Tới giờ đã ba đời nhà chị Hằng ngồi bán bún chả que tre ở ngõ chợ Đồng Xuân. “Từ ngày có chợ, gia đình tôi đã bán hàng ở đây”, chị Hằng nói.
Bạn đang đọc: Món ngon Hà Nội có nguy cơ thất truyền: Bún chả thơm mùi tre
Đến ngõ chợ Đồng Xuân cứ nhắm mắt ngồi xuống đâu cũng là hàng ăn ngon. Chạy suốt từ đầu đến cuối ngõ có tới mấy hàng bún chả. Mùa đông lạnh, đi hết ngõ một lượt về, áo len cũng đượm mùi chả nướng. Thế nhưng, những gia đình lâu đời gần đó không ngồi kiểu nhắm mắt như vậy. Họ thường chọn đúng quán bún chả của chị Hằng – quán bún chả hiếm hoi và duy nhất ở cái ngõ ngắn ngủn này vẫn dùng que tre như ngày chợ Đồng Xuân mới xây.
Một suất bún chả của chị Hằng có tới bốn kẹp chả bằng tre. Hai cặp chả băm, hai cặp chả miếng. Chỉ khi khách gọi mới nướng nên chả nóng và thoáng giòn. Chiếc kẹp tre có mỡ loang ra đều nêu nhìn bóng loáng. Gỡ đoạn dây buộc bằng lá chuối, chị Hằng tuốt chả bỏ vào bát nước chấm với những miếng dưa góp trắng đỏ nhỏ xíu. Mùa này, nước chấm cũng được đun lên cho nóng. Rắc thêm chút hạt tiêu là đã có bát nước chấm chả ngon đúng điệu bún chả que tre bà Nga. Giờ tuy chị Hằng làm hàng nhưng biển hiệu thì vẫn đề tên mẹ.
Chị Hằng bên hàng bún chả que tre ở ngỏ chợ Đồng Xuân – Ảnh: Ngô An
Gắp miếng chả lên thấy rõ lằn kẹp tre trên đó. Miếng thịt như được chia làm ba phần, hai phần xém giòn dã, còn phần kia chỉ chín vừa ngọt. Miếng chả băm cuốn xương sông cũng vậy. Có cái lạ là chả xương sông nhà chị Hằng không có mùi dầu hăng hắc của những miếng chả xương sông vẫn thấy tại các hàng cơm. Chị Hằng bật mí đó là do kỹ thuật nướng.
Chả que tre nướng rất mỏi tay vì phải lật liên tục trên than đỏ lửa nhưng không được để lửa quá lớn. Lật như thế chả chín đều và không cháy. Cũng vì thế, khói nướng chả nhà chị Hằng “êm dịu” nhất ngõ chứ không phừng phừng. Nếu so với “công nghệ tiên tiến” nướng bằng vỉ rõ ràng chị Hằng thua xa về hiệu suất. Bù lại, mùi chả rất độc đáo. Cắn vào miếng thịt vừa thấy mùi thịt lợn ngọt, hương hành khô sém nức lên lại vừa thấy có mùi tre. Miếng bả băm ngoài mùi tre còn có mùi xương sông nữa. Thơm dịu kỳ lạ.
Không chỉ mất công lật chả mỏi đừ, chị Hằng còn mất sức chẻ kẹp tre nữa. Cứ lâu lâu chị lại phải ra hàng mua cọc tre… đóng móng nhà về chẻ. Công đoạn đầu là lựa theo mấu cưa tre thành từng đoạn – cái này phải thuê thợ đàn ông. Cũng vì phải lựa theo cây tre nên không phải cặp tre nào cũng dài bằng nhau. Sau này khi nướng chả, kẹp ngắn chị dùng nướng chả băm, cặp dài chả miếng. Cưa tre thành đoạn ngắn rồi phải ngâm nước hai ngày cho đỡ mùi. Sau đó, chị Hằng mới bỏ công ngồi chẻ. Mỗi lần như thế, chị chẻ mất hai ngày mới xong được một nghìn cặp tre. Chừng đó cũng đủ dùng trong hai tháng. Sau đó, cặp tre cũ phải bỏ đi hết thay cặp mới. Như thế, một là chả không cháy, hai là chả có mùi thơm của tre nướng.
Thịt chị Hằng ướp cũng lạ, tuyệt đối không dùng hành tươi vì sợ cháy, ám mùi vào miếng thịt. Cứ 6 giờ sáng, người đưa thịt (từ đời mẹ chị) đến, chị lại bắt đầu pha thịt làm hàng. Miếng thịt chị thái thường dày hơn những nhà hàng khác một chút. Chị bảo như thế để khách còn thấy có mùi thịt.
Ngoài kẹp tre, bún chả chị Hằng còn độc đáo nhờ món dấm sấu tự làm lấy. Sấu chị luộc bằng nước lã, chín rồi thì tự thân nước luộc cũng có vị chua. Chị Hằng không dầm sấu mà để nguyên quả cho nước trong. Khách muốn ăn chua nhiều thì có thể lấy cả quả mà dầm thêm vào. Dấm sấu không chua bằng dấm gạo nhưng dịu, ăn với bún chả tuyệt ngon.
Sợ khách thiếu vị, chị cũng làm thêm cả nem cua bể. Nem rán rồi để ngay trên bàn bày hàng. Dưới chảo nem là một bếp nhỏ than hoa. Nem cứ thế giữ nóng mà không hề có tiếng reo li ti của mỡ. Nhờ đó, nem của chị Hằng không bao giờ có chuyện ngấy.
Cẩn thận như thế nên khách ăn đều đặn, nhất là khách quen. Mỗi ngày chị bán hết ba chục cân bún, ngày sát tết khách ăn đông chị bán được năm chục cân – con số mà hàng bún chả nào cũng phải nể. Nói chung, bún chả của chị ngon đủ mọi nhẽ trừ việc t.iền gửi xe máy để vào ngõ hơi cao, còn đi ô tô thì t.iền tấn cũng không có chỗ gửi.
Nhưng chị Hằng cũng đối phó với hoàn cảnh rất cừ bằng phương thức điện thoại đặt hàng. Nhờ đó, các bà các cô văn phòng vẫn ung dung thưởng bún chả que tre mà không phải lặn lội vào ngõ. Đáp lại thịnh tình của khách, chị Hằng bảo, chấp nhận luôn chuyện chẻ tre vất vả miễn là khách ăn ngon và hài lòng bởi giá bán của chị so với những hàng bún chả khác cũng “vậy vậy” mà thôi.
Theo Thanh Niên
Món ngon Hà Nội có nguy cơ thất truyền
Có những món ngon một thời vang bóng của người Hà Nội xưa giờ vô cùng hiếm gặp. Xin giới thiệu những nơi vẫn còn bán món ăn cổ truyền “nguyên bản” của Hà Nội.
Đưa tay hơ trên bếp than sắp tàn, chị Dung tự nhủ đúng tầm rồi. Nồi cái bỗng(*) rượu chưng được nhấc lên. Đấy chính là bí quyết cốt tử của món cuốn diếp nổi tiếng khắp Hà Nội.
Cuốn diếp trông đẹp và có vẻ dễ làm. Lọn bún trắng nhỏ, miếng thịt xíu trắng hồng viền đỏ, con tôm rang đỏ rực, tất cả cuộn vào nhau, buộc ngang lưng bằng lá hành trần xanh sẫm. Không có nguyên liệu nào khó tìm, nhưng khi kết hợp với nhau, mỗi cuốn diếp đều tươi nõn như lộc non ngày tết. Bát nước chấm chua ngọt điểm mấy miếng dưa góp đu đủ cà rốt gọn gàng bên cạnh hứa hẹn một bữa quà ngon dịu. Nhưng điều bí mật của cuốn diếp lại nằm tận sâu thẳm bên trong.
Tìm hiểu thêm: Trải nghiệm ẩm thực 3 miền tại Hương Quê quán
>>>>>Xem thêm: 3 cách chế biến bánh chưng chống ngán dễ như trở bàn tay
Chị Dung và quầy bán cuốn diếp.
“Tôi vẫn hồi hộp mỗi khi cắn miếng cuốn diếp. Qua độ mềm của bún, vị giòn của rau, vị thơm ngọt của thịt xíu và độ đậm của tôm rang là vị thơm của giấm bỗng chưng. Nó mới là linh hồn của cuốn diếp”, bà Ngọc Liên – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian – cho biết. Theo bà, giờ muốn thưởng thức món cuốn diếp có hồn nhất Hà Nội chỉ có cách tới quán của bà Dung ở phố Trần Xuân Soạn mà thôi.
“Khó nhất của cuốn diếp là giấm bỗng chưng. Phải chọn cái bỗng nếp vừa vớt từ nồi nấu rượu ra. Hạt nếp lúc ấy vẫn còn mọng và ngậm rượu, lại trắng. Dính phải tí bỗng gạo tẻ là hạt bỗng thâm, đen, xạm ngay”, chị Dung tiết lộ.
Cuốn những cuốn diếp đầu tiên giúp mẹ từ cách đây 50 năm, “công phu” của chị Dung đã đạt đến độ chỉ nhìn qua là biết ngay đâu là bỗng nếp, đâu là bỗng tẻ. Cũng chỉ lướt tay nhẹ qua mặt bỗng để xem độ dính là chị có thể cảm thấy bỗng có bị chắt nước cốt, pha thêm nước đường hay rượu không.
“Nhưng công phu nhất vẫn là khâu chưng bỗng” – chị Dung nói – “Bỗng phải được chưng với đường khoảng ba giờ đồng hồ. Chỉ cần làm dối một chút là hạt bỗng rời rông rổng. Bỗng chưng đạt yêu cầu phải dẻo kết vào nhau mà vẫn nguyên hạt. Muốn thế, lửa phải rất bé, bé đến mức có muốn tiện cũng không thể dùng bếp gas được. Tôi cũng phải canh khi bếp than sắp tàn mới đặt bỗng lên chưng. Chính vì vậy, một mẻ bỗng chưng không phải một lần, một ngày là xong”.
Chị hé chiếc âu đựng bỗng chưng. Một mùi thơm dịu tỏa ra dày ấm. Chọn một tàu rau xà lách, chị cẩn thận cuốn gọn bỗng vào trong, sau đó mới là bún, tôm, thịt. Cuối cùng dùng lá hành đã trần quấn “ngang eo” chiếc cuốn diếp. Như thế, mùi thơm dịu của giấm bỗng chưng được giữ nguyên cho tới lúc có người cắn qua làn lá rau mỏng.
Nếu như chưng bỗng thật lâu thì những việc khác chuẩn bị cho buổi hàng bán cuốn của chị Dung lại phải thật mau để các nguyên liệu giữ được sự tươi mới, mặt ẩm không se. Thịt xíu được hấp vừa độ để thăn giữ được vị thơm, mềm, ngọt. Tôm rang thật giòn, vỏ mỏng tang nhìn thấy cả trứng. Rau rửa sạch. Đều như vắt chanh, cứ mười hai giờ trưa, chị và ba người giúp việc bắt đầu làm cuốn diếp và bảy loại cuốn khác của cửa hàng. Ba giờ, họ sắp xong mọi việc và chở ra Trần Xuân Soạn. Chị ngồi bán hàng ngay tại cổng ngõ – nơi cụ Mùi mẹ chị từng bán cuốn diếp suốt những năm t.uổi trẻ để nuôi cả đàn con qua thời bao cấp.
Ngày đó, cụ Mùi bán hàng mà đôi lúc cũng ngại vì mang tiếng là tiểu thương. Ngại đến nỗi, đã có lúc cụ đi theo nhà nước mà bán bánh mì pa tê. Nhưng sau đó, tới lúc về hưu mà con cái vẫn chưa lớn hết, cụ thấy thà vất vả bán hàng, thà mang tiếng còn hơn để m.áu mủ của mình đói kém. Trời cũng không phụ lòng người đàn bà kẻ Mơ chịu khó. Cả Hà Nội nức tiếng cuốn diếp của bà Mùi. Cũng có người bắt chước làm, tôm to hơn, thịt nhiều hơn nhưng ngón nghề giấm bỗng chưng và nước chấm thì không qua nổi tay cụ.
“Mẹ tôi bán hàng tới năm 70 t.uổi, rồi gọi tôi đến bảo, có cho cả triệu cũng không bằng bán hàng tiếp cho mẹ. Công bao năm dựng lên tiếng lành”, chị Dung kể. Thế là chị nghỉ việc, tiếp quản cửa hàng, cũng vì tiếc cái tiếng lành. Từ đó tới nay đã ngót 15 năm. Mua may, bán đắt, chị lại càng hiểu hơn ý nghĩa của tiếng lành từ đời mẹ để lại.
“Cách đây chục năm, có người dỗ tôi vào bán hàng ở một khu kinh doanh dịch vụ trên hồ Tây. Một quầy hàng ở đó lúc ấy thuê một trăm hai mươi nghìn một tháng, người ta cho tôi cả diện tích bằng hai quầy mà không lấy đồng nào, chỉ… xin cái bí quyết làm cuốn. Tôi cười bảo thôi”, chị Dung kể lại.
Sau đó vài năm, lại có một nhà hàng lớn rủ chị vào bán hàng trong khuôn viên của mình. T.iền họ thu và cuối tháng trả một lần. Chị lại cười, bảo bán ở cổng nhà luôn tay, không có thời gian để thu t.iền thì tội gì mà phải chịu cảnh lấy t.iền sau. Chị đã quá yêu, quá thấm sức mạnh “bí quyết gia truyền” mà cụ thân sinh truyền lại.
“Cụ còn truyền nhiều khách chung thân nữa. Họ ăn từ ngày mẹ tôi còn bán hàng, giờ đến tôi. Nhiều người trước ở quanh đây, nay đã chuyển đi chỗ khác vẫn tiếp tục đặt hàng. Tôi làm đến bảy loại món cuốn bán đắt hàng đều nhờ cái ngon của nước chấm, nhưng khách quen lâu năm ai cũng không quên gọi cuốn diếp tôm thịt”, chị nói.
“Còn chuyện nối nghiệp sau này ư?”, chị Dung nói giọng chứa chan hy vọng. “Tôi mong là cứ bán được như cụ nhà tôi ngày xưa, tới t.uổi 70. Tôi một bề con trai, nên cũng tính truyền nghề cho con dâu. Cũng mong là các cháu giữ lấy nghề gia truyền. Nhiều người đến đây ăn lâu năm cũng là vì món ngon từ các cụ Hà Nội xưa để lại”.
(*) Bỗng: Bã rượu hoặc rau có ủ chua. Giấm bỗng: làm bằng bã của rượu nếp. (Từ điển tiếng Việt; Viện Ngôn ngữ học; NXB Đà Nẵng; 2003)
Theo BĐVN