Là gia vị thông dụng trong những món ăn Thái Lan, lá hương nhu mang vị cay, tính ấm nên thường kết hợp trong các món thịt xào. Theo đó, món thịt xào lá hương nhu ( Pad Ka Prao) thu hút thực khách bởi sự đậm đà, dư vị còn đọng lại trên lưỡi sau mỗi lần thưởng thức.
Trong khi một số món ăn nổi tiếng khác của người Thái như Pad Thai, Tom Kha Gai có nguyên liệu kỳ công và cách nấu chỉn chu thì ở Pad Ka Prao lại là sự đơn giản. Đó là chọn loại thịt mình yêu thích và xào cùng “linh hồn” của món ăn – lá hương nhu.
Tại Việt Nam, lá hương nhu còn có một số tên gọi khác như sơn ông, é rừng, mậu dược. Mang đặc tính ấm, vị cay, loại lá này còn là nguyên liệu trong một số bài thuốc dân gian chữa các bệnh cảm hàn, nhiệt lạnh.
Có một sự thực là nhiều người nhầm tưởng lá hương nhu với húng quế bởi do vị giống nhau, nhưng thực chất nó khác ở ngoại hình. Lá hương nhu có nhiều đường vân, gân sọc trên mặt và màu sậm xanh hơn lá húng quế.
Quay về món ăn giới thiệu ngày hôm nay, nguyên liệu thịt chọn nấu chỉ phổ biến trong hai loại: thịt heo và thịt gà. Do dùng phương thức xào, thêm gia vị nên thịt phù hợp là phần phi lê ức gà hoặc thịt ba chỉ heo. Thông thường, thịt gà mềm nên người nấu có thể chọn phần nạc nhưng với thịt heo thì phải có tí mỡ để tránh thịt bị khô.
Nếu như ẩm thực Việt xào thịt chỉ cần cho nước tương, nước mắm, nước thắng vào xào cùng thịt thì với món ăn đặc trưng này của Thái Lan họ phải tạo riêng một loại nước sốt. Đó là hỗn hợp gia vị gồm xì dầu, hắc xì dầu, dầu hào, nước lọc, khuấy đều lên là có thể đem xào cùng thịt.
Điểm đặc biệt ở thịt xào lá hương nhu nằm ở cách thái nhỏ lá, càng nhuyễn càng tốt bởi vị sẽ thấm đều vào từng thớ thịt khi xào. Nếu thực khách dùng bữa ở một quán ăn bán món này mà họ xào nguyên lá thì chắc chắn rằng họ chưa nắm được rõ công thức món ăn.
Thêm một thành phần không thể thiếu của món ăn này là trứng ốp la. Cách chiên trứng này thông dụng, dù bạn là một người không biết nấu ăn. Đơn giản là cho dầu vào chảo, đợi dầu sôi, đ.ập trứng vào và chiên đến khi thấy phần lòng trắng sệt lại, lòng đỏ có một lớp màng mỏng bọc xung quanh là đạt.
Cách chế biến phần nào tinh túy thì khâu trình bày cũng thể hiện sự chỉn chu nhằm mang đến cho thực khách trải nghiệm khó quên. Cụ thể, cơm trắng nén thật chặt trong một chén, chọn đĩa trắng trơn, úp ngược chén để lấy phần cơm ra. Xung quanh cơm rải đều thịt xào lá hương nhu rồi cho trứng lên mặt cơm. Thế là món ăn đã hoàn thành!
Nếu yêu thích ẩm thực Thái và chưa nghĩ ra món ăn nào, mời bạn đọc thử thưởng thức qua món ăn này. Thịt xào lá hương nhu hứa hẹn mang đến những dư vị ẩm thực khó quên.
Trưa nay ăn gì: Đặc sắc thịt cổ heo áp chảo kiểu Thái
Ẩm thực Thái Lan được tín đồ ẩm thực nhớ đến bởi vị cay nồng của ớt cũng như các gia vị nấu cùng. Vậy nhưng, có những món ăn nơi đây nổi tiếng không phải bởi vị cay, mà từ chính cách chọn nguyên liệu và chế biến. Thịt cổ heo nướng (Kor Moo Yang) là một ví dụ điển hình.
Bữa trưa thứ Sáu đã gần đến, một món ăn quốc tế gợi ý từ Trưa nay ăn gì sẽ luôn làm bạn đọc tò mò, hôm nay là quốc gia gì? Không để mọi người chờ đợi lâu, đó chính là món thịt heo thơm ngon với phần thịt lấy từ cổ heo, ứng dụng cách nướng hoặc áp chảo đặc sắc và dùng kèm xôi nếp.
Để mô tả về món ăn này, các chuyên trang ẩm thực đều có chung nhận xét: từng miếng thịt mặt ngoài nướng cháy xém (nhưng không bị khét); lõi thịt thì mọng nước, mềm. Món ăn kèm là xôi nếp chưa đủ bởi còn phải có thêm chén nước chấm được làm bởi công thức riêng biệt.
Theo đó, Kor Moo là từ chỉ phần thịt gần cổ heo, nơi có tỷ lệ thịt và mỡ xen kẽ vừa vặn. Yang nghĩa là nướng, và tốt nhất cho vị thịt dậy mùi là nướng trên than hồng. Bên cạnh bếp than, nhiều quán ăn vẫn trang bị thêm lò nướng, nồi chiên không dầu để đáp ứng nhu cầu thực khách khi số lượng đến dùng bữa đông.
Một số món ăn Thái Lan có sử dụng thịt heo: thịt heo viên, thịt heo xào, bún thịt nướng, thịt heo chiên giòn, thịt heo rim ngọt, thịt heo nướng kiểu Isaan…
Do số lượng phần thịt cổ heo có giới hạn nên mọi người có thể chọn mua thịt cổ heo hoặc nọng heo thịt heo nhập khẩu. Nếu có điều kiện, nên tìm mua thịt nọng heo Iberico, loại thịt heo có giá trị lên đến vài triệu đồng/kg; với khẩu phần dùng 2 người thì miếng thịt đóng gói 300g có giá khoảng 250.000 đồng.
Một bí quyết của người nấu giúp miếng thịt ngon hơn chính là cộng đoạn dần thịt, giúp độ dày miếng thịt mỏng dần ra, khi nướng dễ trở mặt thịt cũng như kiểm soát tránh thịt bị khét. Gia vị ướp thịt cổ heo thường gồm nước tương, dầu hào, đường, tiêu, muối và đặc biệt là ít sữa tươi cho vị thịt thêm ngọt thanh.
Không như kiểu nướng xiên que, thịt cổ heo nướng nguyên miếng to, nướng đều các mặt đến khi thấy mặt ngoài săn, màu nâu cánh gián đẹp mắt. Mọi người có thể kiểm tra độ chín của thịt bằng cách dùng tăm xiên vào, nếu thấy thịt có độ xốp, ít nước chảy nhẹ là đã chín.
Món xôi ăn kèm nấu theo kiểu Thái có đôi chút khác biệt với xôi nếp Việt Nam. Cụ thể, người nấu cho thêm nước cốt dừa để vị xôi béo ngậy, còn cách đồ xôi như nhau. Nước chấm phù hợp với thịt cổ heo được người Thái ưa chuộng là nước chấm me, làm từ hỗn hợp nước cốt me, đường thốt nốt, nước mắm, ớt sa tế, hành tím, đậu phộng rang giã nhuyễn và ít ngòi rí xắt nhuyễn.
Nói là thế, không hẳn nhà hàng Thái Lan nào cũng dọn kèm xôi lên chung khi gọi món thịt cổ heo, thế nên mọi người có thể hỏi nhân viên và gọi thêm khi muốn dùng cho no bụng.