Cũng là rau muống nhưng người Hà Nội thích ăn loại rau có cọng dài, ống to thả bè. Cách ăn rau muống của người Hà Nội cầu kỳ, tinh tế tạo nên nét văn hóa ẩm thực phong cách rất riêng – đặc biệt là món được coi là thượng sách khi ăn rau muống.
Cách ăn rau muống cầu kỳ của người Hà Nội
Theo nhiều chuyên gia ẩm thực thì món ăn của người Hà Nội rất đơn giản, mộc mạc nhưng có nguyên tắc và cầu kỳ, toát lên chút phong lưu và kiểu cách… Ngay cả rau muống – thứ rau ăn quen thuộc của người Việt thì người Hà Nội cũng có phong cách ăn cầu kỳ, ngon miệng khác các vùng.
Rau muống bè chế biến món gì cũng ngon mát bổ. Ảnh minh họa.
Ví như cùng là rau muống luộc, nhiều gia đình Hà Nội luộc từng mẻ, rồi cắt ngọn riêng, thân riêng. Ngọn thì chấm với nước mắm vắt chanh, còn thân chấm với mắm tép.
Hay rau muống chẻ ăn sống (dù rau cạn hay rau ruộng đều chẻ sợi nhỏ), nhưng rau muống dải/bè mà chẻ thì trông óng ả, đẹp mắt, ăn không bị chát.
Sợi rau muống trộn lẫn hoa chuối tây (cũng thái sợi), thêm ít rau diếp, lá tía tô ngâm nước muối loãng thì sợi rau muống chẻ gặp nước sẽ cuộn lại ôm chặt sợi hoa chuối.
Món bún chả, bún ốc, bánh tôm chiên… sẽ mất ngon rất nhiều nếu thiếu đi thứ rau ghém thanh mát, giàu vitamin, khoáng chất như thế này.
Rau muống nấu canh suông
Theo ông Tuệ Phong – một người Hà Nội chinh gốc chia sẻ, thì mẹ ông khi nấu canh thường cho nước mắm ngay từ lúc nước chưa đun để tránh mùi.
Nước sôi mới cho rau vào và cũng không đậy vung. Nấu xong có thể đ.ập thêm lát gừng tươi vào cho bát canh nó thơm và át đỡ mùi nồng của rau muống.
Nếu có tôm khô, dẻ sườn cho vào nấu thì ngon tuyệt. Canh rau muống khi ăn cùng với mấy quả cà pháo giòn tan càng thêm ngon miệng.
Rau muống chẻ làm rau ghém rất ngon mát, giàu vitamin và khoáng chất. Ảnh minh họa.
Rau muống trộn nộm
Rau muống ai cũng biết làm các món luộc, xào, nấu canh. Nhưng món được nhiều người Hà Nội coi là hảo hạng – chính là món rau muống trộn nộm – hương vị thơm ngon, hấp dẫn tất cả mọi người – đặc biệt là các quý ông ham nhậu.
Nguyên liệu l àm rau muống trộn nộm
1 bó rau muống
1/2 chén lạc rang (đậu phộng)
Gia vị: Mắm, muối, đường, chanh, tỏi, ớt
Rau thơm: Rau kinh giới, bạc hà, ngổ…
Cách làm rau muống trộn nộm
Rau muống nhặt hết lá ở cuống, để lại ít lá non ở đầu ngọn, rồi cắt khúc (hoặc để nguyên, tùy ý).
Đổ lạc vào rang thơm, xát sạch vỏ, giã giập.
Tỏi 1/2 chiên vàng để rắc vào nộm. 1/2 để làm nước trộn.
Rau muống bè chần sơ trước khi chế biến món nộm. Ảnh minh họa.
Pha nước trộn nộm
– Lấy 2 thìa canh nước mắm (30-40 độ đạm).
– 1 thìa canh đường
– 1 thìa canh nước lọc.
– 1 thìa canh nước cốt chanh
– Tỏi, ớt băm nhỏ
Tất cả cho vào bát, khuấy đều cho tan đường và nêm nếm điều chỉnh vị chua – cay – mặn – ngọt theo khẩu vị.
Các loại rau thơm rửa sạch, vẩy ráo, thái rối.
Cách trộn nộm
– Bắc nồi nước sôi bùng lên, rắc vài hạt muối vào rồi cho rau muống vào luộc trên lửa to tới chín tới.
– Vớt rau nhanh ra thả vào chậu nước đá để hãm nhiệt – giúp rau xanh và giòn (lưu ý là chỉ luộc rau muống vừa chín tới, vì nếu luộc lâu rau sẽ bị nhũn, mất đi độ giòn của nộm).
Hãm 5 phút thì vớt rau ra rổ, vắt cho ráo nước rồi cho vào âu/tô lớn.
Đổ nước trộn nộm vào rau muống, trộn đều cho ngấm rồi để 8-10 phút thì chắt bớt nước.
Cho nốt rau thơm thái rối vào bát nộm rồi trộn đều lên.
Trút món nộm ra đĩa, rắc lạc rang giã giập, tỏi phi, trang trí thêm vài lát ớt và… ăn thôi.
Món rau muống trộn nộm được coi là món ngon hảo hạng của người Hà Nội. Ảnh minh họa.
Thành phẩm: Rau muống trộn nộm có màu xanh non, giòn sần sật, lạc rang bùi bùi, nổi vị chua – cay – mặn – ngọt. Người Hà Nội ăn rau muống trộn nộm tới đâu mới vắt chanh vào ăn tới đó.
Món rau muốn trộn nộm điểm vài ngọn rau kinh giới, dưa chuột thái vát, ớt tươi cay sè đã ngon lại càng thêm ngon.
Một số địa phương còn cho thêm tép đồng rang, vài lát khế chua, hành phi làm món nộm ngon miệng, hấp dẫn kiểu vùng miền khác. Có vùng thay nước mắm bằng mắm tôm – giúp món rau muống trộn nộm dậy mùi thơm mộc mạc.
Nước chần rau muống
Món rau muống trộn nộm đặt vào mâm xong thì quay ra lấy nước chần rau muống bè dầm sấu, hay vắt chanh (có thể cho thêm vài hạt muối vào thêm đậm đà).
Mâm cơm có đĩa rau muống trộn nộm, có bát nước rau muống bè trong veo, ngọt mát, chua nhẹ, mặn mà rất hợp với thời tiết hanh khô đầu đông, hoặc nắng nóng mùa hè giải nhiệt, thanh mát, rất tốt cho sức khỏe.
Mòn rau muống trộn nộm ăn với món mặn là tôm rim (hoặc thịt ba chỉ kho mặn ngọt, cay nồng) cùng cơm nóng, rất ngon miệng, đủ dinh dưỡng. Cuối bữa có thể tráng miệng với những loại quả giàu vitamin C và khoáng chất như quả ổi, cam, quýt, bưởi…
Các món rau muống của người Hà Nội – cũng như các món ăn Hà Nội khác – tạo nên một phong cách tinh tế riêng, là tấm gương phản chiếu cho nền văn hóa ẩm thực khiến người Hà Nội tự hào và ngưỡng mộ vì trong cái đơn giản, mộc mạc vẫn toát lên chút gì đó rất kiểu cách và rất phong lưu.
Bún cá rô đồng thơm ngon, bổ dưỡng
Để bữa sáng dễ ăn hơn chị em hãy nấu món bún cá rô đồng cho cả nhà thưởng thức nhé. Cùng vào bếp tham khảo cách chế biến nhé.
Nguyên liệu:
– Cá rô đồng: 400g
– Cà chua: 4 quả; Gừng: 1 củ
– Hành khô: 5 củ; Ớt tươi: 1 quả; Nghệ tươi (hoặc bột nghệ)
– Hành hoa, thì là: 1 ít
– Bún: 500g
– Nước dùng xương: 1 bát tô
– Rau muống: 1 mớ nhỏ
– Rau thơm ăn kèm
– Gia vị: Dầu ăn, mắm, mì chính, bột nêm.
Cách làm:
Bước 1: Cá rô đồng mua về, đ.ánh sạch vẩy, bỏ ruột, xóc muối rửa sạch.
Bước 2: Cho cá rô đồng vào nồi hấp, hoặc luộc sơ. Thêm chút xíu muối. Cho cá vào cái hộp đợi nguội cho vào ngăn đá để thịt cá rắn lại như vậy khi gỡ cá sẽ không bị nát. Bóc riêng phần thịt cá ướp với chút bột nêm, gừng, bột nghệ. Phần đầu và xương cá cho vào cối giã lọc lấy nước cốt.
Bước 3: Hòa nước dùng xương với nước cốt cá rô đồng. (Ở đây mình dùng nước dùng gà nên nồi nước dùng có màu hơi vàng vàng).
Bước 4: Cà chua rửa sạch bổ múi cau. Rau thơm, hành, thì là, rau muống rửa sạch để ráo.
Bước 5: Phi thơm cà chua với chút xíu dầu ăn và hành thơm. Nêm chút bột nêm.
Bước 6: Cho cà chua vào nồi nước dùng. Sau đó đặt lên bếp đun sôi rồi hạ lửa nhỏ đun liu riu. Cho ít gừng thái chỉ để nồi canh không bị tanh.
Bước 7: Ở một chảo khác phi hành ròn để riêng sau đó rán cá vàng trên chảo. Chỉ nên rán lượng thịt cá, còn lại phi hành và cho thịt cá vào xào thơm. (Nên lăn cá qua lớp bột chiên giòn để khi ăn cá sẽ có độ giòn nhé). Cá chiên giòn vớt qua giấy thấm dầu.
Bước 8: Nêm nếm lại nước dùng cho vừa miệng. Chuẩn bị bát bún cá. Lần lượt đặt bún vào bát tô, thêm rau muống đã luộc, xếp ít cá rô rán và cá xào lên mặt bún rồi từ từ chan nước dùng lên trên mặt bún.
Chúc bạn và gia đình có bữa sáng ngon miệng với bún cá rô thơm ngon nhé!