Đậu đỏ có thể chế biến được thành nhiều món ăn ngon và rất dễ làm.
*Quan điểm trong bài chỉ mang tính tham khảo.
Lễ Thất tịch hay ngày 7/7 Âm lịch hàng năm được người dân một số nước phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc… coi là lễ tình nhân. Vào ngày ngày, người ta sẽ tưởng nhớ đến chuyện tình bị chia cắt của nàng Chức Nữ và chàng Ngưu Lang. Trong dân gian Việt Nam người ta gọi hai người là ông Ngâu, bà Ngâu.
Ở Việt Nam, tuy có nhiều dị bản về tích Ngưu Lang – Chức Nữ nhưng cơ bản đều cho rằng Ngưu Lang là một chàng trai chăn bò hiền lành, có duyên kì ngộ gặp và đem lòng yêu nàng tiên Chức Nữ (con út của Ngọc Hoàng). Tuy nhiên tình cảm của cả hai vị ngăn cấm và chia cắt, không thể gặp nhau bởi dòng sông Ngân Hà.
Tích truyện chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ khiến nhiều người tin rằng vào lễ Thất tịch, ăn đậu đỏ sẽ đem lại sự may mắn trong tình duyên (Ảnh: Internet).
Quá đau lòng, cả hai khóc than bên dòng sông. Cuối cùng, vì cảm động tình cảm đôi lứa ấy, Ngọc Hoàng sai đám quạ kết cánh tạo thành cây cầu Ô Thước, bắc qua sống, để cặp đôi gặp nhau mỗi năm 1 lần vào ngày 7/7 Âm lịch.
Khi gặp nhau, Ngưu Lang – Chức Nữ rất vui và hạnh phúc. Vào ngày này trời thường xuất hiện những cơn mưa được gọi là mưa ngâu, tượng trưng cho nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp lại nhau. Từ đó, người ta còn gọi Ngưu Lang – Chức Nữ là “ông Ngâu, bà Ngâu”.
Cũng vì tích truyện này mà nhiều người cho rằng, vào lễ Thất tịch, ăn đậu đỏ sẽ giúp cho nhân duyên may mắn hơn. Ai chưa có người yêu ăn đậu đỏ sẽ sớm gặp được ý trung nhân hoặc đến được với người mình đang yêu. Còn nếu đã có đôi có cặp thì ăn đậu đỏ bạn sẽ bên nhau lâu dài, tình cảm bền vững.
Đậu đỏ có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Không cần ra ngoài hàng, ngay tại nhà bạn cũng có thể làm các món hấp dẫn từ đậu đỏ. Không rõ ăn đậu đỏ sẽ giúp nhân duyên của bạn may mắn đến đâu nhưng hương vị và sự bổ dưỡng của hạt đậu đỏ thì khó lòng có thể phủ nhận.
Dưới đây là cách làm 5 món ăn từ đậu đỏ, các bạn hãy tham khảo nhé:
1. BÁNH TRUNG THU NHÂN ĐẬU ĐỎ
Nguyên liệu:
Phần vỏ bánh:
– 150g bột mì đa dụng, 105g nước đường bánh nướng, 6g nước tro tàu (nước tro tàu giúp vỏ bánh mềm, lên màu đẹp, không có thì bỏ qua), 25g dầu ngô (hoặc dầu thường), 1 lòng đỏ trứng gà
Phần nhân đậu đỏ:
– 250g đậu đỏ, 125g đường trắng, 100g bơ lạt, 100g mạch nha
Hỗn hợp quét mặt bánh
– 1 lòng đỏ trứng 1 muỗng rượu thơm (rượu mai quế lộ) 1 muỗng cà phê dầu mè 2 giọt nước hàng hòa tan trong 1 cái chén. Lọc qua rây cho hỗn hợp lỏng mịn. Cách này giúp bạn quét bánh không bị lem nhem.
Cách làm:
Bước 1: Làm nhân đậu đỏ
– Ngâm đậu đỏ qua đêm, cho vào nồi áp suất, cho nước vào nấu cho đậu đỏ chín.
– Cho đậu đỏ và chút nước vào cối xay nhuyễn thành bột đậu đỏ.
– Đổ đậu đỏ vào nồi, cho bơ hoặc dầu ngô vào, chia làm 3 lần để cho vào, mỗi lần cho bơ phải đảo thật đều cho đậu đỏ ngấm rồi mới cho tiếp lần sau.
– Cho mạch nha và đường cát trắng vào đậu đỏ, tiếp tục sên cho đến khi nhân đặc lại và có độ bóng mịn, tắt bếp. sau khi nhân đậu đỏ mịn thì chia thành các phần nặng 52g, viên tròn từng phần nhân đậu đỏ lại.
Bước 2: Làm vỏ bánh
Trộn đều nước đường bánh nướng và dầu ngô (hoặc dầu ăn thường), sau đó đổ nước tro tàu (không có nước tro tàu thì bỏ qua) vào trộn đều.
Đổ bột mì vào, nhào trộn thành khối bột mịn, không dính tay. Bọc bột lại, để bột nghỉ trong 1 giờ.
Sau 1 giờ, nhồi bột lại với xíu bột mì để bột đỡ dính. Chia bột làm nhiều phần bằng nhau, mỗi phần nặng 22g để làm vỏ bánh.
Bước 3: Bọc nhân
Viên tròn phần bột vỏ bánh rồi ấn dẹt mỏng xuống, sau đó cho nhân đậu đỏ vào giữa, túm các mép bột vỏ bánh lại sao cho bao phủ toàn bộ nhân, vê lại cho tròn.
Bước 4: Đóng bánh
Phết chút dầu ăn vào trong khuôn để chống dính sau đó cho viên bột bánh đã nhồi nhân vào, ấn mạnh tay sau đó nhẹ nhàng đẩy bánh ra, xếp lên khay nướng có lót giấy nến.
Bước 5: Nướng bánh
Làm nóng lò nướng trước ở nhiệt độ 175 độ C, cho khay bánh Trung thu vào giữa lò và nướng trong 5 phút để định hình bánh.
Sau đó, lấy bánh ra, xịt nước khắp bánh, để khoảng 5 phút cho bánh nguội bớt rồi dùng cọ phết hỗn hợp trứng quét một lớp mỏng lên mặt bánh và thành bánh rồi lại cho vào lò nướng thêm 10 phút ở nhiệt độ 190 độ C là được. Lưu ý, khi quét hỗn hợp trứng, không để hỗn hợp trứng đọng lại ở khe rãnh họa tiết bánh.
(Nếu muốn bánh có màu nâu bóng đẹp thì bạn có thể nướng 3 lần, quét bánh 2 lần. Trong lần nướng thứ 2, nướng 5 phút ở nhiệt độ 190 độ C. Sau khi bánh khô, se chuyển vàng thì lặp lại thao tác xịt nước, quét trứng 1 lần nữa. Tiếp tục cho bánh vào nướng lần 3 với thời gian và nhiệt độ như lần 2 là xong).
Bánh sau khi nướng xong đợi nguội bớt thì chuyển sang rack cho nguội hoàn toàn.
Bánh Trung thu nhân đậu đỏ vừa nướng xong sẽ có màu vàng chanh, để qua một ngày sẽ vàng và nâu bóng hơn. Sau 2 đến 3 ngày, đường xuống màu, dầu thấm từ trong ra sẽ khiến bánh có màu nâu bóng rất đẹp. Bánh Trung thu nhân đậu đỏ tự làm ăn ngon nhất trong 3 ngày đầu tiên và để được 5-10 ngày nếu đóng túi kín có gói chống ẩm.
KEM TRÀ XANH ĐẬU ĐỎ
Nguyên liệu:
– 350ml whipping cream
– 30g bột trà xanh
– 60ml nước nóng
– 200g đậu đỏ ngào đường
– 170ml sữa đặc
Tham khảo cách làm kem trà xanh đậu đỏ dưới đây!
Cách làm:
Cho nước nóng vào hòa với bột trà xanh trong một bát, khuấy cho đến khi bột mịn.
Chuẩn bị một bát lớn, cho trà xanh, sữa đặc vào, khuấy đều.
Đánh whipping cream bông trong một bát sau đó đổ hỗn hợp trà xanh sữa đặc vào, trộn đều. Thêm đậu đỏ.
Rồi cho hỗn hợp vào một hộp kín, để trong ngăn đá tủ lạnh qua đêm để kem đông lại.
Sau đó, bạn chỉ việc múc kem trà xanh đậu đỏ ra bát và thưởng thức thôi!
3. CHÁO ĐẬU ĐỎ HẠT SEN
Nguyên liệu:
– 100g gạo tẻ
– 30g thịt muối
– 30g lạp xưởng
– 20g đậu đỏ
– 20g hạt sen
– 2 cái nấm mỡ
– 1 ít hành lá
– Dầu ăn, gia vị
Cách nấu cháo đậu đỏ hạt sen
– Gạo vo sạch. Đậu đỏ và hạt sen ngâm riêng 1 – 2 tiếng. Hạt sen ngâm nở tách bỏ tâm. Sau đó vo sạch.
– Cho gạo, hạt sen, đậu đỏ vào nồi nấu thành cháo chín nhừ.
– Lạp xưởng, thịt muối thái hạt lựu. Nấm mỡ rửa sạch, thái nhỏ. Hành lá thái nhỏ.
– Bắc 1 nồi nước khác lên bếp đun sôi. Cho lạp xưởng và thịt muối vào trụng nhanh 1 phút rồi vớt ra.
– Cho lạp xưởng, thịt muối, nấm vào nồi cháo đậu đỏ, đậy vung nấu khoảng 1 tiếng. Trong quá trình nấu chú ý thêm nước nếu cần.
– Khi cháo chín nhừ hoàn toàn thì nêm thêm xíu gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Múc cháo ra bát, thêm ít hành lá là có thể thưởng thức cháo đậu đỏ hạt sen thơm bùi hấp dẫn.
4. CHÈ ĐẬU ĐỎ KHOAI MÔN DẺO
Nguyên liệu:
– 200g đậu đỏ
– 1 lít nước
– 80g đường
– 1 nhúm muối
– 300g khoai môn
– 100g bột năng
Cách làm:
– Ngâm đậu đỏ qua đêm hoặc ít nhất 8 tiếng, vớt ra rửa sạch và cho vào nồi.
– Thêm nước và đun sôi, chờ thêm 10 phút thì tắt bếp và đậy vung.
– Khi nồi đậu đã nguội, đun sôi lại lần nữa và nấu trong 30 phút tới khi đậu hoàn toàn mềm nhừ.
– Cho đường và muối vào, khuấy đều, để nguội rồi bỏ vào tủ lạnh.
– Khoai môn gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ, hấp hoặc luộc chín khoai trong 15-20 phút tới khi có thể dễ dàng xuyên đũa qua. Vớt ra để nguội.
– Cho bột năng vào tô lớn, thả khoai vào và nghiền nhuyễn tới khi có được hỗn hợp bột dẻo mịn. Nếu thấy bột hơi khô, có thể cho thêm một chút nước.
– Nặn bột thành từng viên nhỏ vừa ăn.
– Đun sôi nước, thả viên bột vừa nặn vào luộc tới khi chúng nổi lên mặt nước thì vớt ra.
– Múc chè đậu đỏ ra ly, thêm khoai môn lên trên và thưởng thức.
5. CHÈ ĐẬU ĐỎ THẠCH DỪA
Nguyên liệu:
– Dừa tươi lấy nước: 1 quả
– Đậu đỏ: 150gr
– Bột thạch: 20gr
– Nước cốt dừa
– Đường: vừa miệng ăn
Thực hiện:
– Đậu đỏ rửa sạch, ngâm qua đêm để hạt đậu nở.
– Thêm lượng nước vừa đủ ninh đậu đến khi đậu chín nhừ, khi đậu nhừ vớt riêng đậu ra 1 bát, nước ninh đậu để riêng.
– Đổ nước dừa ra nồi, thêm chút nước cốt dừa đóng lon (nếu thích), cho 10gr bột thạch vào nồi khuấy đều cho bột thạch tan, bắc lên bếp đun sôi, khi chín bỏ ra đổ ra âu đựng rồi cho tủ lạnh cho đông.
– Làm tương tự với phần nước ninh đậu.
– Sau khi lớp thạch dừa đã se mặt, đổ phần thạch nước đậu lên trên mặt, để tủ lạnh cho khối thạch kết dính.
– Làm nước cốt dừa chan chè: lấy 100ml nước cốt dừa lon, thêm 50ml nước, khuấy đều, đun sôi trên bếp, nêm đường vừa miệng ăn. Thêm chút bột năng để nước cốt sánh.
– Khi ăn múc đậu đỏ, thêm thạch và chan nước cốt dừa lên trên, ăn mát sẽ ngon hơn.
Chúc các bạn thành công!
2 loại đậu nên ăn vào mùa xuân và công thức chế biến vừa ngon vừa bổ
Mùa nào thức nấy, mùa xuân ăn những loại đậu này thì “chuẩn không cần chỉnh”.
1. Mùa xuân ăn đậu đũa bổ tỳ, ích vị
Đậu đũa là một trong những loại đậu nên ăn thường xuyên bởi nguồn dinh dưỡng dồi dào chúng mang lại. Đậu đũa chứa một lượng lớn chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ giúp bảo vệ niêm mạc ruột kết một cách hiệu quả.
Đậu đũa chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa.
Đậu đũa chứa hàm lượng folate và vitamin C cao. Theo nghiên cứu, 100g đậu đũa có chứa 15% nhu cầu folate hàng ngày và 31% vitamin C hàng ngày.
Món ăn gợi ý: Đậu đũa xào thịt
Nguyên liệu cần thiết gồm đậu đũa – 200g, dầu ô liu, rượu nấu ăn, thịt bằm – 80g, đường, tỏi băm, nước tương nhạt, muối.
Trong một bát tô, cho thịt bằm, 1 thìa nhỏ nước tương, nửa thìa nhỏ rượu nấu ăn, xíu muối. Có thể cho thêm chút bột bắp hoặc bột năng. Trộn đều tất cả và ướp trong khoảng 20 phút.
Đậu đũa tước xơ, rửa sạch, cắt khúc ngắn vừa ăn. Cho vào nồi nước sôi có cho chút muối chần sơ, vớt ra để ráo nước. Làm nóng chảo, đổ chút dầu ô liu vào, phi thơm tỏi băm. Thêm thịt bằm vào xào cho chuyển màu rồi trút đậu đũa và đảo đều. Thêm muối, xíu đường và nước tương vào cho vừa vặn.
Món đậu đũa xào thịt có thể là món ăn chống ngán, đổi bữa cho gia đình bạn.
2. Mùa xuân ăn đậu đỏ dưỡng tâm
Đậu đỏ là một trong những thực phẩm quý giá tốt lành cho sức khỏe của bạn. Chúng được biết đến với nhiều lợi ích như hỗ trợ kiểm soát tiểu đường, các bệnh về tim mạch, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường cơ bắp, hỗ trợ giảm cân. Đặc biệt, với chị em phụ nữ, đậu đỏ còn có tác dụng cải thiện sức sống làn da.
Đậu đỏ được biết đến là “thần dược” của phái đẹp.
Món ăn gợi ý: Chè đậu đỏ khoai môn
Nguyên liệu cần thiết gồm đậu đỏ – 100g, khoai môn – 150g, đường phèn lượng thích hợp, sữa tươi, một ít hoa mộc. Lưu ý định lượng tùy thuộc vào số lượng người ăn, bạn cần đong đếm cho hợp lý với công thức. Với lượng nguyên liệu trên, bạn sẽ nấu được khoảng 4 chén chè đậu đỏ khoai môn.
Đậu đỏ cần ngâm trước khoảng 3 tiếng trong nước ấm. Sau khi ngâm cho vào nồi, đổ ngập mặt đậu, dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian nấu. Nấu đến khi nhừ. Trong lúc đó, khoai môn mang gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Cho khoai môn vào nấu khoảng 20 phút để khoai mềm và dẻo. Cuối cùng cho đường phèn và chút sữa tươi vào. Bạn có thể thay thế sữa tươi bằng nước cốt dừa để chè thêm béo ngậy. Khi múc ra bát có thể rắc thêm chút hoa mộc cho thơm.
Chúc bạn thực hiện thành công các món ăn ngon với 2 loại đậu này!