Cùng tiếp tục khám phá những loại đồ uống được yêu thích ở Hàn Quốc bạn nhé!
Ngoài những loại rượu và trà ở Hàn Quốc mà chúng tớ đã kể tuần trước vẫn còn rất nhiều loại đồ uống khác được người dân xứ sở kim chi cực kỳ yêu thích đấy các bạn ạ!
Có rất nhiều loại trà truyền thống khác nhau ở Hàn Quốc.
Một loại trà khá phổ biến ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đó chính là trà mận. Đây là loại trà có tác dụng đặc biệt trong việc chữa bệnh khó tiêu. Trái mận để dùng làm loại trà này này có tên gọi là maesil – trong tiếng Nhật được gọi là ume – đây cũng là loại mận phổ biến ở khắp khu vực Đông Á. Trà mận Hàn Quốc được chế biến bằng cách ủ mận lên men cùng với đường và các sirô maesil. Trà mận thường được chế biến chủ yếu vào mùa hè, tuy nhiên nếu ủ lên men mận quá lâu thì trà mận sẽ trở thành rượu mận và mang một hương vị hoàn toàn khác – loại rượu này được biết đến với tên gọi là maesil-ju. Ở Hàn Quốc, Sukara ở Hongdae là một trong những nhà hàng có trà mận ngon và nổi tiếng nhất bởi họ có rất nhiều cách pha chế thú vị khác nhau.
Trà mận được yêu thích ở các nước khu vực Đông Á.
Tiếp đến phải kể đến trà ngô – một trong những sự lựa chọn thường ngày của các ngôi sao ở Hàn Quốc. Bằng chứng là nam diễn viên Hyun Bin trước khi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng đã thưởng thức trà ngô. Trà ngô được chế biến chủ yếu từ râu ngô, các hạt ngô khô (hoặc rang) và nó mang hương vị khá lạ. Ở Hàn Quốc, trà ngô được coi là một thứ đồ uống cực hữu ích, đặc biệt là cho phái nữ vì nhiều người tin rằng nó có tác dụng mang lại một khuôn mặt thon gọn hình chữ V hoàn hảo.
Người Hàn Quốc tin rằng trà ngô có tác dụng mang lại một khuôn mặt thon gọn hình chữ V hoàn hảo cho những ai thưởng thức nó.
Trà lúa mạch là một trong những thức uống nổi bật ở Châu Á, bạn có thể tìm thấy các biến thể của trà lúa mạch rang ở Trung Quốc cũng như Nhật Bản. Ở Hàn Quốc cũng vậy, trà lúa mạch được uống quanh năm và có tác dụng bổ mát, trẻ hóa. Bên cạnh trà lúa mạch nguyên chất còn có trà lúa mạch bầu trời – một phiên bản sản xuất hàng loạt của loại trà này – được chế biến từ hạt giống lúa mạch rang trộn với ngô, bánh gạo nâu, rau diếp tạo nên một hương vị vô cùng mới mẻ.
Trà lúa mạch được chế biến từ hạt giống lúa mạch rang trộn với ngô, bánh gạo nâu, rau diếp tạo nên một hương vị vô cùng mới mẻ.
Sungnyung là loại đồ uống khá lạ dường như chỉ có ở Hàn Quốc. Trước khi có sự ra đời của bạc niken và những chiếc nồi chống dính hay nồi cơm điện, người Hàn Quốc thường nấu cơm trong vạc sắt nặng. Sau khi nấu cơm trong những vạc sắt (hoặc bát đá nóng), sẽ có một lớp vỏ gạo cháy (gọi là nurungji) dính vào đáy cứng, giòn và ngon (người Việt Nam vẫn hay gọi là “cháy” cơm). Để làm sạch vạc, người Hàn Quốc đổ nước hoặc trà lúa mạch vào nồi, thứ nước này giúp làm bong lớp cơm cháy dưới đáy nồi và tạo thành một thứ nước uống bổ dưỡng khá phổ biến ở xứ sở kim chi cho tới ngày nay. Thứ đồ uống này rất ấm áp, giàu tinh bột và còn có công dụng giúp làm sạch miệng. Bởi vậy, ở Hàn Quốc, có rất nhiều nhà hàng chuẩn bị sẵn sungnyung cho thực khách sau mỗi bữa ăn.
Sungnyung – thức uống độc đáo được pha chế từ nước (hoặc trà lúa mạch) với cháy cơm.
Được biết đến với tên gọi “giọt nước mắt của Job” trong tiếng Anh, yulmu là thứ đồ uống chế biến từ những hạt ngũ cốc – thường là các loại hạt nhỏ với lớp vỏ cứng, có hình dạng như giọt nước mắt và chỉ bé như hạt đậu. Vỏ hạt thường được dùng làm đồ trang sức, vòng đeo tay, chuỗi hạt Mân Côi. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, ngũ cốc thường ở dạng bột và được chế biến cùng với quả óc chó, hạnh nhân và các loại hạt khác. Với hàm lượng protein cao, yulmu được coi là một lựa chọn hoàn hảo hơn một tách cà phê vào buổi sáng ở Hàn Quốc.
Yulmu – thứ đồ uống với tên gọi “giọt nước mắt của Job”.
Một bát sikye ngọt lạnh sẽ làm dịu cơn khát và khiến bạn cảm thấy sáng khoái hơn.
Một trong những thức uống truyền thống của Hàn Quốc phải kể đến sikye – loại đồ uống được chế biến từ mạch nha, cơm nguội và được xem như “món tráng miệng” sau mỗi bữa ăn. Tại các nhà hàng hay bất cứ quán cà phê nào, bạn cũng có thể tìm thấy một bát sikye ngọt mát lạnh. Tuy nhiên, người Hàn Quốc cho rằng thời điểm thích hợp nhất để uống sikye là sau khi vừa rời khỏi phòng tắm hơi, bởi nó sẽ làm dịu cơn khát của bạn và khiến cho bạn cảm thấy sảng khoái hơn rất nhiều.
Misutgaru – sự pha trộn kỳ diệu từ các loại bột ngũ cốc với mật ong (hoặc đường).
Misutgaru là đồ uống được trộn từ các loại bột ngũ cốc rang với vị ngọt được pha chế từ mật ong hoặc đường. Số lượng các loại ngũ cốc, đậu và các loại hạt khác nhau phụ thuộc vào thương hiệu, nhưng các thành phần chủ yếu được yêu thích nhiều nhất và có lợi cho sức khỏe gồm lúa mạch, gạo (nếp và tẻ đen, nâu, trắng), kê, đậu nành, hạt mè. Với hàm lượng protein cao, misutgaru là một trong số những loại đồ uống tốt cho sức khỏe và đem đến cho bạn nhiều dinh dưỡng từ ngũ cốc. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn thử pha trộn misutgaru cùng với một chút rượu, sữa, mật ong và đá, vị ngon của hỗn hợp này sẽ “quyễn rũ” bất kỳ ai một lần đã thưởng thức nó!
Sujeonggwa mang hương vị mùa thu đặc trưng của Hàn Quốc.
Trong những loại thức uống tráng miệng quen thuộc được yêu thích ở Hàn Quốc, không thể không kể đến sujeonggwa. Đây là loại đồ uống được chế biến từ gừng, quế cùng với mật ong, đường nâu và quả hồng khô. Sujeonggwa mang đến cho người thưởng thức một hương vị rất đặc biệt – hương vị của mùa thu. Mỗi tách sujeonggwa đều được rải những hạt thông nhỏ trang trí xung quanh càng khiến cho chúng trở nên hấp dẫn hơn.
Xứ sở kim chi có một nền văn hóa ẩm thực lâu đời và thật hấp dẫn phải không các bạn? Nếu có cơ hội, bạn hãy tự mình khám phá và cảm nhận vị ngon của những đồ uống này nhé!
Theo PLXH
Những đồ uống được yêu thích nhất ở Hàn Quốc (Phần 1)
Ở Hàn Quốc, đồ uống truyền thống chủ yếu được chia làm hai loại: có cồn và không cồn. Đồ uống có cồn dường như thể hiện lịch sử lâu đời gắn bó với nghề làm rượu của người Hàn Quốc, họ có rất nhiều các loại rượu truyền thống khác nhau được xếp vào nhóm này. Bên cạnh đó, có gần 200 loại trà truyền thống, nước trái cây và đồ uống ngũ cốc kết hợp nằm trong nhóm thứ hai, được gọi là eumcheongnyu.
Có khoảng 20 loại đồ uống được yêu thích nhất tại Hàn Quốc.
Theo như khảo sát và thống kê của trang CNN Go thì có khoảng 20 loại đồ uống khác nhau ở Hàn Quốc được bình chọn là ngon nhất, thú vị nhất và gắn bó nhiều nhất đối với người dân dân xứ sở Kim Chi đấy các bạn ạ.
Bokbunjaju là loại đồ uống được kể đến đầu tiên trong danh sách này. Bokbunjaju được làm từ quả mâm xôi đen của Hàn Quốc và để lên men từ những quả mọng nước. Đây là loại đồ uống lên men với màu đỏ nâu và hương vị ngọt, mọng. Màu đỏ nâu đậm của nó khiến người ta thường hay nói đùa với nhau rằng “sau khi bạn uống thử một ngụm bokbunja thì bạn sẽ có một màu son mới tuyệt đẹp”.
Bokbunjaju được làm từ quả mâm xôi đen để lên men.
Tiếp đến là một loại đồ uống không có cồn nhưng lại được cho rằng có khả năng gây nghiện đối với bất cứ ai uống thử nó một lần. Đối với nhiều người Hàn Quốc, sữa chuối là loại đồ uống gợi lại những ký ức thời thơ ấu. Và nếu bạn thử nó, bạn sẽ hiểu lý do tại sao: bởi nó đơn giản mang đến cho bạn một cảm giác nhẹ nhàng với vị ngọt dịu.
Thương hiệu sữa chuối ở Hàn Quốc được biết đến nhiều nhất là Binggrae xuất hiện từ những năm 1974. Trong những năm gần đây, các cô nàng của SNSD và Lee Min Ho chính là những ngôi sao đại diện quảng cáo cho nhãn hiệu sữa chuối này đấy các bạn ạ!
Người Hàn Quốc thật sự tin rằng sữa chuối sẽ làm cho bạn cảm thấy thư thái và hạnh phúc hơn.
Một nhãn hiệu sữa chuối nổi tiếng được quảng cáo bởi các cô nàng SNSD.
Nhắc đến đồ uống của Hàn Quốc thì không thể không kể đến rượu soju, những chai rượu màu xanh lá cây có mặt ở khắp mọi nơi, từ những quán ăn ven đường cho đến những nhà hàng lớn hay bất cứ một siêu thị nào ở Hàn Quốc.
Mỗi khi uống soju, người Hàn Quốc thường nói “!” (one shot!) – có nghĩa là “cạn chén”.
Với hương vị cay nhẹ, ở Hàn Quốc soju dường như đã trở thành thức uống không thể thiếu khi ăn đồ nướng hay bất cứ món cay nóng nào của xứ sở này. Đặc biệt là soju được coi là thức uống thể hiện sự chu đáo và tình bạn thân thiết giữa những người thưởng rượu cùng nhau, bởi bạn cần phải rót rượu bằng cả hai tay, giữ ly của mình ngay dưới vành ly của cấp trên và cần quay đầu đi khi uống.
Loại đồ uống thứ 4 trong danh sách này là trà omija, có nghĩa là “năm hương vị berry”. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi khi uống omija bạn có thể cảm nhận được năm hương vị: ngọt, chua, mặn, đắng và cay của trái berry. Tại Hàn Quốc, trái berry thường được dùng để chế biến thành trà cùng với mật ong, cánh hoa và bột đậu xanh.
Trà omija đem đến năm hương vị: ngọt, chua, mặn, đắng và cay của trái berry khi thưởng thức.
Omija được người Hàn Quốc sử dụng khá thường xuyên bởi nó có tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với bệnh cảm lạnh hay một số bệnh hô hấp khác. Trong y học cổ truyền Hàn Quốc, omija còn có ý nghĩa là “khôi phục lá gan của bạn”. Nếu có dịp ghé qua Hàn Quốc, bạn hãy thử tới Gamhwadang – một trong những cửa hàng trà lâu đời ở Hàn Quốc – để thưởng thức món trà này nhé!
Một trong những loại rượu lâu đời nhất tại Hàn Quốc là makgeolli. Không giống như rượu soju, makgeolli không được lọc mà để nguyên màu trắng sữa và thậm chí có cả những cặn gạo đọng lại dưới mỗi bát rượu. Thay vì vị cay nhẹ của soju, makgeolli mang đến cho người thưởng rượu một cảm giác ngọt ngào và mượt mà. Rượu makgeolli ngon nhất khi nó được làm bằng phương pháp truyền thống (làm bằng tay) và từ nguyên liệu thuần túy đó chính là gạo. Hãy tận hưởng makgeolli với bánh hành pajeon ( ) hoặc bánh đậu xanh bindaetteok ( ) của Hàn Quốc, bạn sẽ thật sự cảm thấy thật tuyệt vời!
Makgeolli – loại rượu gạo lâu đời nhất ở Hàn Quốc.
Ngày nay, giới trẻ còn chuộng sử dụng makgeolli để chế biến một số loại cocktail với vị lạ như trộn với trái cây hoặc pha cùng với Chilsung Cider (một phiên bản của Sprite của Hàn Quốc).
Một loại rượu thảo mộc khác cũng rất được yêu thích tại Hàn Quốc đó chính là beakseju – loại rượu được làm từ gạo và một số rễ cây, cùng các loại thảo dược khác nhau, đặc biệt là nhân sâm. Tùy thuộc vào các loại beakseju mà người ta sẽ pha các chất thơm khác nhau như wolfberry và cam thảo.
Beakseju – “loại rượu 100 năm”.
Nếu như người Hàn Quốc mọi lứa t.uổi đều yêu thích soju thì baekseju đặc biệt được ưa chuộng bởi những “ông chú” tầm trung niên, bởi họ quan niệm rằng uống baeksoju bạn sẽ sống được 100 năm t.uổi như tên gọi của loại rượu này – “rượu 100 năm”.
Trà yooja (trà citron) có nguồn gốc ở Hàn Quốc nhưng từ lâu đã trở thành một thành phần phổ biến trên các thực đơn của các nhà hàng ở Hoa Kỳ. Được làm từ nhiều loại trái cây khác nhau, trà yooja có hương vị chua cay gần giống như hương của vỏ quýt. Một số nơi chế biến trà yooja từ mận xanh Hàn Quốc cùng với mật ong và đường tạo nên những hương vị khác nhau không kém phần hấp dẫn.
Đặc biệt trà yooja mật ong được coi là một phương thuốc thảo dược trị các bệnh cảm lạnh và những bệnh của mùa đông. Thậm chí, bạn có thể tự tạo ra trà yooja chỉ với một muỗng si-rô trái cây cùng với nước ấm nóng. Sự đơn giản của loại trà này lại càng làm nó trở nên phổ biến và được yêu thích nhiều hơn.
Hương vị chua cay với mùi hương trái cây phảng phất trên mỗi ly trà yooja.
Trà hoa cúc là một loại trà phổ biến ở nhiều nước châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Những bông hoa cúc màu trắng và màu vàng được sấy khô và được ủ ngập trong mật ong khoảng một tháng và sau đó pha như trà. Một tách trà hoa cúc với hương thơm dịu ngọt, nhẹ nhàng, tinh tế cùng những cánh hoa cúc thả trôi trong tách trà đem lại cho người uống một cảm giác thư thái và dễ chịu vô cùng. Người ta nói rằng trà hoa cúc có thể giúp bạn tránh bị cảm lạnh trong những tháng mùa đông và cũng giảm bớt bệnh tăng áp huyết.
Một tách trà với những cánh hoa cúc thả trôi có vị dịu ngọt, nhẹ nhàng và tinh tế vô cùng.
Daechu cũng là một trong số những loại trà rất phổ biến ở Hàn Quốc.
Trà daechu (táo tàu khô) thường là sự lựa chọn số một khi bạn thưởng thức cùng với gà hầm, hay thậm chí là bánh gạo. Món trà này có màu đỏ nâu nhạt, vị hơi mặn và sâu. Đây là loại rất tốt cho những người bị bệnh thiếu m.áu và có tác dụng đặc biệt hơn nữa đó là chữa chứng bệnh trầm cảm. Daechu là một trong những loại trà truyền thống của người Hàn Quốc nên bạn có thể tìm thấy chúng ở nhiều cửa hàng trà Hàn Quốc hoặc thậm chí là những gói trà có sẵn được bán tại các siêu thị.
(Còn nữa)
Theo PLXH