Hai thứ nông sản vừa quen thuộc lại vừa gần gũi, nếu khéo léo bạn cũng có thể tạo ra được những món ăn vừa lạ lại vừa hấp dẫn.
Bạn đang đọc: Bánh sắn bí đỏ – quà quê ngọt ngào
Vào những ngày nông nhàn, người dân quê tôi thường làm món bánh sắn bí, vừa đơn giản lại vừa thơm ngon như bất kỳ những thứ bánh khác làm từ gạo nếp.
Nguyên liệu làm bánh không quá cầu kỳ, chỉ cần có bí đỏ, bột sắn, đường. Ở Lạng Sơn quê tôi, với khí hậu mát mẻ quanh năm nên sắn, bí đỏ là hai loại nông sản được trồng khá phổ biến. Khi tới mùa thu hoạch, mang sắn về bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng và phơi thật khô rồi đem sát thành bột mịn. Vào những ngày mưa hay những lúc trời se se lạnh, mẹ tôi thường hay làm loại bánh này. Mấy anh em tôi vừa xúm xít quanh chảo bánh vừa nghe mẹ kể chuyện ngày xưa.
Cách làm loại bánh này khá đơn giản. Bột sắn để làm bánh cần sàng lọc kỹ, chỉ lấy thứ bột mịn nhất. Còn bí đỏ thì chọn loại quả chín già, rửa sạch, bóc vỏ, đồ lên cho chín, để nguội và đem nhào lẫn với bột sắn, nhào cho thật dẻo, không nên cho nước vào bột vì sẽ khiến bột bị nhão. Trong khi nhào thì cho đường vào vừa đủ, nặn thành những chiếc bánh nhỏ, dẹt và cho nhân vào. Sau đó đợi khi chảo mỡ sôi thì thả từng chiếc bánh vào cho đến khi bánh nổi lên, chín vàng sẫm là được, rồi bắc ra đĩa và ăn nóng.
Đối với người đi học xa nhà như tôi, bánh sắn bí đỏ là một thứ quà quê rất đỗi ngọt ngào, luôn mang đến những cảm giác khác lạ sau mỗi lần thưởng thức.
Theo VNE
Thơm ngon bánh ngải xứ Lạng
Cứ qua tháng giêng, khi chưa tới mùa vụ, trên các nương rẫy trong thung lũng những khóm ngải cứu non có lông trắng tuyết mọc xanh mơn mởn, đây là lúc người dân cùng nhau đi hái lá ngải về làm bánh, một thứ bánh đặc trưng của vùng xứ lạnh Lạng Sơn.
Để làm được những chiếc bánh ngải ngon trước tiên phải hái những lá ngải thật non, có màu xanh thẫm. Cây ngải cứu có hai loại, một loại ngải cứu đắng, mùi hắc chỉ để dùng chữa bệnh. Còn loại cây ngải để làm bánh thường mọc hoang ở trên các nương rẫy hoặc được trồng trong vườn nhà, có màu xanh thẫm, mùi thơm dịu và phía dưới lá phủ một lớp lông màu trắng tuyết.
Tìm hiểu thêm: Cá điêu hồng lăn bột chiên mè
Loại lá ngải xanh non dùng làm bánh ngải ở Lạng Sơn. Ảnh: Dương Khuyên.
Công đoạn làm bánh mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn và khéo léo. Trước tiên, khi hái lá ngải về thì rửa sạch, để ráo nước, sau đó đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Để có nước tro tốt, phải chọn tro sạch, chuẩn nhất là tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh.
Tro sạch được lèn vào rá tre, để rá trên chậu tạo khoảng cách cho nước từ rá chảy xuống. Xong đổ nước từ từ vào tro cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu. Nước tro lúc đầu đặc có màu cà phê, sau loãng dần. Lá ngải được đun trong nước tro nên chóng nhừ.
Sau khi đun nhừ, đổ lá ngải ra rá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ gân lá, cuống lá già rồi nặn thành từng cục. Còn gạo nếp chọn loại hạt mẩy, tròn đều và đặc biệt không được lẫn gạo tẻ, rồi ngâm khoảng hơn một tiếng thì đồ thành xôi. Khi xôi đồ chín được giã đều trong cối đá hoặc cối gỗ cùng với những nắm lá ngải. Khi đã nhuyễn, dùng tay vắt thành những chiếc bánh nhỏ dẹt, hình tròn.
>>>>>Xem thêm: Hôm nay nấu gì: Cơm tối mùa đông với 3 món giản dị nhưng siêu ngon
Bánh ngải màu xanh thẫm ăn một lần nhớ mãi vị đăng đắng xen lẫn ngọt ngào và mùi thơm dịu mát. Ảnh: Dương Khuyên.
Nhân bánh được làm từ vừng đen rang chín giã nhỏ trộn với đường phên đã được làm chảy trên bếp nóng và để đặc lại, muốn cho nhân bánh thơm hơn nên cho thêm ít dừa khô. Khi làm xong bánh nên xoa đều một lớp mỡ hoặc bơ cho bánh vừa không dính vào nhau vừa tạo được độ bóng mịn.
Nếu đã một lần được thưởng thức thứ bánh đặc trưng này hẳn sẽ không ai có thể quên được cái cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy những chiếc bánh màu xanh thẫm tưởng chừng như rất đắng như đúng với tên gọi của nó nhưng ẩn chứa trong đó lại là sự ngọt ngào, thơm dịu đến mát lành.
Dương Khuyên
Theo VNE