Về miền Tây mà chưa thưởng thức bún cá (thường được gọi chung là bún nước lèo) là bạn đã bỏ qua hương vị “nhất phẩm” miệt đồng xứ lúa.
Bạn đang đọc: Ngải bún – bí ẩn của hương vị bún cá miền Tây
Nếu Kinh Bắc có món phở, Kinh kỳ có bún bò Huế, thì bún cá miền Tây dù “t.uổi đời” còn non trẻ như chính vùng đất khai sinh ra nó, nhưng cũng không kém cạnh các bậc đàn anh đàn chị về hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nét độc đáo của bún cá nằm ở sự “biến hóa” phong phú theo dòng chảy con sông Cửu Long: đến mỗi vùng miền, bún cá lại chuyển đổi hương vị, khoác lên mình một cái tên mới, đậm chất địa phương: bún kèn/bún cá Châu Đốc, bún nước lèo Trà Vinh, bún mắm Sóc Trăng,…
Nguyên liệu chính của bún cá là cá lóc, cá rô đồng hoặc mắm cá, nhưng hương vị thật sự làm nên nét riêng của từng món bún cá lại là từ củ ngải bún – một loại gia vị đặc trưng chỉ có ở miền Tây.
Củ ngải bún
Củ ngải bún còn gọi là ngải hẹ, tên khoa học là auttum crosscus, có nguồn gốc từ Campuchia. Ngải bún mọc hoang trong những khu rừng ở Seam Reap, Battambang… Người Việt ở các tỉnh miền Tây Nam bộ sang Campuchia lập nghiệp đã mang củ ngải bún về trồng ở Việt Nam cách đây khỏang 45 năm. Ngải bún dùng để nấu bún nước lèo (num-chóc) và món kèn dừa (xăm-lo bờ-hơ), hai món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của những gia đình người Việt từng cư ngụ tại Campuchia, hiện đang sống rải rác khắp các tỉnh Nam bộ.
Ngải bún được trồng bằng củ vào đầu mùa mưa ở miền Nam, khoảng đầu tháng 5 dương lịch. Đất trồng phải tơi xốp, không úng nước, thường là đất đen pha sỏi nhỏ. Lá ngải bún là lá đơn dài, hình lưỡi mác, giống lá nghệ, nhưng nhỏ hơn. Cây ngải bún không có hoa, phát triển nhiều ở phần củ. Trồng khoảng 5 – 6 tháng, đến cuối mùa mưa, sau khi phần lá lụi tàn, là lúc người ta thu hoạch củ ngải bún. Ngải bún có hương thơm dìu dịu, vị ngai ngái, gợi nhớ đến hương vị của đất đai, núi rừng hoang dã.
Điều thật sự khác biệt của món bún cá chính là hương vị thanh đạm (do nước dùng nấu từ cá), món ăn không chứa nhiều dầu mỡ và chất béo như các loại bún mì nấu từ thịt. Bên cạnh đó, rau xanh dùng kèm lại rất phong phú và đa dạng. Chỉ bấy nhiêu là đã đủ “lập danh” cho bún cá miền Tây!
Theo Công An Tp
Bún cá miền Tây – đậm đà hương vị đồng quê
Miền Tây nơi văn hóa sông nước in sâu vào trong từng hơi thở của những con người chân chất, mộc mạc, lại có nền văn hóa ẩm thực vô cùng đặc trưng. Đã về đây, dường như không ai bỏ qua một hương vị đậm đà, mê lòng người như món bún cá.
Tìm hiểu thêm: 10 món ăn nhất định phải thử khi đến Thái Lan
Bao nhiêu năm rồi cho dù xã hội đã phát triển hơn , nhiều của ngon vật lạ hơn, nhưng vẫn cứ vị ấy, chất ây, bún cá đậm đà hương sắc ruộng đồng, vẫn thu hút rất nhiều thực khách. Mặc dù chỉ là một món ăn đơn giản, nhưng bún cá đã trở nên quen thuộc và thực sự không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của những con người quanh năm gắn bó với sông nước miệt vườn. Đây là món quà bình dân mà người ta có thể ăn ở mọi chỗ, mọi nơi và bất cứ lúc nào. Bún cá có từ những gánh hàng rong nơi vỉa hè đến những quán cóc trên khắp các ngõ phố hay trong những nhà hàng lịch sự. Tuy nhiên, người dân miền Tây có thói quen ưa thích hàng rong nên bún cá xuất hiện trên các vỉa hè vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Để có được một nồi bún cá ngon, người ta phải trải qua nhiều công đoạn, thường bắt đầu từ khâu chọn cá. Cá nấu bún là loại cá lóc đồng thì thịt mới săn chắc và ít tanh. Sau khi làm sạch, cá được cho vào nồi nước đang sôi, luộc chín, vớt ra, để nguội. Sau đó cá được lột bỏ da, bỏ xương, róc thịt thành từng miếng vừa ăn, giữ lại nước luộc cá để riêng. Dùng một chiếc nồi khác để phi hành tỏi vừa vàng tới cho bột cà ri, đinh hương, quế, và thịt cá đã róc vào xào, nêm thêm gia vị, đảo đều để thịt cá được thấm. Tiếp theo cho nước luộc cá vào nồi, thêm nước cốt dừa, rải thêm một ít bột ớt cho những ai thích ăn cay. Điểm đặc trưng làm nên cốt cách của bún cá hẳn nhiên là nước dùng. Bún cá ở miền Tây rất khác với các loại bún ở các nơi khác, do sử dụng loại gia vị đặc trưng là ngãi bún, góp phần làm cho bún cá có một phong vị rất riêng không lẫn vào đâu được.
Người ta thường ăn bún cá kèm theo các loại rau, như rau muống chẻ nhỏ, giá đỗ, rau thơm, bắp chuối, dưa leo. Ăn bún cá, thực khách cảm thấy vị ngọt đậm đà của cá lóc đồng, chất cay nồng của ớt, vị thơm bùi của nước cốt dừa, vị thơm , mát của các loại rau ăn kèm, tất cả đều đậm hương vị của đồng quê, sông nước.
>>>>>Xem thêm: 11 bí quyết pha sinh tố thật ngon
Ngày nay, bún cá đã có mặt trên mọi miền tổ quốc, xuất hiện trong cả các nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, bún cá của miền Tây vẫn được thực khách ưa thích bởi cái hương vị đậm đà của đồng quê, sông nước. Phải chăng chính cái hương vị ấy đã tạo nên một nét đặc trưng của nền văn hóa ẩm thực nơi đây.
Theo Tạp Chí Ẩm Thực