Từng dòng nước sốt dầu hào sền sệt hòa quyện vào thịt tôm và áo quanh rau củ luộc, cơm tôm sốt dầu hào là món ăn trưa phù hợp cho nhân viên văn phòng theo tiêu chí nhanh – gọn – giá cả phải chăng.
Nhắc đến ẩm thực Hoa, nhất là phần nước sốt nền cho món ăn thì dầu hào thường được nghĩ đến đầu tiên. Nhiều người cho rằng dầu hào sản xuất từ con hào nhưng thực tế nó là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu khác ngoài hào như nước đường, tinh bột, phụ gia thực phẩm. Và khi có dầu hào thì các đầu bếp thường ứng dụng trong món xào để hương vị món ăn được nâng thêm một bậc.
Có một thực tế, tại các quán ăn bình dân, họ có xu hướng chọn tôm đông lạnh nên thịt dễ bị bở khi rã đông cũng như khi nấu nướng. Còn những thương hiệu ẩm thực uy tín hay người nấu tại nhà cứ việc ưu tiên chọn mua tôm còn sống, nhảy đanh đách trong hồ để bảo đảm độ thanh và ngọt thịt tôm.
Không chỉ là tôm sốt dầu hào, các món tôm nói chung trong ẩm thực Việt và quốc tế thường sơ chế tôm bằng cách bỏ đầu, bỏ chỉ đen dọc sống lưng, còn đuôi giữ lại để tạo điểm nhấn. Đối với đầu tôm, nhiều quán ăn còn giữ lại để nấu canh, chỉ cần thêm ít bầu bí cắt nhỏ, nêm tí hạt nêm và hành ngò là có thêm tô canh thanh mát.
Một số món ăn dùng dầu hào: Mì xào dầu hào tỏi ớt, măng tây xào dầu hào, cồi sò điệp xào dầu hào, gà xào nấm dầu hào, sườn heo sốt dầu hào…
Một nguyên tắc chung cho các món tôm xào là phải áp chảo thịt tôm cho cháy hai cạnh bởi giúp thịt tôm dậy vị hơn. Tiếp đến, cho tất cả nguyên liệu như thịt tôm, rau củ vào xào và rưới sốt dầu hào ở công đoạn cuối.
Về rau củ, quán ăn có xu hướng chọn một số loại như cà rốt, bông cải xanh, súp lơ, măng tây, cải thìa, ớt chuộng bởi chúng hợp vị khi xào chung thịt tôm. Trong quá trình xào, mọi người không cần cho thêm nước lọc để tạo sốt ăn kèm cơm bởi từ chính rau củ và chất ngọt tôm tiết ra đã đủ.
Khi món xào đã chín, quán chuẩn bị một phần cơm trắng nén trong chén, úp ngược mặt để tạo hình, sau đó, cho hỗn hợp đồ xào trang trí bên cạnh là món ăn đã hoàn tất. Nước chấm cho cơm xào tôm sốt dầu hào không cần thiết bởi nước sốt đã đủ đậm vị. Mang phong vị ẩm thực hiện đại, món cơm trưa giới thiệu hôm nay hứa hẹn tạo thêm sự rôm rả cho mọi người dù là dùng bữa tại gia hay nhóm bạn chung cơ quan hội họp.
Khám phá 4 món ngon của người Hoa vùng Chợ Lớn
Dimsum, heo sữa quay, vịt quay tứ vị và bắp heo tiềm thuốc Bắc là bốn trong số nhiều món ăn đặc trưng của cộng đồng người Hoa vùng Chợ Lớn mà bạn nên thử nếu có dịp đến khu vực quận 5, TP HCM.
Các đầu bếp ở khách sạn Đồng Khánh (thuộc Saigontourist Group) có nhiều năm nghiên cứu, sáng tạo để nâng tầm các món ngon “chuẩn vị” người Hoa thành nghệ thuật ẩm thực “bốn sao”, đã chinh phục trái tim của nhiều thực khách.
Đầu tiên là Dimsum, món điểm tâm lâu đời và quen thuộc của người Hoa vào mỗi buổi sáng. Thưởng thức Dimsum thường kèm theo ấm trà nóng cùng những câu chuyện rôm rả đầu ngày bên người thân hoặc bạn bè.
Dimsum là tên gọi chung cho các món ăn với kích thước nhỏ được chế biến theo kiểu bọc một lớp bột mỏng ở bên ngoài, lớp nhân ở bên trong. Dimsum tập hợp các món bánh như há cảo, xíu mại, bánh cuốn, bánh bao nhân xá xíu hoặc bánh bao nhân kim sa. Khi Dimsum được bưng ra bàn phục vụ thực khách, món ăn được trình bày trong chiếc xửng tre hình tròn có nắp đậy nhằm giữ độ nóng và hương vị đặc trưng.
Với từng món nhỏ trong Dimsum, bạn sẽ có những cách thưởng thức khác nhau. Như khi ăn há cảo và xíu mại, bạn phải dùng đũa gắp, chấm một chút nước tương cho dậy hương thơm. Với bánh bao xá xíu hoặc bánh bao, người Hoa thường dùng tay trong lúc ăn. Thế mới thấy món Dimsum từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình cho từng món nhỏ đến khâu chế biến là cả một công phu thể hiện sự chỉn chu, tinh tế và lối trình bày bắt mắt.
Tiếp đến là món heo sữa quay, thường được người Hoa chế biến để thết đãi khách, lễ khai trương hay đám cưới. Trong tiếng Quảng Đông, tên gọi món ăn mang ý nghĩa của “hồng vận đương đầu”, tức là vận may đang kéo đến. Vì thế, heo sữa khi quay, đầu bếp sẽ làm cho lớp da của con heo có màu hồng, màu đỏ để tượng trưng cho sự may mắn và cát tường.
Tại khu vực Chợ Lớn nói riêng và cộng đồng người Hoa nói chung, món heo sữa quay đặc biệt là heo được quay nguyên con. Những thực khách sành ăn từng thưởng thức qua món ngon bổ dưỡng này sẽ không thể cưỡng lại được mỗi khi có ai đó nhắc đến, bởi hương vị thơm lừng, ngào ngạt tỏa ra từ món ăn vô cùng hấp dẫn này.
Một món ăn cũng khá đặc trưng trong ẩm thực Hoa là món vịt quay tứ vị, gồm bốn vị khác nhau là mật ong, mè trắng, ớt bột và tinh than tre. Tinh bột than tre dùng để tẩm lên lớp da vịt trước khi quay, đây chính là xu hướng ẩm thực bổ dưỡng đến từ Nhật Bản. Để có món vịt quay ngon, đầu bếp chọn loại vịt nhiều thịt, đem ướp một số gia vị tuyển chọn như nấm mèo, táo tàu, xá bấu vào bụng vịt, rồi sấy lạnh riêng trong phòng cho lớp da khô lại trong nhiều giờ liền. Sau đó, vịt được lấy ra, phủ một lớp bột rồi tẩm bốn loại gia vị. Công đoạn kế tiếp là mang vịt đi quay trong lò hơn một giờ sẽ cho ra lò thành phẩm “siêu ngon”.
Với món vịt quay tứ vị, bạn thưởng thức lớp da giòn có mùi thơm lạ miệng khi kết hợp bốn hương vị. Vị mật ong ngọt thanh, vị mè thơm, vị ớt thì cay nhè nhẹ và vị than tre thơm đủ tạo cảm giác mới lạ. Bạn sẽ cảm nhận lớp da cùng thớ thịt vịt mềm, ngọt vị và không dầu mỡ. Ăn kèm miếng thịt vịt quay với phần nhân của vịt được làm từ nấm mèo, xá bấu và dưa cải chua cùng nước chấm đặc trưng khá tròn vị.
Cuối cùng, để thay đổi khẩu vị, bạn có thể thưởng thức món bắp heo tiềm thuốc Bắc, bông cúc, vừa đượm vị, vừa chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Bắp heo được hầm mềm thấm đẫm gia vị thuốc Bắc, lúc ăn múc ra và giữ nóng trong thố sứ màu trắng có đậy nắp. Mở nắp thố, hương thơm của món ăn tỏa ra ngào ngạt và đ.ánh thức ngay vị giác trong bạn.
Với sự kết hợp hoàn hảo giữa thịt bắp heo và thuốc Bắc, vị thơm ngọt của từng miếng thịt bắp hòa quyện cùng vị thơm của nhiều vị thuốc Bắc như nhân sâm, hạt sen, táo đỏ, thục địa, hoài sơn, cao kỳ tử, nhãn nhục, quế hồi… Theo nghiên cứu, bắp heo tiềm thuốc Bắc, bông cúc rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho tăng cường thể lực và hoạt huyết.
Khu Chợ Lớn là nơi hội tụ ẩm thực tinh hoa của Sài Gòn – TP HCM với những quán ăn, nhà hàng lâu năm, trong đó có khách sạn Đồng Khánh. Mới đây, khách sạn tái khai trương nhà hàng Đồng Khánh trên cơ sở cải tạo, nâng cấp từ nhà hàng – cà phê Đồng Khánh. Tọa lạc ngay ở tầng trệt, nhà hàng Đồng Khánh nay khoác chiếc áo mới, ấn tượng với phong cách thiết kế pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Địa chỉ nhà hàng Đồng Khánh: 2 Trần Hưng Đạo B, P.7, Q.5, TP HCM – ĐT: 028 6296 2015.