Vị mắm thơm nồng, nước dùng đậm đà cùng với heo quay được tẩm ướp kỹ, tôm, cá tươi sống và rau đồng giúp món ăn trở thành nỗi nhớ của người xa quê và sự háo hức cho người phương xa
Sự thanh bình của miền Tây luôn dễ khiến người đi xa nhớ nhung da diết, còn khách thập phương lại bồn chồn muốn ghé thăm. Cái dân dã, mộc mạc của người miền Tây không chỉ bộc lộ ở lời ăn tiếng nói, cách cư xử đời thường mà còn ảnh hưởng đến cả trong ẩm thực. Trong danh sách những món ăn xuất phát từ miền Tây, khó thể kiếm được công thức nào cầu kỳ hoặc gây khó trong việc chế biến. Có lẽ, cũng chính sự giản đơn, chân chất ấy – như đất như người sở tại – lại khiến người ta nhớ, thương nhiều hơn.
Về miền Tây, bún nước lèo như một đặc sản thường được nhắc đến với những tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nhưng mỗi không gian lại mang đến cho người thưởng thức một cảm giác riêng biệt. Giữa chốn thanh bình của đồng ruộng bao la bát ngát cùng khung cảnh đẹp nên thơ của những ngôi cổ tự đến hàng trăm năm t.uổi, Sóc Trăng như một điểm đến khó thể bỏ qua khi nhắc đến bún nước lèo.
Bún nước lèo, món ăn có nguồn gốc của người Khmer, nay đã trở nên quen thuộc ở Nam bộ.
Quá trình khai hoang, mở cõi đã tạo nên sự giao thoa về văn hoá ẩm thực giữa các dân tộc tại Nam bộ. Ban đầu, bún nước lèo là món ăn của người Khmer. Nhưng qua quá trình cộng cư, đây trở thành món ăn chung của các dân tộc ở Nam bộ với khẩu vị tương đối giống nhau. Vì thế, ngoài Sóc Trăng, thì Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ cũng có món ăn này. Nhưng ở mỗi khu vực, cách chế biến sẽ có thể khác nhau đôi chút.
Về Sóc Trăng, để tìm ăn bún nước lèo không phải chuyện khó. Từ hàng quán sang trọng đến những quán ăn ven đường, từ những con đường lớn đến những hẻm nhỏ, bún nước lèo vẫn có mặt như một người quen. Từ xa, mùi mắm thơm lừng đã có thể khiến khứu giác bị chinh phục và cái bụng cũng réo liên hồi.
Mùi thơm đặc trưng của món ăn này dễ khiến bụng cồn cào.
Người miền Tây phóng khoáng lắm, nên không có chuyện giấu nghề. Công thức nấu bún nước lèo đều được chủ quán chia sẻ với thực khách hoặc in trên bảng to tướng để ai cũng dễ theo dõi. Nước lèo có thể dùng các loại mắm như: cá linh, cá sặc, nhưng đặc biệt nhất là mắm bò hóc (mắm đặc trưng của người Khmer được làm từ các loại cá nước ngọt). Người ta có thể dùng nước dừa, nước lạnh hoặc nước hầm xương ống để làm nước dùng.
Mắm được rã ra, sau đó bỏ xác và cho vào nấu cùng với sả, ớt, ngải bún (một loại củ giống củ nghệ, màu đậm hơn, để dùng khử mùi tanh của mắm) và nêm nếm gia vị cho vừa ăn, hợp khẩu vị. Công thức cơ bản là thế nhưng để có được nước lèo ngon, mỗi người lại có cách cân đo khác nhau, hoặc thậm chí cho thêm một ít gia vị khác nhằm tăng thêm mùi thơm. Để nước lèo được trong, nhiều nơi còn cho tất cả nguyên liệu vào trong túi lọc để nấu.
Bún nước lèo thường được dọn ăn kèm thịt heo quay xắt miếng nhỏ, cá lóc và tôm tươi. Một tô bún ngon còn phải có thêm dĩa rau sống tươi rói gồm: rau đắng, rau thơm, giá sống, bắp chuối bào nhuyễn, rau muống bào sợi… Món ăn càng thêm đậm đà nếu có chén mắm me hoặc muối ớt chanh để chấm cùng.
Món ăn được dọn chung với nhiều loại rau sống.
Cọng bún nhỏ xíu, dai còn thơm mùi gạo kết hợp với vị ngọt tươi ngon của cá, tôm, rau sống cùng vị đậm đà của thịt heo quay kết hợp với mùi mắm thơm phức của nước lèo khiến người ta cứ phải xì xụp không thôi. Thường, nước lèo đã được cân đo kỹ về gia vị, có hậu hơi ngọt đặc trưng của ẩm thực Nam bộ. Vì thế, nếu ai ăn mặn hơn sẽ phải nêm nếm thêm cho vừa miệng. Thực khách cũng có thể chủ động lựa chọn đồ ăn kèm, ví dụ chỉ ăn đầu cá, đuôi cá lóc, hoặc chỉ ăn tôm, hoặc không để heo quay.
Một đũa bún khiến lòng người tê tái vì ngon.
Thực khách có thể kêu thêm tô đầu cá để chấm cùng nước mắm ớt.
Bún nước lèo ăn sáng cũng được vì ấm bụng, ăn trưa cũng no lòng, ăn xế chiều vẫn còn đủ chỗ để cho bữa cơm tối. Mỗi đũa bún, mỗi muỗng nước lèo như thấm đậm cả dư vị của đất trời miền Tây, khiến người xa quê lại nhớ, kẻ phương xa bồi hồi mà thương.
Chỉ từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng đã có thể thưởng thức một tô bún nước lèo ngon tại Sóc Trăng. Nếu thích sự thoải mái có thể chọn những quán cóc ven đường, còn nếu chuộng sự tiện nghi bạn có thể đến những hàng quán lớn sang trọng.
Theo Phunuonline
Bánh pía: Ngọt ngào những ngày Trung thu trong hồi ức
Bánh pía giờ đây dễ tìm, dễ mua. Người ta thưởng thức chúng như một món ăn vui miệng. Nhưng với riêng những đ.ứa t.rẻ lớn lên ở miền quê mới hiểu hết cái vị đậm đà mà chúng mang lại trong những ngày của quá khứ
Những ngày của t.uổi 25, tôi chợt muốn đi nhiều, như một sự bù đắp cho những năm t.uổi trẻ có phần đơn điệu và buồn chán. Chuyến xe khởi đầu từ những tỉnh miền Tây, vùng đất tôi sinh ra và lớn lên nhưng vẫn còn vô vàn những điều mơ hồ về chúng. Tôi chọn Sóc Trăng làm trạm dừng chân trong một ngày đầu tháng 9 đầy nắng vàng.
Sóc Trăng nổi tiếng với bún nước lèo, bánh cống, mè láo… hay những chùa chiền có t.uổi đời ngót nghét vài trăm năm. Nhưng trước khi đến với những điều thú vị này, Sóc Trăng lại chào đón khách thập phương bởi một vị ngọt thơm đã làm nên tên t.uổi suốt mấy thế kỷ qua – bánh pía.
Dọc quốc lộ 1A trước khi tiến vào trung tâm thành phố, không khó để bắt gặp những hàng quán san sát nhau bày bán loại bánh này. Bánh pía dường như không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là niềm tự hào của chính người dân nơi đây với hàng loạt thương hiệu lớn nhỏ.
Nhắc đến bánh pía, nhân đậu xanh sầu riêng trứng muối được xem như vị đặc trưng nhất. Ngày còn thơ bé, cái hương vị ấy đã được mặc định trong đầu như đặc điểm nhận dạng của loại bánh này. Bánh pía theo chân người Hoa trong những ngày đi mở cõi phương Nam, từ thế kỷ 17. Chiếc bánh tròn, to bằng lòng bàn tay này có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu với nhân nguyên thuỷ là thịt heo, mỡ và đậu xanh được gói trong lớp vỏ có nhiều lớp bột chồng lên nhau. Từ pía là cách gọi chệch đi phiên âm từ “pi-é” nghĩa là bánh trong tiếng của người Hoa.
Nhưng khi vào đến vùng Nam bộ, bánh pía lại có sự thay đổi đôi chút về nhân bánh để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người dân sở tại.
Bánh pía, đặc sản của Sóc Trăng nức tiếng xa gần
Một chiếc bánh tròn vừa vặn có thể chia thành 4 phần. Bánh mềm và dẻo ở bên trong nên dùng dao cũng được hoặc dùng tay tách cũng chẳng sao. Mà thú vui của những đ.ứa t.rẻ ngày xưa vẫn cứ thích dùng tay để tách bánh, để cốt yếu lấy được phần nhiều hơn. Đứa nào không tách phải chịu phần thiệt ăn miếng nhỏ hơn. Mấy điều vụn vặt con trẻ ấy, đôi khi nghĩ lại tự nhiên cười thầm, rồi đôi ba giọt nước mắt chợt rơi vì nhớ những ngày đã qua.
Cắn một miếng bánh, đầu tiên sẽ cảm nhận được độ xốp của những lớp vỏ mỏng chồng lên nhau, dính nhẹ vào răng hay lưỡi. Sau này tìm hiểu mới biết vỏ bánh coi vậy chứ đòi hỏi sự kỳ công. Người thợ phải nhào 2 loại bột khác nhau, với tỉ lệ nước, mỡ heo khác nhau để tạo nên sự khác biệt. Bột được cán phải khéo để tạo nên những lớp vỏ chồng lên nhau. Trong khi đó, phần nhân ngọt có đậu xanh, sầu riêng tán nhuyễn cộng với trứng muối hấp lại có phần đơn giản hơn, mà quan trọng nhất là nhân phải nhuyễn, mịn.
Vị ngọt, thơm, béo của bánh khiến người ăn khó quên
Vị béo, bùi của đậu xanh cộng với mùi thơm, vị ngọt đặc trưng của sầu riêng cùng chút mằn mặn, thơm béo của trứng muối kết hợp với vỏ bánh tạo nên một vị ngọt đậm đà khó thể lẫn vào đâu.
Bánh pía có độ ngọt khá gắt nên thường được dùng để nhâm nhi với nước trà, càng làm tăng thêm hương vị, và giúp người ăn đỡ ngán. Cha tôi cứ cắn một miếng bánh lại uống một ngụm trà. Người lớn là vậy, chứ tụi con nít vốn hảo ngọt nên ăn liền tù tù 2, 3 miếng cũng được. Ăn xong ực vội ly nước trắng to đùng cho không gắt cổ. Cứ vậy đó, bánh pía đi vào hồi ức của chúng tôi một cách nhẹ nhàng, như lời mẹ ru cái thuở còn nằm nôi.
Ngày trước, gia đình cũng không dư giả bao nên không phải lúc nào cũng được ăn bánh pía. Chỉ khi cận Trung thu, mẹ mới mua cùng 2 chiếc bánh, trước cúng, sau ăn. Bánh pía thường được mẹ tôi dọn cúng bàn thờ ông địa, ông thần tài. Mùi thơm của bánh hoà với mùi nhang trong một đêm miền quê yên ả lại khiến lòng dạ những đ.ứa t.rẻ chợt cồn cào. Tôi thường ngồi đó chờ cho đến khi nhang gần tàn để được thỉnh bánh để ăn.
Bánh thường được người lớn nhâm nhi với nước trà
Cầm vội miếng bánh, chiếc xe lon ton (đèn Trung thu làm bằng vỏ hộp sữa) cũng đã kịp lên đèn, thế là hoà vào cuộc vui với mấy đứa nhỏ cùng xóm. Tiếng lon ton vang khắp một quãng đường kèm cái mùi ngọt ngậy của bánh lại khiến tâm hồn một đ.ứa t.rẻ háo hức lạ thường để đón ông trăng, ngắm chị Hằng.
Giờ muốn ăn bánh pía có khó gì đâu. 40.000-50.000 ngàn là có bánh để ăn với nhiều vị theo sở thích. Nhưng có những điều t.iền vốn dĩ không mua được, đó là t.uổi thơ, là những ngày yên bình không trở lại.
.Theo Phunuonline