Phở là một món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Phở Tráng Kìm không chỉ ngon, hấp dẫn mà còn thú vị, “lạ” trong cách chế biến rất tinh tế, khéo léo của đôi tay người miền núi.
Cao nguyên đá Hà Giang ghi dấu trong lòng du khách không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa dân tộc độc đáo mà còn bởi những món ăn vô cùng hấp dẫn.
Trong đó phải kể đến phở Tráng Kìm – đặc sản của xã Đông Hà, huyện Quản Bạ. Món phở trứ danh này là điểm tâm sáng quen thuộc của những người đi chợ phiên, du khách đến Hà Giang, đặc biệt là dân lái xe đường dài.
Bát phở Tráng Kìm Hà Giang nhiều thịt, nhiều bánh, hấp dẫn mọi du khách. (Ảnh: thu___ha_)
Tráng Kìm là một địa danh nằm trên con đường từ Quản Bạ vào Đồng Văn, giữa miền múi cao có con phố dài khoảng 100m dọc hai bên đường thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Bản làng bình yên này nổi tiếng với món phở có lịch sử khá lâu đời – phở Tráng Kìm. Món ăn nổi tiếng, không chỉ vì ngon, hấp dẫn mà còn thú vị, “lạ” trong cách chế biến rất tinh tế, khéo léo của đôi tay người miền núi.
Sợi phở Tráng Kìm được làm thủ công ở mọi công đoạn. Bột gạo được xay bằng đôi tay của những người phụ nữ. Những tảng bánh phở sau khi được tráng thủ công được phơi rải đều trên những cây nứa treo trên mái nhà cho róc.
Bánh phở được phơi rải đều trên những cây nứa treo trên mái nhà cho róc. (Ảnh: kieuhuong.nguyen)
Khách đến ăn mới lấy xuống thái. Chính vì vậy, sợi phở Tráng Kìm đã có những nét khác biệt so với những loại phở khác. Màu sắc, hương vị cùng độ dai của sợi khiến món ăn thêm ngon hơn, lạ miệng hơn.
Thoạt nhìn, tráng bánh phở cũng hơi giống như tráng bánh cuốn, cũng một xô bột, một bếp lò, một nồi tráng bánh to. Từng muôi bột được rải đều trên tấm vải căng ngang nồi nước, đậy vung cho kín, đợi một chút rồi dùng một dụng cụ tròn dài khéo léo cuộn bánh phở và gỡ ra phơi lên sào để khô một cách tự nhiên trước khi gỡ xuống và thái nhỏ bằng tay.
Bột làm bánh phở ở đây hoàn toàn được xay từ gạo trồng trên nương, không gia giảm phụ gia nên thành ra khá mềm. Nhưng nó đảm bảo, bánh phở hoàn toàn được chế biến nguyên chất từ tự nhiên.
Sợi phở Tráng Kìm đã có những nét khác biệt so với những loại phở khác. (Ảnh: thu___ha_)
Nồi nước dùng trông béo ngậy và thơm phức mùi gừng, quế, hồi, thảo quả. Thực ra là rất thơm và không dễ để nhận biết gia chủ đã cho vào những hương liệu gì nếu bạn không hỏi. Ngoài xương ống bò, lợn được ninh kỹ cho ngọt nước, thậm chí cả nước luộc gà thì chỉ có gia vị của người dân tộc ở đây mới có.
Gà trên núi thế nên, những miếng gà chắc nịch, ngọt, giòn được bà chủ lọc ra xếp vào bát, thêm tý hành hoa thái nhỏ xanh mượt, ăn kèm với tương ớt dầm cay xé lưỡi, khiến đám khách ăn một lần nhớ mãi không quên.
Đây là món điểm tâm sáng của những người đi chợ phiên và giờ đây, phở Tráng Kìm là món ăn khách du lịch đến Hà Giang không thể bỏ lỡ.
Ấm lòng bánh thắng dền Hà Giang
Bát bánh thắng dền dân dã ấm bụng, ngọt ngào cùng dăm ba câu chuyện vui vẻ, tiếng cười nói bên bếp lửa bập bùng đã xua tan cái lạnh se sắt của Hà Giang, sưởi ấm tình người, tình đời giữa sương lạnh cao nguyên đá.
Bát bánh thắng dền thơm ngon
Thắng dền được làm từ gạo nếp nương dẻo thơm. Gạo được ngâm qua đêm rồi đem xay thành bột nước, xong cho bột vào túi vải, treo lên cao cho ráo nước, đến khi bột đặc mịn, không dính tay thì đem nặn thành bánh.
Thắng dền có thể làm chay hoặc cho thêm nhân đậu xanh, đậu đỏ. Mỗi chiếc bánh thắng dền được nặn to như đầu ngón tay cái, hạt nào cũng tròn xoe và đều tăm tắp. Rồi đem luộc, đến khi thắng dền nổi lên là chín, vớt ra rồi chan nước dùng xâm xấp miệng bát.
Những viên bánh thắng dền nhỏ bằng đầu ngón tay đều tăm tắp. Ảnh. Đỗ Thảo
Nước dùng thắng dền là yếu tố quyết định vị ngon và khẳng định sự khéo léo của người làm bánh. Mỗi người phụ nữ giữ cho riêng mình một cách pha chế nước dùng. Nguyên liệu chung là nước đường, nước dừa và gừng tươi, thêm chút lạc và vừng rang, nhưng thắng dền ở mỗi bản lại có vị riêng, nhưng vị nào cũng nồng ấm và ngọt ngào níu lòng.
Điều đặc biệt là ăn đến đâu mới luộc thắng dền tới đó, nên bát thắng dền luôn nóng hổi, xoa tan mọi lạnh giá của vùng cao. Cũng vì lẽ đó, cả nhà, họ hàng thường quây quần bên bếp lửa, vừa nặn bánh, vừa đợi bánh chín vừa ăn, rất vui vẻ và ấm cúng.
Thoạt nhìn, bánh thắng dền khá giống với bánh trôi tàu của người Hà Nội
Thoạt nhìn, bát thắng dền khá giống bánh trôi tàu ở Hà Nội. Mùi thơm của gạo, của gừng cũng gợi chút thân quen. Nhưng khi thưởng thức mới thấm được nét khác biệt của loại bánh này.
Những viên thắng dền từ từ ngấm hết vị ngọt ngào của đường và nước dừa, thâm thấm vị cay se của gừng tươi, vị bùi của gạo xen cùng lạc vừng, vừa thơm vừa ngậy. Càng ăn, càng thấy ngọt mà không ngấy, thanh mà không chán.
Thứ bánh trắng trắng, tròn tròn, quen quen mà là lạ, giản dị mà tinh khiết, nóng hổi chào đón, quyến rũ. Bát thắng dền nhỏ mà đượm hơi ấm của tình người, của những điều hồn hậu, dung dị nơi miền cao nguyên đá, ấm lòng người đến say mê.