạt gạo trắng nõn, thon dài. Tiếp theo là các công đoạn ngâm, vo gạo, gút, xay, bòng, đ.ánh, tráng, phơi và cuối cùng là cắt hủ tiếu thành sợi, tất cả đều cực kỳ tỉ mỉ.
Ngày nay, dù có máy móc hỗ trợ nhưng có nhiều công đoạn vẫn phải dùng đến bàn tay con người như tráng bánh và vớt bánh vì đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Đôi bàn tay nhẹ nhàng tráng một lớp bột lên mặt khuôn, dùng mặt đáy gáo múc bột xoay đều mặt khuôn để bánh không bị rỗ hoặc dày mỏng không đều, đậy nắp lại để hơi nước làm chín bột gạo. Người thợ nơi đây bằng sự sáng tạo còn cho ra đời đủ các loại hủ tiếu với nhiều màu sắc, mỗi màu lại từ những nguyên liệu thiên nhiên như đỏ của gấc, xanh lá của lá dứa, màu trắng từ bột gạo…
Nguyên liệu làm nên món hủ tiếu mang đậm dấu ấn địa phương
Không chỉ có bí quyết từ sợi hủ tiếu mà món ăn còn thơm ngon bởi những nguyên liệu tươi mới. Khu vực miền Tây Nam Bộ nổi tiếng có đất đai trù phú, màu mỡ, thích hợp cho việc trồng trọt. Chợ nổi Cái Răng được xem là một trong những chợ nông sản lớn nhất cả nước nên các loại rau củ ở đây luôn chất lượng, cộng thêm ngành chăn nuôi gia súc phát triển nên các loại thịt heo, thịt bò ngoài chợ bán buổi sáng luôn đảm bảo tươi mới. Nước lèo hủ tiếu ngon nhờ vào việc ninh xương heo và củ cải trắng (hoặc củ cải đỏ), bát hủ tiếu hoàn hảo còn nhờ cái loại rau mùi, húng quế, húng cây, xà lách, giá, hẹ, thêm vài miếng thịt luộc, chân giò. Những thứ đó chính là sản vật của vùng đất miền Tây Nam Bộ nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng!
Cảnh bán hàng chông chênh sông nước đậm nét văn hóa bản địa là “gia vị tinh thần” cho món hủ tiếu nơi đây (Ảnh: Internet)
Ngoài nguyên vật liệu chính tươi mới và bàn tay tài hoa của người nấu, đôi khi cái cái ngon của món hủ tiếu còn phụ thuộc vào không gian. Không gian khi thưởng thức một tô hủ tiếu vào buổi sáng ở chợ nổi Cái Răng rất đặc biệt: đậm chất thơ và phản ánh đúng cuộc sống của chính những người con đến từ vùng đất phương Nam lắm sông, nhiều ruộng đồng. Cảm giác đưa đũa gắp sợi hủ tiếu vào miệng trên chiếc thuyền chông chênh mỗi khi có một thuyền lớn khác đi qua sẽ làm du khách cảm thấy hào hứng và thích thú. Món ăn bình dân quen thuộc này không chỉ được ưa chuộng tại Việt Nam mà còn chinh phục cả những đầu bếp chuyên nghiệp thế giới.
Hủ tiếu bà Sẩm trứ danh Sa Đéc
Du khách ghé qua thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp thường bị thu hút bởi tô hủ tiếu mang đậm hương vị đặc trưng của sông nước miền Tây.
Bạn sẽ không khó để tìm ăn món ăn nổi tiếng này ở Sa Đéc. Một trong số những quán ngon phải kể đến hủ tiếu bà Sẩm. Quán có cách đây hơn 30 năm và luôn thu hút thực khách bởi hương vị hủ tiếu thơm ngon, đậm chất riêng mà không đâu có được.
Do được hầm nguyên chất từ xương heo, không sử dụng mì chính nên nước dùng trong vắt, mà vẫn ngọt tự nhiên, mùi thơm đặc trưng. Sợi hủ tiếu cũng một phần làm nên sự đặc biệt cho món ăn dân dã này. Bánh hủ tiếu Sa Đéc cọng to, màu trắng sữa được chế biến từ loại bột gạo dẻo thơm xứ Đồng Tháp Mười. Sợi dai mềm sẽ đọng lại vị ngọt khi thử qua. Hấp dẫn hơn là khi cọng hủ tiếu ấy được ướp hương bởi những miếng hành phi giòn tan, béo ngậy.
Sợi mềm dai cùng vài lát thịt, thêm hành lá, giá và chén nước lèo đã làm nên món ăn giản đơn mà đặc biệt
Khi tô hủ tiếu nghi ngút khói được mang ra, mùi nước lèo thơm lừng xông lên tận mũi. Để vừa miệng hơn, bạn có thể cho thêm chút gia vị như nước tương, chanh, ớt, giá chần hay giá sống tùy thích.
Hủ tiếu bà Sẩm ngày càng được nhiều người biết đến
Hiện tại, bà Sẩm không còn nữa, con cháu nối nghiệp nhưng vẫn không làm mất đi vị xưa quen thuộc. Tiếng tốt đồn xa, hủ tiếu bà Sẩm ngày càng được nhiều người biết đến. Thực khách đến đây không chỉ là người dân địa phương mà còn có du khách khắp nơi.
Ngoài hương vị ngon thơm, món này còn có giá rất hấp dẫn. Một phần đầy đủ chỉ 6.000 đồng, nếu ăn thêm sợi hủ tiếu, thịt,… bạn mất thêm khoảng 1.000 – 2.000 đồng.