Hơn cả những ký ức của một thời gian khổ, cơm nắm trở thành “đặc sản” được nhiều người ưa chuộng ở Hà Nội, là dấu ấn ẩm thực bình lặng giữa cuộc sống nhiều bộn bề, tấp nập.
Có một Việt Nam xưa cũ tưởng như đã bị lãng quên theo dòng chảy thời gian nhưng ở đâu đó, người ta vẫn luôn nhớ đến những vắt cơm nắm của một thời lam lũ như một “đặc sản cao quý” mà bất cứ ai cũng đều mong muốn được thưởng thức ít nhất 1 lần.
Gọi tên cơm nắm – món ăn của ký ức
Nếu sống trong thời kỳ đất nước Việt Nam mình còn ngập chìm trong đói nghèo thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên được vắt cơm nắm dân giã ấy – vị cứu tinh đưa người dân đi qua cơn bĩ cực.
Món ăn đong đầy ký ức, là lương thực thiết yếu của những người nông dân suốt ngày lam lũ ngoài đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Giản dị đời thường là thế, nhưng cơm nắm vẫn giúp những người nông dân được no bụng, yên tâm làm việc sáng tối. Đối với những người bán hàng rong hay những người tiểu thương đang tất bật kiếm sống giữa thành phố tấp nập thì cơm nắm là bữa ăn đủ ngon để họ bươn trải bên những gánh hàng từ ngày này qua ngày khác. Và đây cũng là món ăn “đi đường” mỗi lần ra Bắc vào Nam của người dân thời ấy.
Tồn tại và gắn bó thường nhật như một người bạn “ấm bụng” của bất cứ ai ngày đó. Đi cùng năm tháng, dẫu có những thay đổi thời gian nhưng thức cơm dân giã ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị của mảng màu ký ức. Và có lẽ vì thế mà cơm nắm trở thành một món ăn truyền thống của người Việt suốt nhiều thập kỷ qua.
Trở thành “đặc sản” tinh túy giữa lòng Hà Nội
“Ta chỉ khổ khi phải tìm thứ gì ăn với cơm. Ta sẽ hết khổ khi đã có cơm nắm”. So với ngày xưa, khi mà những vắt cơm nắm chỉ là một món ăn bình dị dành cho những người dân vất vả, nghèo khó, thì ngày nay, cơm nắm lại rất được mọi người yêu thích, trở thành “đặc sản” tinh túy không kém gì những món ăn cao lương mỹ vị của Việt Nam.
Ẩm thực của người Việt vô cùng cầu kỳ và tỉ mỉ, và cơm nắm cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, để kể về nguyên liệu thì lại chẳng mấy phức tạp, nhưng khâu chế biến lại đòi hỏi nhiều sự khéo léo, cẩn thận. Cơm nắm chỉ đơn giản là gạo vo sạch, cho vào nồi và nấu thành cơm. Mỗi hạt cơm sau khi nấu chín phải hơi mềm hơn cơm ăn bình thường nhưng còn nguyên vẹn, không được nhão. Khi cơm đã chín, sử dụng một chiếc khăn vải trắng tinh rồi lấy tay khẽ lăn tròn, lăn tròn đều cho thật chắc tạo thành một khối trắng, dẻo và mịn. Một nguyên tắc bất di bất dịch là phải nắm cơm lúc còn nóng để những hạt cơm hòa quyện vào nhau, từng hạt kết dính vào nhau và không bị vỡ,…
Những nắm cơm sau khi hoàn thành phải đảm bảo được cả về độ dẻo thơm và độ mịn màng của cơm. Và để đạt được điều đó, bí kíp kỳ diệu nhất chính là những hạt gạo thơm được tuyển chọn cẩn thận, không lẫn vụn tấm để làm nguyên liệu. Cùng với đó là đôi bàn tay khéo léo của người làm cơm để tạo nên một kiệt tác bình thường nhưng không tầm thường mang tên Cơm nắm.
Cơm nắm kết hợp với muối vừng khi thưởng thức thì ta nói ngon tuyệt cú mèo. Vị cơm dẻo ngọt, ấm nóng hòa lẫn trong vị bùi, béo của muối vừng tạo nên thứ ẩm thực đơn sơ, giản dị, chân thành nhưng đậm chữ Tình của người Việt.
Đây cũng là một món ăn nhanh giản dị, thuần Việt. Hà Nội nhộn nhịp, với những người bận rộn, không có đủ thời gian để chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ thì cơm nắm sẽ là một giải pháp vô cùng hoàn hảo, vừa dễ dàng gói lại đem đi lại vừa tốt cho sức khỏe mà giá thành lại cực kỳ hợp túi t.iền.
Và dù ở bất cứ nơi đâu, cơm nắm vẫn luôn là một phần quan trọng trong đời sống con người Việt Nam, là một phần của lịch sử đất nước. Nếu có những giây phút nào đó, giữa những gắt gao cuộc đời, bạn thấy hoài mong nhớ hương vị của ký ức, hãy tìm đến món ăn thanh tao mà gần gũi – Cơm nắm nhé!
Bánh cốm Hà Nội – hương vị truyền thống đong đầy hồn Việt
Vị ngọt dịu nhẹ cùng hương thơm thoang thoảng hương hoa bưởi đã tạo lên thức bánh truyền thống đong đầy hồn Việt – Bánh cốm Hà Nội.
63 tỉnh thành trên cả nước với sự đa dạng trong nền ẩm thực vô cùng độc đáo và riêng biệt. Mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa riêng về ẩm thực, đặc trưng nhất chính là những món ngon đặc sản mỗi vùng. Và nhắc đến Hà Nội, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua thức quà đầy tinh tế – bánh cốm – đặc sản vô cùng nổi tiếng của Hà Nội.
Bánh cốm – Món quà Hà Nội đầy tinh tế
Nếu để chọn một món quà Hà Nội gửi tới bạn bè, người thân hay để mang một chút gì đó thật Hà Nội gửi đến phương xa, thì có lẽ không gì hợp hơn là bánh cốm Hà Nội. Bánh cốm thường được đóng trong những chiếc hộp vuông nhỏ xinh, là món quà Hà Nội vô cùng tinh tế.
Gọi là đặc sản làm quà không phải vì chỉ có Hà Nội mới có loại bánh này, nhưng mà phải là bánh cốm Hà Nội thì mới ngon, mới đúng vị, mới đậm hương cốm non Hà Thành.
Nguyên liệu làm bánh cốm cũng vô cùng đơn giản. Vỏ bánh được làm hoàn toàn từ cốm dẻo dai xào đường kính trắng để giữ độ thơm của cốm mới, dẻo dính, mịn mượt không vón cục. Phần nhân là đậu xanh sánh mịn, thơm lừng, cùng dừa tươi vị thanh, ngậy, hòa quyện thêm chút hương nước hoa bưởi thơm “đưa hương gọi vị” đong đầy truyền thống.
Cốm ngon nhất để làm bánh cốm phải là cốm làng Vòng. Cốm không xanh ngắt mà hơi ngả màu vàng ngà ngà, không thơm phức mà dịu nhẹ, mùi thơm của lúa nếp non đặc trưng. Do đó, bánh cốm chuẩn sẽ có màu xanh nhạt ngả vàng chứ không xanh ngắt. Nếu bánh cốm màu xanh ngắt thì chắc hẳn ít nhiều đã có thêm phẩm màu. Ngoài ra, ngày nay cũng có một số nguyên liệu khác đang được sử dụng để làm bánh cốm xanh màu tự nhiên không hóa chất đó chính là lá dứa, lá riềng.
Hương vị của bánh cốm, bạn có thể hình dung giống như mùi thơm của lúa nếp non được rang chín rất đặc trưng. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận thấy mùi thơm dịu rất dễ chịu, khác hẳn với mùi vani ngào ngạt hay mùi phẩm màu nhuộm gạo thành cốm. Bánh dậy mùi thơm của cốm, ăn dẻo dai, vị ngọt thanh do có thêm nhân đậu xanh cùng dừa tươi béo ngậy, tăng phần mĩ vị.
Nếu trước đây, người ta thường gói bánh cốm bằng lá chuối buộc lạt đỏ, xào cốm thủ công bằng tay thì ngày nay có phần hiện đại hơn. Bánh cốm được xào bằng máy tự động, gói trong lớp nilon mỏng, bên ngoài đóng hộp vuông nhỏ xinh xắn trông rất bắt mắt.
Nét hấp dẫn ở những chiếc bánh cốm Hà Nội là khi đến tay thượng khách vẫn có mùi của cốm mới, dẻo mềm và thơm. Khi thưởng thức, bạn sẽ vẫn cảm nhận được những hạt cốm non còn đâu đó trong phần vỏ bánh xanh màu cốm tươi. Hình vuông tượng trưng cho đất, màu xanh tượng trưng cho hương đồng cỏ nội, nhân đậu xanh ngọt ngào như chính tình cảm của người dân Hà Nội gửi đến thực khách vậy.
Hương vị không thể thiếu trong lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt
“Hồng cốm tốt đôi”, khi màu đỏ thạch lựu của những quả hồng chín tới cùng với màu xanh ngọc nõn nà của cốm mới, đó chính là báo hiệu mùa trai gái thành đôi. Mùa thu – mùa của cốm mới, mùa của sự lãng mạn cũng là vì thế.
Lễ ăn hỏi là khi nhà trai mang sính lễ đến nhà gái để bàn chuyện hôn nhân chính thức, xác nhận ngày làm lễ cưới cho đôi trẻ. Theo phong tục truyền thống của người Hà Nội xưa, lễ ăn hỏi rất được coi trọng, được coi là khởi đầu cho một cuộc hôn nhân suôn sẻ. Chính vì vậy, mỗi tráp cưới đều là sự gửi gắm ý tứ của gia đình dành cho đôi uyên ương. Trong số các tráp cưới, bên cạnh những chiếc bánh phu thê thì không thể thiếu đi tráp bánh cốm đầy ý nghĩa.
Nếu chiếc bánh phu thê được làm thành hình tròn với màu đỏ, là biểu tượng của mặt trời, đại diện cho cực âm, thì những chiếc bánh cốm màu xanh, được làm thành hình vuông tượng trưng cho đất, đại diện cho cực dương, thể hiện sự thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc. Ngày cưới quan trọng có âm có dương đầy đủ sẽ tạo nên sự hài hòa, cân bằng cũng như gửi gắm hy vọng về một cuộc sống thuận hòa, đủ đầy, hạnh phúc viên mãn.
Thời gian trôi đi, những cổ lệ xưa ít nhiều cũng có phần phai mờ. Bây giờ, người ta thêm vào sính lễ cưới hỏi đủ loại khác nhau: nào rượu ngoại, nước ngọt, bánh trung thu, hoa quả, bánh ngọt,… Nhưng dù có những thay đổi hiện đại đến đâu, bánh cốm và bánh phu thê vẫn là những cặp đôi truyền thống bền bỉ, song hành cùng nhau trong những mâm sính lễ của người Hà Nội và rất “được lòng” mọi người.
Không chỉ thế, bánh cốm còn được sử dụng trong các dịp lễ Tết như một nét đẹp văn hóa của người Việt.
Hương vị bánh cốm thơm ngon cùng với sự hòa quyện trong ý nghĩa của nó rất xứng đáng được xếp hạng là một trong những đặc sản Hà Nội – nét đẹp truyền thống của người Việt, đáng được trân trọng và giữ gìn. Nếu bạn là một người yêu thích những giá trị truyền thống thì hãy thử qua thức quà tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng này nhé!