Hai cái tên Bibim Naengmyeon và Bibim Guksu có vẻ giống nhau nhưng lại rất phần khác biệt đấy các bạn ạ!
Ẩm thực Hàn Quốc được biết đến với rất nhiều món ăn đa dạng, nhiều màu sắc và vô cùng bắt mắt. Điểm đặc biệt của ẩm thực xứ Hàn là chỉ với những nguyên liệu hầu như giống nhau nhưng lại luôn tạo ra những món ăn khác nhau hoàn toàn. Bibim Naengmyeon ( ) – tạm dịch là mì lạnh trộn và món Bibim Guksu () – tạm dịch là “phở” trộn là hai trong số những món ăn “cùng họ khác tên” của ẩm thực Hàn Quốc. Với tên gọi khác nhau, bất cứ người Hàn Quốc nào cũng dễ dàng phân biệt hai món ăn này, tuy nhiên với những du khách nước ngoài thì luôn mang theo mình không ít thắc mắc về chúng. Giờ tụi mình cùng nhau khám phá xem hai món ăn này có gì giống và khác nhau nhé!
Nhắc tới Naengmyeon chắc các bạn vẫn nhớ tới món mì lạnh mà chúng mình đã từng giới thiệu trước đây, vốn là một trong những món ăn được ưa chuộng nhất vào mùa hè tại Hàn Quốc. Không dừng lại ở món mì lạnh được yêu thích thông thường, các đầu bếp Hàn Quốc đã thể hiện sự sáng tạo không ngừng của mình khi kết hợp món mì lạnh với phương thức trộn các nguyên liệu để tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo chính là Bibim Naengmyeon. Công thức và thành phần của món Bibim Naengmyeon cũng không khác biệt nhiều so với những món trộn khác của ẩm thực Hàn Quốc như cơm trộn (), mì trộn (), và miến trộn ()… hỗn hợp các loại rau luôn là thành phần không thể thiếu trong các món ăn này. Điểm khác biệt lớn nhất của bibim naengmyeon với bibim guksu cũng chính là điểm khác biệt từ hai nguyên liệu naengmyeon và guksu. Naengmyeon là loại mì lạnh được làm từ bột kiều mạch, tinh bột khoai tây hoặc tinh bột khoai lang thế nên sợi mì khá dai; còn Guksu lại được làm từ bột mì (khi ăn sẽ thấy gần giống với sợi phở của Việt Nam). Để có thể nấu được Bibim Naengmyeon, người nội trợ chắc chắn phải sử dụng naengmyeon cùng các nguyên liệu khác, nhưng khi nấu Bibim Guksu người ta có thể thay thế guksu bằng loại mì soba của Nhật Bản (có 69% là bột mì và 29% là bột kiều mạch) hoặc sử dụng loại mì somen. Sợi guksu không dai như sợi naengmyeon và có phần mềm hơn, tạo cho thực khách cảm giác thoải mái khi thưởng thức.
Bibim Naengmyeon dai dai lạ miệng.
Bibim Guksu cay, ngọt.
Những nguyên liệu đi kèm của hai món trộn này cũng có ít nhiều khác biệt, nếu như Bibim Naengmyeon là sự kết hợp cùng với hành tây, tỏi, hành xanh, dưa chuột, trứng, quả lê, ớt mảnh, hạt tiêu, vừng, dấm, dầu mè, si-rô ngô, muối, nước tương, đường, bột mù tạc thì Bibim Guksu ngoài những nguyên liệu trên còn phải có chút rau diếp thái mảnh, bắp cải hoặc kim chi củ cải… tất nhiên nguyên liệu cũng một phần phụ thuộc vào đầu bếp và thực khách. Vì là món trộn nên người thưởng thức không những có thể tự tay trộn đều tô mì của mình mà còn có thể dễ dàng yêu cầu cho thêm hoặc bỏ bớt ra những nguyên liệu mà họ muốn.
Một điểm mà các bạn cần lưu ý đó là Bibim Naengmyeon hay Bibim Guksu thì nước sốt cay ngọt là thành phần không thể thiếu. Tuy nhiên, để có được nước sốt thật ngon lại không đơn giản tẹo nào.
Là một đất nước có mùa hè nóng và ẩm ướt, Hàn Quốc luôn biết làm hài lòng các cư dân của xứ mình bằng những món ăn xua tan đi cái nóng của mùa hè, những suy nghĩ về vị cay nóng của ớt sẽ không còn khi bạn trộn đều những bát Bibim Naengmyeon và Bibim Guksu, thay vào đó là cái dịu mát của những sợi mì lạnh, vị cay ngọt hài hòa của những sợi mì guksu, tất cả đều cùng nhau tạo nên những nét riêng, độc đáo của ẩm thực xứ kim chi.
Theo BĐVN
Đồ ăn Hàn Quốc cực ‘chất’ tại Han Kook Kwan
Rất nhiều nguyên liệu và gia vị tại nhà hàng được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Cách chế biến cũng đặc sệt chất xứ sở kim chi khiến khách hàng không hối tiếc sau một lần dùng bữa ở đây.
Buổi trưa nắng nóng, được chui vào phòng máy lạnh, thưởng thức các món ăn thơm ngon, tinh tế của xứ Hàn Quốc quả là ý tưởng tuyệt vời. Vì thế, nhân dịp gặp lại một người quen cũ, tôi rủ tới quán Han Kook Kwan nằm trên phố Nguyễn Chí Thanh – nơi được vài cô nàng sành ăn nhận xét: “Ngon, đúng chất Hàn Quốc”.
Han Kook Kwan ít khi đông khách. Tôi hơi ngạc nhiên, vì nhà hàng trông không quá xa hoa, diện tích vừa phải, được thiết kế đơn giản ấm cúng, nằm vị trí gần trung tâm thành phố, lại được lời khen về chất lượng, vậy mà giữa tầm nghỉ trưa chỉ có chừng 3-4 bàn có khách ngồi.
Phải đến lúc mở quyển menu ra chúng tôi hiểu lý do. Mức độ sang trọng của nhà hàng thì tầm tầm, song đồ ăn tại đây khá đắt, tính theo đô Mỹ. Món khai vị bèo bọt nhất cũng khoảng 5 USD, còn các món chính dao động từ 10-25 USD, xem chừng có vẻ hơi sang so với một bữa ăn trưa của dân văn phòng.
Tuy nhiên, lúc nhân viên bắt đầu bưng đồ ăn ra tôi lại hiểu rằng đắt xắt ra miếng. Giá cả hơi cao song bù lại, khách được tặng kèm nhiều thứ. Thực đơn miễn phí trước tiên là 1 “combo” panchan rất phong phú, có tới 8 món khác nhau, gồm các loại kim chi, rau, bánh bột mì, vài miếng cuốn…
Tôi từng thưởng thức đồ Hàn Quốc ở một số nơi, họ cũng có panchan nhưng không phong phú đến thế, mà hương vị thì thua hẳn. Chẳng hạn như tại đây kim chi đúng là “chuẩn không cần chỉnh”, chua chua cay cay vừa phải, ăn rất dễ chịu; hay như món bánh bột mì đơn giản song mềm và thơm; hoặc những miếng cuốn na ná kimbab ăn cũng khá thú vị.
Panchan của nhà hàng rất phong phú.
Quả thật chỉ riêng với panchan thôi, chúng tôi đã thoáng có cảm giác no. Vì thế, chúng tôi chỉ gọi thêm 3 món nhẹ nhàng. Đầu tiên là Kim chi pancake. Món này nhìn qua trông hấp dẫn không kém một chiếc pizza cỡ lớn đế mỏng. Tuy nhiên, không chất và béo ngậy như pizza, nó đơn giản chỉ là loại bánh làm từ kim chi chiên với bột mỳ, ăn thơm ngon và nhẹ nhàng, không hề ngấy, làm món khai vị quả là lí tưởng.
Kim chi pancake.
Món thứ hai là miến Hàn Quốc xào thịt rau, cũng được cả 3 chúng tôi đồng thuận ý kiến rằng “ngon, lạ miệng”. Món này còn xào chung với hành, rau cần, trứng, cà rốt thái sợi, và trộn cùng với dầu vừng rất thơm, có hương vị đặc trưng riêng. Thích nhất là sợi miến ở đây nở mà dai, lại ngấm gia vị, làm nón ăn càng thêm đậm đà.
Miến Hàn Quốc xào thịt rau.
Thứ cuối cùng chúng tôi thưởng thức là thịt bò nướng Gal bi sal – thực đơn đắt đỏ nhất trong bữa ăn của chúng tôi hôm đó. Mỗi xuất Gal bi sal có khoảng 7-8 miếng thịt bò dày đã được tẩm ướp sẵn. Gal bi sal hấp dẫn ở chỗ là chỉ khi khách ăn, nhân viên nhà hàng mới nướng xèo xèo ngay tại bàn, nên miếng nào miếng nấy nóng hổi, bốc khói thơm lừng. Món ăn được cuốn chung với rau sống, chấm với một thứ nước mắm sền sệt, vừa đậm vừa mát, dễ thưởng thức, chỉ có điều giá hơi cao: 18 USD/suất. Nhân viên nơi đây cho biết, món Gal bi sal đắt bởi nguyên liệu như thịt bò cùng một số loại rau sống đều phải được nhập khẩu cho đúng vị.
Tuy nhiên, lại một lần nữa tôi quên mất cái cảm giác đắt đỏ của bảng giá nơi đây khi trước lúc thanh toán, nhà hàng đã lịch sự tặng thêm món hoa quả tráng miệng và ly trà quế thơm ngọt, khiến chúng tôi rất hài lòng về cách phục vụ rất tế nhị.
Thêm món tráng miệng “free” làm chúng tôi rất hài lòng.
Địa chỉ: Quán Han Kook Kwan, số 31 Nguyễn Chí Thanh, Q. Ba Đình, Hà Nội.
Theo BĐVN