Đất Quảng Nam có những món ngon nổi tiếng châu Á như mì Quảng, cao lầu, hoành thánh bê thui Cầu Mống nhưng cũng có những món đậm chất dân dã như cá chuồn kho mít non, bánh tráng đ.ập…
Mì Quảng
“Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng”
Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Nước nhưng dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng. Mì Quảng truyền thống thì nguyên liệu chính là tôm tự nhiên và thịt heo tươi. Nếu là mì gà hoặc mì cá lóc, thì nguyên liệu phải được thái vừa phải, tách xương riêng để nấu nước dùng, ướp thịt và nấu như mì truyền thống.
Rau dùng cho Mì Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau Trà Quế gồm cải con (tức là cải vừa nhú mầm), rau húng lủi, rau quế xanh (chứ không phải loại quế cọng đỏ dùng cho phở), xà lách, và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng. ngoài ra còn có các loại phụ liệu không thể thiếu là hành lá, ớt xanh, bánh tráng gạo mè, chanh, nước mắm ớt được làm từ cá cơm (dùng để nêm thêm cho vừa khẩu vị của từng người) và đậu phụng rang giã nhỏ.
Mì Quảng là một món ăn đặc trưng và phổ biến bậc nhất ở Quảng Nam. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Quảng Nam là không bán mì Quảng. Nhưng có một điều đặc biệt là: có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé tới giờ chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn chưa có người Quảng nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia.
Hoành thánh
Hoành thánh được chế biến với nhiều biến tấu khác nhau như hoành thánh chiên, hoành thánh súp, hoành thánh mì, song hoành thánh chiên dường như là món ăn yêu thích nhất của đa số thực khách khi chọn làm món khai vị cùng với nem, chả.
Nếu hoành thánh súp mang đến hương vị ngọt thanh, hoành thánh mì đem lại cảm giác mới lạ bởi một ít mì sợi hòa quyện cùng chút sa tế, vài tép mỡ rán vàng nằm ngay ngắn trong tô, thì hoành thánh chiên gây thích thú cho thực khách bởi vị giòn, béo ngậy của vỏ bánh cùng nước sốt đậm đà. Vị giòn rụm của vỏ bánh quyện cùng với sốt chua cay từ tôm, thịt xá xíu và rau củ giòn sần sật sẽ khiến bạn khó thể chối từ.
Cao lầu
Song hành cùng hoành thánh, cao lầu xứng đáng là món ăn đem lại dư vị hoàn hảo cho thực khách khi đến thăm Hội An. Cao lầu không phải là món bún, cũng chẳng giống món phở. Dù có một vài nét tương đồng với mì Quảng, nhưng cao lầu lại được chế biến công phu hơn nhiều. Để sợi mì được vàng và ngon, người ta phải dùng loại tro nấu từ Cù Lao Chàm ngâm gạo thì mới tạo được độ giòn, dẻo khô đặc trưng. Nước xay gạo phải là nước giếng Bá Lễ, một giếng nước rất nổi tiếng về độ không phèn, nước mát lạnh.
Cao lầu không cần nước lèo, nhưng ngon hay không phần nhiều phụ thuộc vào nước xíu (được chế biến từ thịt heo đùi).
Miếng cao lầu khô được cắt thành hình vuông và chiên giòn. Vị giòn rụm của miếng cao lầu chiên khiến cho tô cao lầu trở nên vô cùng cuốn hút. Người ta thường ăn cao lầu với giá trần nước sôi, rau sống và ớt xanh.
Gà tre nướng
Muốn thưởng thức gà ngon đúng điệu phải tìm về với chân đèo Le ở vùng đất Quế Sơn.
Các món được chế biến từ gà tre đèo Le rất đa dạng, từ nướng, hấp hành, rô ti đến luộc… nhưng thơm ngon và dậy vị nhất chính là món gà nướng.
Gà được chế biến để nguyên con, bên dưới là rau răm để trộn với thịt, bên trên là hành tím đ.ập dập và lá chanh xắt nhỏ. Mới chỉ ngửi thôi đã ứa cả nước miếng rồi.
Ăn gà đèo Le là phải ăn bằng tay mới ngon vậy nên ở đây người ta phục vụ món ăn theo phong cách “tự xử”. Thực khách sẽ tự cắt thịt rồi trộn với rau răm.
Gà đèo Le được nuôi thả tự nhiên chứ không nhốt trong chuồng nên thịt gà chắc, ngọt nhưng vẫn rất mềm. Thịt gà sau khi chế biến có thể nhai được cả xương, ăn kèm muối tiêu, ớt xiêm thơm mà cay đúng chất Quảng Nam.
Đặc biệt, gà được chế biến bằng nước ngầm của suối nước Mát nên lại càng ngon ngọt hơn.
Bê thui Cầu Mống
Một trong những đặc sản ở Quảng Nam xếp ngang hàng với mì Quảng là bê thui Cầu Mống. Muốn thưởng thức bê thui Cầu Mống chính hiệu thì phải đến với mảnh đất Điện Bàn.
Quả thật không ở đâu có thể sánh kịp với bê thui ở Cầu Mống (Điện Phương, Điện Bàn). Cái vị bê tái ngòn ngọt, dai dai, bùi bùi, thịt màu hồng đào bắt mắt, da giòn rùm rụm, hay chén mắm cái thơm lừng, cay nồng của ớt, âm ấm của gừng làm “ngây ngất” vị giác của thực khách.
Nếu như ở miền Bắc món bê thui chỉ được phục vụ cùng với vài lát khế và bát nước tương thì ở Cầu Mống bê thui lại trở nên đặc biệt hơn bởi những gia vị ăn kèm.
Bê được chọn vừa đủ lớn để thịt không nhão. Thịt bê thui xong phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm nhưng không khô, không dai và không có mùi khói. Mắm phải từ loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất. Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Những miếng chuối chát cùng nộm đu đủ chua chua, ngọt ngọt sẽ làm món bê thui đượm vị và bớt ngấy hơn.
Cá chuồn kho mít non
Mỗi khi hè về, mít non và cá chuồn lại thường xuyên ‘hẹn hò’ trên mâm cơm của người Quảng Nam. Cá chuồn vừa ngon vừa rẻ lại có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau từ kho, chiên tới nấu canh thậm chí là ăn gỏi. Trong đó cá chuồn kho mít non là một trong những món ngon mà dân dã.
Cá chuồn phải chọn con tươi vừa mang từ biển về. Mủ mít non vừa có thể khử mùi tanh của cá chuồn lại vừa làm thịt cá thơm bùi hơn. Mít non đã được luộc chín và xắt miếng vuông cỡ bao diêm. Cá chuồn sau khi làm sạch ruột được ướp với củ nén đ.ập dập, nghệ tươi, hành tím, ớt trái, hạt nêm, tiêu, nước mắm. Ướp khoảng 10 phút rồi đổ nước vừa ngập cá, kho đến khi cá vừa thấm thì cho mít non vào.
Sau cùng chỉ cần đun lửa liu riu để nước kho cá ngấm vào miếng mít.
Cháo lươn xanh
Có dịp đến làng Bình Định, Thăng Bình (Quảng Nam), du khách có lẽ khó cầm lòng với món đặc sản dân dã từ bao đời nay: cháo lươn xanh hay còn gọi là cháo lươn gạo si.
Vì ăn cháo lươn với cải xanh nên người dân ở đây gọi là cháo lươn xanh. Món lươn xanh được nấu bằng gạo si, một giống lúa địa phương có từ rất xa xưa, dẻo, thơm và có vị ngọt bùi rất riêng.
Khi ăn, người xứ Quảng có hai cách. Có người bỏ luôn một lần cải và các lọai rau, bánh tráng bẻ nhỏ vào tô cháo vừa thổi vừa xúc từng thìa đưa vào miệng xuýt xoa. Số khác thong thả bỏ từng cọng cải xanh vào từng thìa cháo để thấy vị cau cau của cải xanh, vị bùi của đậu, vị béo mà thơm nồng của lươn, vị ngọt dịu thoang thoảng mùi hương của cây lúa quê nhà. Nhưng tất cả đều ăn nóng và thỉnh thoảng lại cắn một miếng trái ớt xanh làm cho ai nấy ngồi gần thấy mà thèm muốn ăn.
Bánh tổ
Trong những món ăn chơi ngày tết của người Quảng Nam và cả trên các mâm lễ dâng gia tiên ngày tết cổ truyền, không thể thiếu bánh tổ.
Bánh tổ còn lấy tên từ chính “ngoại hình” của bánh. Không ai gọi là cái bánh tổ, mà gọi là ổ bánh tổ. Nhìn bề ngoài bánh trông như một chiếc bát, được bọc bằng lớp lá chuối dày dặn. Bánh có màu trắng, ngà, cà phê sữa, hay “đen như cục đường bát” tùy vào loại và lượng đường dùng làm nguyên liệu chế biến. Bên trên phủ một lớp mè (vừng). Cầm ổ bánh tổ lên, khứu giác còn cảm nhận được mùi gừng thơm lừng quện trong hương vị bánh. Bánh tổ có thể để được lâu, ăn dần dà cả tháng.
Mít hông
Đĩa mít hông có đậu phộng rang giã dập, dừa nạo, dầu phộng đã phi thơm… Chỉ đơn giản thế thôi nhưng món này lại có sức hút đến kì lạ, khiến thực khách “một lần đến nhiều lần quay lại”.
Những múi mít được dùng để làm mít hông phải là những múi mít có màu vàng ngà ngon mắt của những quả mít già “đúng độ”. Công đoạn quyết định mùi vị của món mít hông chính là khâu làm nhân. Mỗi quán sẽ có một bí quyết riêng để tạo ra hương vị đặc trưng giữ chân khách.
Múi mít hông ăn lúc nóng bốc hơi thơm lừng nơi mũi, khi nhai vị ngọt hòa quyện lan tỏa cùng vị béo bùi của dừa của đậu phộng thật là đáng nhớ! Nếu có dịp tới Tam Kỳ, bạn đừng quên thưởng thức món mít hông đậm đà hương vị này nhé
Xương rồng
Cây xương rồng là món ăn khá phổ biến và có thể coi là đặc sản của Quảng Nam. Món ăn này có nguyên liệu dễ tìm, hấp dẫn bởi hương vị độc đáo và cách chế biến không quá cầu kỳ.
Trước khi chế biến, xương rồng cần phải sơ chế bằng cách gọt bỏ phần gai bên ngoài cùng lớp màng xanh, sau đó thái mỏng rồi đem luộc sơ cho bớt nhớt, tới khi những miếng xương rồng chuyển sang màu vàng là được. Những miếng xương rồng này sau đó đem vắt ráo nước là có thể chế biến thành những món ăn ngon tùy thích.
Phổ biến nhất khi du khách có dịp ghé qua đất Quảng Nam chính là món xương rồng xào. Vào những ngày nắng nóng, canh chua xương rồng lại chính là món giải nhiệt hiệu quả. Ngoài ra, người dân xứ Quảng còn sáng tạo thêm một món ăn nữa khá độc đáo là món gỏi xương rồng.
Bánh canh
Bánh canh chân giò.
Người Hội An có thể nấu bánh canh với giò heo, cá tràu đồng (cá lóc) hay với tôm cua, chả cá… nhưng tất cả đều bắt đầu từ sợi bánh. Những sợi bánh trong veo, chế biến từ hạt gạo dẻo thơm, châu ngọc của đời. Phải là gạo mới đúng là bánh canh truyền thống của người miền Trung, dù là Huế, Tam Kỳ, Hội An hay Quảng Ngãi.
Bánh canh là món ăn đậm chất nhà quê. Là bánh nên khi thưởng thức phải cảm nhận được cái béo bùi của sợi bánh. Là canh nên nếu thiếu cái đậm đà của nước canh thì không gọi là vừa miệng người sành điệu.
Bánh canh Hội An như một tấu khúc đa thanh ru đầu lưỡi với nhiều biến tấu dựa vào sự thay đổi, gia giảm các nguyên liệu, thêm bớt các loại gia vị cho phù hợp với từng mùa và khẩu vị của từng người ăn.
Bánh xèo
Bánh xèo cũng là món ăn truyền thống của người dân xứ Quảng. Chiếc bánh thơm phức mùi bột gạo cuốn với rau sống rồi ăn kèm với nước chấm tuy đơn giản nhưng lại gây “nghiện” cho biết bao người. Bánh xèo Quảng Nam không giòn như bánh xèo Sài Gòn mà có độ mềm nhất định. Nhân bánh cũng có phần đơn giản hơn với thịt ba chỉ và tôm đất, hoặc chỉ cần tôm đất cũng đủ làm nên chiếc bánh ngon.
Bánh xèo đất Quảng thường chỉ được cắt đôi, thậm chí nếu nhỏ còn để nguyên. Chiếc bánh thơm, mềm, nóng hổi được cuốn cùng nhiều loại rau sống nhưng không thể thiếu được lá cải xanh. Vị nhận đắng của cải vừa chống ngấy, vừa đưa đẩy khiến bánh ngon hơn. Khi ăn người ta lấy một miếng bánh cuốn cùng rau sống và bánh tráng rồi chấm với nước chấm pha từ nước mắm cá cơm, gừng và đậu phộng xay nhuyễn. Sự đơn giản này sẽ mang đến cho bạn một bữa ăn tuy dân dã mà vô cùng khó quên.
Bánh tráng đập
Bánh tráng đ.ập hay còn gọi là bánh tráng đ.ập dập là món ăn dân dã, rẻ t.iền mà người con xứ Quảng Đà nào cũng biết và ưa thích.
Tại sao có tên là bánh đ.ập, đơn giản thôi, bởi vì bánh này trước khi ăn phải đ.ập. Không phải đ.ánh đ.ập gì mà là dùng tay đ.ập lên 2 thứ bánh tráng nướng và lá mì này. Phần bánh tráng nướng khi đ.ập nhẹ lên sẽ vỡ ra và dính vào lá mì ướt… thế là bẻ miếng bánh khoảng 2 ngón tay, chấm mắm đưa vào miệng nhai vừa dòn, vừa dẻo, vừa thơm. Món này ăn ngon không chỉ nhờ bánh tráng mỏng giòn, lá mì tráng mỏng và hương thơm của dầu phộng khử quết vào mà còn nằm ở nước chấm.
Mắm nêm là thứ nước chấm dành riêng cho món ăn dân dã này. Mắm nêm phải là mắm cá cơm pha thật ngon với ớt tỏi, chanh, đường, chút dầu khử với hành phi… và phải có thêm tương ớt Hội An nữa mới đúng điệu.
Phở sắn cá lóc đồng
Về Quảng Nam các bạn đừng quên thưởng thức món ăn “phở sắn cá lóc đồng”, món ăn tuy đơn giản mộc mạc nhưng nó lại mang hương vị đặc trưng của mảnh đất xứ Quảng.
Bát phở sắn khi ăn có chút dai, bùi của sợi sắn, vị ngọt đậm đà của cá lóc đồng, vị hơi chát của chuối non, mùi thơm của các loại rau húng, tía tô lẫn trong vị cay nồng của ớt. Nhờ đó, món ăn rất đặc trưng, khó lẫn với bất kỳ loại phở nào.
Măng núi trộn
Nguyên liệu làm món ăn này đương nhiên là những búp măng to bằng cổ chân được hái ở những vùng đồi núi, sau đó bóc vỏ, chỉ còn lại lớp thân trắng ngần. Đặc điểm của măng núi là mùi rất thơm, không đắng và luộc qua nước sôi vẫn không ngả sang màu vàng.
Măng sau khi lột vỏ, người ta xắt chúng thành từng sợi mỏng, nhỏ và dài bằng ngón tay, vì nếu xắt dày một tí thì gia vị sẽ không thấm, ăn sẽ cứng, không ngon. Măng xắt xong sẽ rửa qua một lượt nước rồi thả vào nồi nước đang sôi luộc chừng 5 phút. Khi măng vừa chín thì vớt ra rổ cho ráo nước.
Điều đặc biệt ở món măng núi trộn này là không cần nước xốt, nước tương, tôm, thịt hay bất cứ thứ gì khác. Chỉ cần làm một bát nước mắm tỏi, ớt xiêm (loại ớt trái nhỏ, hạt nhiều, thường có ở vùng đồi núi Quảng Nam) thật cay nồng là đã đủ sức hấp dẫn. Để món ăn thêm mùi thơm và vị béo, lấy ít dầu phộng phi thơm với củ nén giã dập, đến khi nén ngả sang màu vàng là được.
Nem nướng
Nguyên liệu làm món ăn này chỉ đơn giản là thịt heo quê tươi ngon, đa phần là nạc chỉ cho bám thêm một chút mỡ.
Những người Quảng xa nhà, ngồi ở đâu nhậu mà nghe nhắc tới món nem này là nước miếng cứ tứa ra vì…thèm. Bởi khi có lửa than nóng rực mà bỏ nem vào chỉ có phần lá chuối cháy thơm phức, còn phần mỡ thừa thì chảy hết ra làm tăng nhiệt cho phần thịt đã lên men chín tái. Lấy tay bóc tách hết phần lá cháy, phần thịt nem chua chua, tái tái, nóng nóng nhấm nháp uống với bia mát lạnh hoặc rượu thì không còn gì thú bằng.
Món ngon xứ quảng: Cá chuồn
Là người dân xứ Quảng chắc ai cũng thuộc nằm lòng câu ca dao: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non (em) gửi xuống/ (Chớ) cá chuồn (anh) gửi lên”.
Ảnh do tác giả sưu tầm
Cá chuồn kho với mít non – món ăn kết hợp từ hai sản vật miền xuôi miền ngược đã đi vào văn học dân gian một cách giản dị như rứa đó. Về xứ Quảng, nếu ai đó may mắn một lần ăn thử mít non kho với cá chuồn mới thấy thấm thía hơn, ý vị hơn lời của câu hát để hiểu sự gắn bó thủy chung của biển với nguồn. Của cô gái miền ngược với chàng trai miền xuôi.
Khi nhắc đến món ăn này người xa quê nói về một “tiếng lòng” khác. Đó không phải là những câu thơ tuyệt tác của thi nhân mà là cao dao tục ngữ với ngôn từ giản dị được hiện ra từ lớp bụi quá khứ rồi đi vào lòng người xứ Quảng rồi lưu truyền từ đời này qua đời khác không bao giờ đứt đoạn.
Hương vị của món cá chuồn kho với mít non vẫn đậm đà khó quên trong hồn quê xứ. Dòng sông quê hương vẫn chảy… Mit non vẫn còn gửi xuống, cá chuồn cứ gửi lên. Hò ơi…hò…!
Quý anh, chị đã thưởng thức món ngon này chưa? Nếu có dịp đến với xứ Quảng, xin mời quý anh, chị hãy thưởng thức một lần. Để rồi, dù có đi xa nhưng lòng vẫn nhớ vậy mà!