Xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch và chỉ sống được vài giờ nhưng loài côn trùng này lại trở thành đặc sản có hương vị thơm ngon với giá đắt đỏ, gần nửa triệu đồng/kg, hút khách sành ăn ở Hà Nội tìm mua.
Ở vùng ven sông Hồng (Hà Nội) có một loài côn trùng độc lạ không chỉ gắn bó với bao thế hệ người dân địa phương mà còn trở thành đặc sản thơm ngon, hấp dẫn thực khách. Đó chính là con vờ (hay còn gọi là con vờ vờ).
Theo anh Đỗ Thanh – một người dân sống ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, con vờ sống ở đáy sông, chỉ ngoi lên mặt nước trong vài giờ để lột xác vào sáng sớm. Theo người dân có kinh nghiệm, loài côn trùng này chỉ có từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Con vờ thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi, nhất là lúc đang nóng ẩm mà đổ mưa.
Con vờ là sản vật của sông Hồng được nhiều người săn lùng vài năm trở lại đây. Chúng thường chỉ xuất hiện 3-4 lần/năm (Ảnh: Ngọc Phúng Phính).
Theo quy luật, nếu ngày đầu tiên trong năm vờ nổi lên thì 7 ngày sau sẽ có tiếp. Lúc đó, những người dân sống ven sông phải canh ngày, canh giờ, chờ vờ lên lột xác.
“Con vờ chỉ xuất hiện vài tiếng, tầm từ 4-6h sáng rồi biến mất. Cả tháng có khi con vờ chỉ lên 1-2 lần. Sau hai lần lột xác, chúng sẽ đẻ trứng rồi c.hết. Trứng nở thành ấu trùng lại trở về đáy sông rồi tiếp tục chờ ngày được ngoi lên mặt nước lột xác”, anh nói.
Người đàn ông này cũng tiết lộ, không phải chỗ nào cũng xuất hiện con vờ mà chỉ có ở ngã ba sông, nơi nhiều đất thịt để chúng làm tổ. Để bắt được con vờ, người dân chài như anh phải dậy từ 3 giờ sáng rồi dùng thuyền gắn vợt lưới bắt ở cửa sông Hồng. Việc “săn” con vờ không đơn giản. Người ta phải canh thời tiết, con nước sao cho đúng vào ngày vờ lên lột xác thì mang dụng cụ đi hớt
Người dân chài thường canh giờ con vờ lên để ra sông vớt về bán. Loài côn trùng kỳ lạ này là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon (Ảnh: Nguyễn Hương).
Trước đây, người dân ven sông Hồng thường đ.ánh bắt con vờ theo phương pháp thủ công, thô sơ bằng vợt chao. Vài năm gần đây, khi con vờ trở thành đặc sản có giá thành cao nên người ta dùng thuyền gắn máy và trang bị thêm phễu lưới. Cách làm này giúp họ thu hoạch con vờ được nhanh và nhiều hơn, tránh để lâu, vờ biến mất.
Con vờ là loài côn trùng, sống ở nơi đất thịt dưới đáy sông Hồng. Vòng đời của chúng vỏn vẹn chỉ qua hai lần lột xác, kéo dài chừng 1 tiếng. Lần đầu là ấu trùng dưới đất ngoi lên mặt nước lột xác thành con vờ, bay vật vờ khoảng 15 phút rồi lại tiếp tục lột xác. Lúc đó, vờ nhẹ và bay nhanh.
Khi ấy, những người dân chài bắt đầu nhộn nhịp lái thuyền đi dọc khắp con sông, thấy chỗ nào có nhiều con vờ bay tà tà trên mặt nước thì vớt nhanh, dứt khoát. Thuyền chạy được một đoạn ngắn là phải kéo lưới lên ngay, vừa giảm sức nặng cho thuyền, vừa không làm vờ bị nát dưới nước. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tránh làm ảnh hưởng chất lượng con vờ.
Ngày đầu, vờ thường xuất hiện với số lượng ít nhưng đến sáng hôm sau sẽ bay kín mặt sông. Lúc ấy, người dân chài phải đ.ánh bắt thật nhanh mới xuể (Ảnh: Tùng Đào).
Anh Thanh cho hay, tùy từng hôm mà vờ xuất hiện sớm hoặc muộn hơn, thông thường chúng xuất hiện nhiều vào lúc 5 giờ sáng. Thời gian vờ xuất hiện cũng rất ngắn, chỉ khoảng 10 – 15 phút là trắng xóa mặt sông. Khi đó, người dân phải chạy thuyền thật nhanh mới kịp thu hoạch.
Theo anh Thanh, lúc cao điểm, gia đình anh có thể vớt được 30-40kg vờ. Sau khi đ.ánh bắt, vờ được đem đãi sạch trên sông, loại bỏ phần xác mềm vừa lột xong. Vờ thu hoạch đến đâu, bán hết đến đấy vì nhu cầu thưởng thức đặc sản độc lạ của thực khách Thủ đô tăng cao.
“Đầu mùa, dân chài vớt được nhiều thì vờ có giá thành vừa phải, khoảng 300.000-350.000 đồng/kg. Cuối mùa, số lượng vờ thu hoạch được ít hơn, giá có thể đội lên hơn nửa triệu bạc cũng không có để bán”, người đàn ông ở Thanh Trì nói.
Từ loài côn trùng vật vờ trên mặt sông, con vờ lên bàn nhậu thành đặc sản hút khách, giá nửa triệu đồng/kg (Ảnh: Lê Hoài).
Vờ được chế biến thành nhiều món ngon, hấp dẫn nhất là chả vờ và vờ nấu cá ngạnh (Ảnh: Hương Nguyễn).
Vài năm gần đây, khẩu vị của thực khách đa dạng hơn nên vờ được chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng như vờ chiên lá mắc mật, nộm vờ, vờ xào rau muống, lẩu vờ riêu cua,… nhưng ngon và phổ biến nhất vẫn là món vờ nấu cá ngạnh hay chả vờ.
Chị Vũ Thủy (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, khoảng 10 năm trước hiếm thấy con vờ, nhất là những nơi nước xả thải đổ thẳng ra sông thì gần như không còn vờ nữa. Loài côn trùng này gắn bó t.uổi thơ của nhiều thế hệ người dân sinh sống ở ven sông Hồng và nay trở thành thứ đặc sản giá trị.
“Khoảng 3 năm nay, tôi thấy người dân đi bắt và bán con vờ nhiều lắm nên tìm mua vài cân về ăn. Tôi vẫn nhớ như in những bữa cơm có món ăn từ con vờ mà bố mẹ chế biến. Có lần mua được nhiều vờ, tôi sơ chế sạch rồi trữ đông trong tủ lạnh để ăn dần. Vì vờ giờ thành đặc sản, ăn lạ miệng nên không phải lúc nào cũng có để mua”, chị Thủy nói.
Mỗi năm chỉ có vài lần vờ xuất hiện nên thực khách thường mua vờ về cất trữ, chế biến dần (Ảnh: Ngọc Phúng Phính).
Món vờ rang lá chanh giòn rụm, béo ngậy (Ảnh: Nguyệt Ánh Lê).
Chị Thủy thường chế biến chả vờ vì đây là món ăn cả gia đình đều yêu thích. Vờ được nhặt sạch phần xác, đem rửa với nước thật nhẹ tay rồi vớt ra để ráo. Đem vờ trộn đều với thịt xay, lá lốt thái nhỏ và chút gia vị, nêm nếm vừa ăn. Sau đó, bắc chảo lên rán vàng là có thể thưởng thức.
Món cá ngạnh om vờ cũng ngon không kém, rất đưa cơm. Vờ làm sạch, đem xào với thịt ba chỉ thái mỏng. Cá ngạnh sơ chế sạch sẽ, ướp nghệ cho vàng và thêm riềng cho thơm rồi om với cà chua. Khi cá ngạnh chín tới thì cho vờ và thịt ba chỉ vào om cùng, thêm tỏi và lá chua là thành món đặc sản thơm nức mũi.
Món cá ngạnh om chua với con vờ thơm ngon nức tiếng (Ảnh: Tố Linh).
Chị Thủy cho biết, con vờ có thể chế biến được nhiều món với đủ mùi vị và cách thưởng thức khác nhau. Vờ có độ mềm, béo ngậy, ăn lạ miệng và dậy mùi thơm, dễ dàng “chiều lòng” cả những vị khách khó tính nhất.
Món ngon xứ Nghệ
Miếng bắp bò được thái lát xếp xoay tròn trong đĩa như những cánh hoa. Từng đường gân trong trong nổi lên trên nền thịt nâu đỏ, nước keo sền sệt.
Gắp miếng thịt đưa vào miệng, ta từ từ cảm nhận được vị mặn, ngọt, cay, thơm… nó như tổng hợp đầy đủ tính cách của người dân xứ gió Lào cát trắng.
Xuân đang đến giữa đất trời bao la. Những cây bàng đồng loạt trút bỏ lớp lá đỏ để lại những cành cây khẳng khiu như những ngón tay gầy guộc vươn lên trời xanh. Những mầm non sau bao ngày được cây mẹ cho hút căng nhựa sống đã cựa mình hé mắt nhìn đời. Người người nhộn nhịp đi sắm tết. Nhà nhà tưng bừng trang hoàng nhà cửa để đón xuân sang. Bếp lửa hồng của mọi nhà hoạt động nhiều hơn mọi ngày. Chỉ ba ngày tết thôi mà sao nhà nào cũng chuẩn bị đồ ăn như cho cả tháng. Tôi cũng không ngoại lệ. Ngoài bánh chưng, giò, chả, thịt đông… tôi còn chuẩn bị một nồi bò kho, món ăn đặc sản xứ Nghệ quê nhà.
Những năm còn là con gái, tôi đã thấy bà nội và mẹ làm món này. Ngày ấy đang đói kém lắm nên cả năm nhà tôi chỉ dám kho một niêu nho nhỏ dành bày cỗ cho mấy ngày tết. Sau này kinh tế khá giả hơn, em dâu tôi thể hiện món này thường xuyên. Được cái, em dâu là người khéo nấu nướng nên bà cô này mỗi khi về quê đều được thưởng thức đặc sản và khi đi, thế nào cũng có đồ ăn ngon đưa đi.
Năm nay dịch bệnh nên không về quê được. Đi chợ mua đồ mà nhớ mẹ, nhớ quê hương da diết. Lại hàng thịt bò, tôi lựa mua 3kg bò bắp. Món bò kho này phải dùng thịt bắp, có gân mới ngon và khi bày đĩa mới đẹp. Cẩn thận, tôi dùng nước chè xanh rửa sạch thịt để tẩy mùi gây rồi bóp mạnh cho nước chè ngấm vào thịt cho săn rồi vớt ra để ráo. Gừng, tỏi, sả, ớt băm nhuyễn. Vừa làm, tôi lại vừa nhớ lại cách em dâu tôi vẫn làm. Dù rất cố gắng nhưng món bò kho của tôi vẫn không ngon bằng của em ấy. Nồi thịt sau khi ướp gia giảm được bọc lại cho vào ngăn mát để qua đêm. Đúng là muốn ăn ngon phải chịu khó. Chắc giờ này trong quê, nồi bò kho đang riu riu trên bếp rồi. Bò kho Nghệ an không thể thiếu được mật mía, một gia giảm làm nên thương hiệu bò kho mật. Mật mía rót ra bát sóng sánh, vàng ươm, sợi mật chảy từ chai xuống bát óng ánh như tia nắng mai. Thêm nửa bát nước mắm ngon vào rồi bắc nồi lên bếp. Lửa hồng quấn quýt liếm vào đáy nồi. Sôi một trào, để lửa liu riu khoảng 15 phút rồi tắt bếp để nguội. Ơ hình như tôi chưa cho nước dừa, hoa hồi, bột màu và quế vào. Đấy! Cứ bảo sao mình nấu không ngon bằng em dâu. Bổ sung thêm gia giảm cho đủ vị . Nhớ nhé! Hoa hồi để nguyên cánh chứ đừng giã nhỏ, thịt sẽ đắng. Quế bẻ vụn như ngón tay là được. Nước ở trong thịt tiết ra săm sắp, nổi lửa lần hai cho lửa nhỏ để gia giảm ngấm dần và nhớ trở miếng thịt cho ngấm đều gia vị! Khi nước keo lại sền sệt , nổi màu nâu đỏ ta tắt bếp, để nguội và cho vào âu cất tủ lạnh.
Mâm cỗ tất niên với đầy đủ màu sắc, hương vị. Đĩa gà luộc vàng ươm, bóng nhẫy bên cạnh đĩa xôi gấc đỏ hồng. Bát thịt đông trong màu hổ phách điểm bông hoa cà rốt ngồi cạnh đĩa nem rán vàng và đĩa hành muối. Bát canh bóng thả nổi bật hơn nhờ đĩa sup lơ xanh luộc đặt bên cạnh… và đây, món tôi thích nhất. Miếng bắp bò được thái lát xếp xoay tròn trong đĩa như những cánh hoa. Từng đường gân trong trong nổi lên trên nền thịt nâu đỏ, nước keo sền sệt. Gắp miếng thịt đưa vào miệng, ta từ từ cảm nhận được vị mặn, ngọt, cay, thơm… nó như tổng hợp đầy đủ tính cách của người dân xứ gió Lào cát trắng. Món này ăn không ngán và để được lâu.
Nhớ lắm quê hương ơi! Mời các bạn ghé thăm xứ Nghệ và thưởng thức món bò kho đặm đà tình quê mình nhé!