Nếu như ẩm thực miền Bắc chú trọng sự tinh tế và cầu kỳ, miền Trung đậm đà hương vị thì văn hóa ẩm thực miền Nam lại mang nét chân chất, giản đơn rất riêng.
Mảnh đất miền Nam luôn được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều sản vật đa dạng, phong phú còn ẩm thực miền Nam cũng mang nét phóng khoáng và hoang dã bởi chính thiên nhiên trù phú và hào phóng miền sông nước.
PHONG CÁCH ẨM THỰC ĐA DẠNG THEO MÙA
Lẩu cá linh bông điên điển
Đặc sản cá lóc nướng trụi của Nam Bộ
Ở Nam Bộ, nơi đâu cũng là những con sông đầy ắp phù sa, những kênh, rạch chằng chịt, không mùa nào không thiếu tôm, cá, cua và nhiều loài thủy sản phong phú… Mỗi khi mùa nổi tới, người dân lại có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon của ẩm thực miền Nam như lẩu cá linh bông điên điển, bông s.úng mắm kho, bún nước lèo, gỏi sầu đâu khô cá sặc… Cá linh và bông điên điển là sự kết hợp đặc sắc của ẩm thực miền Tây mùa nước nổi. Cá linh đầu mùa còn non, thịt mềm ngọt, hầu như không có xương. Bông điên điển cũng vào mùa trổ bông, vàng ươm, giòn giòn, bùi bùi. Kết hợp vị ngọt từ cá linh và vị chua thanh, thơm giòn của bông điên điển tạo nên món canh, lẩu cá linh bông điên điển thơm ngon khó cưỡng mà không nơi nào có được. Nếu mùa nước nổi nức tiếng với những món ăn đặc sản từ cá linh, cua đồng, bông điên điển, bông s.úng, thì ẩm thực vào mùa gặt ở miền Nam không thể không nhắc đến cá lóc nướng trui, cá trê nướng rơm…
SỰ ĐA DẠNG TRONG VĂN HÓA ẨM THỰC MIỀN NAM
Bên cạnh những món ăn dân dã hút hồn thực khách, ẩm thực Nam Bộ còn khiến người ta thích thú bởi sự hòa trộn của nhiều phong cách ẩm thực khác nhau
Ẩm thực miền Nam là sự tổng hòa của văn hóa ăn uống miền Bắc, miền Trung và sự ảnh hưởng của văn hóa Khmer. Các món ăn từ những vùng miền khác khi du nhập vào miền Nam đã được biến tấu khá nhiều.
Chẳng hạn, sợi bún của miền Bắc khi vào đến miền Nam trở nên to hơn, đặc bột hơn và được gọi là bánh canh, bánh canh miền Nam cũng rất phong phú khi được ăn kèm với thịt gà, tôm, cua, mực, giò heo. Phở miền Nam được ăn kèm với tương ngọt (tương đen), tương ớt đỏ, chanh, ớt tươi, ngò gai, húng quế, giá, hành tây cắt lát mỏng, nước phở thường không trong như phở miền Bắc mà có màu hơi đục, vị ngọt hơn, béo hơn. Chiếc bánh tráng của miền Trung khi vào Nam cũng được thay đổi, bánh nhỏ hơn, thêm nhiều mùi vị hơn, được chế biến cầu kỳ và phục vụ cho việc ăn vặt của người miền Nam. Còn về món chè của người miền Nam cũng rất phong phú, ngoài chè đậu, bánh trôi nước của miền Bắc, chè sen, chè bắp của miền Trung, miền Nam cũng tiếp nhận và biến tấu thành những món chè đặc trưng như chè khoai, chè chuối, chè bà ba, chè trôi nước… ăn với nước cốt dừa.
KHẨU VỊ CỦA NGƯỜI MIỀN NAM
Với vị mặn, người trong Nam dùng nước mắm nguyên chất, kho quẹt thì kho mặn đến đóng váng muối, vị cay thì dùng loại ớt cay xé lưỡi, ớt trái cay nồng. Điểm nổi bật trong khẩu vị của người Nam không chỉ có vị ngọt đến ngọt ngây, ngọt gắt của những món chè rưới đẫm nước cốt dừa béo ngậy, mà khi ăn chua họ cũng nêm gia vị chua đến nhăn mặt, còn đắng thì đắng như mật. Thậm chí món ăn cũng phải nóng đến “vừa thổi vừa ăn”. Sở dĩ ngày trước người miền Nam có khẩu vị như vậy bởi thời khai khẩn đất hoang họ phải làm lụng vất vả, cuộc sống cực kỳ gian nan, dữ dội. Nay khẩu vị của người Nam đã thay đổi ít nhiều, các món ăn nhạt hơn nhưng vẫn giữ lại những dấu ấn ẩm thực từ thời xưa với những món ăn như mắm kho, lẩu mắm, cá lóc nướng trui, rắn nướng lèo.
NÉT DÂN DÃ CỦA ẨM THỰC MIỀN NAM
(Ảnh: Internet)
Một số món ăn miền Nam có cách chế biến đơn giản, sử dụng nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên như cá nướng trui, gà nướng đất sét, vịt nướng đất, mắm kho, mắm sống… Cá bắt được đem nướng trui tại chỗ, ăn cùng với các loại rau dại có sẵn và dễ tìm như điên điển, bông s.úng, đọt sen… Khi cá chín chỉ cần tách lớp vẩy bên ngoài, ngồi bờ ruộng cuốn cá với đọt sen tươi và thưởng thức. Người miền Nam rất tự nhiên trong việc thưởng thức món ăn. Họ có thể dọn cơm và ăn ngay trên sàn nhà, tuy nhiên vẫn bày biện mâm cơm ở nơi trang trọng mỗi khi có khách đến nhà chơi, nhằm thể hiện sự hiếu khách của gia chủ.
Tuy người miền Nam luôn chấp nhận rộng rãi những văn hóa ẩm thực của các mảnh đất khác, nhưng họ vẫn giữ dấu ấn riêng với nét dân dã đặc trưng trong văn hóa ẩm thực miền Nam của mình.
Loạt món ăn đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến miền Tây
Miền Tây không chỉ được biết đến với vẻ đẹp sông nước hữu tình mà còn bởi những món ăn ngon đặc trưng níu chân du khách.
Đến miền Tây mùa nước nổi thực khách không thể bỏ lỡ món lẩu cá linh bông điên điển. Tháng 9-11, cá linh xuất hiện nhiều, bông điên điển cũng nở rộ khắp ven sông, cũng vì thế mà lẩu cá linh ngon nhất vào thời điểm này. Ảnh: Vulcdaika.
Cá linh tươi được làm sạch, ướp gia vị đậm đà. Nồi lẩu thêm hấp dẫn nhờ có nước dừa tươi, chút me chua dậy vị. Một số nơi còn có thêm ngò gai và tỏi phi trong nước dùng. Cá linh không được nấu cùng nước lẩu từ đầu vì cá mau chín. Món lẩu này có hương vị và màu đặc trưng nhờ sắc vàng của bông điên điển. Ảnh: Vulcdaika.
Cá lóc nướng trui là món ăn dân dã nhưng vô cùng hấp dẫn. Cá lóc được bắt từ sông lên, rửa sạch, um rơm nướng. Sau khi cá đã chín, đến giai đoạn thưởng thức món cá lóc nướng trui thơm ngon. Phủi sạch tro rơm trên thân cá, rồi cho cá vào mâm hoặc mẹt lớn, rẽ thân cá làm đôi theo dọc sống lưng cá. Ảnh: Hoai.duy.
Cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng tỏa ra từ vây cá, từng thớ thịt xen lẫn mùi hơi khen khét của da cá nướng. Cá nướng được ăn kèm rau sống cuốn bánh tráng, thêm mắm tỏi ớt chanh. Ảnh: Tomboy_superman.158.
Lẩu mắm: Lẩu có nước dùng được nấu từ những loại mắm đặc sản của Tây Nam Bộ gồm mắm sặc, mắm linh. Lẩu mắm thêm dậy vị hơn nhờ các loại rau như điên điển, rau đắng, thèo nèo, hoa so đũa… Đồ nhúng lẩu còn có cà tím, đậu bắp, các loại hải sản tươi, thịt và bún. Lẩu có vị đậm đà, hương thơm quyện vị của sả và mùi mắm đặc trưng. Ảnh: Tyty313foodies, Homnay_tuiangi.
Bánh xèo bông điên điển là đặc sản của miền Tây mùa nước nổi. Bánh được làm từ gạo xay nhuyễn cùng nước cốt bột nghệ để có màu vàng đẹp mắt. Bánh xèo thơm mùi dừa, kết hợp cùng vị bùi từ bông điên điển đã tạo ra món ăn thơm ngon. Thêm vào đó là sự hòa trộn ăn ý với vị ngọt từ tôm, thịt, vị thanh mát từ củ sắn, vị chát nhẹ từ rau rừng tất cả đã làm nên nét đặc trưng riêng cho món bánh xèo của người miền Tây. Ảnh: Quynhu.joyn, C_u_a194.
Bánh tằm bì là món ngon được nhiều thực khách ưa chuộng khi đến miền Tây. Ngoài sợi bánh tằm, bì trộn nạc, thính là thành phần không thể thiếu của món ăn, góp thêm độ bùi bùi, giòn sựt, hài hòa với vị ngọt nước cốt dừa, vị mặn nước mắm pha… Ảnh: Cooky.vn.