Nếu có cơ hội đến các chợ phiên ở vùng núi Bình Liêu, đừng quên thưởng thức món phở xào Bình Liêu, món ăn truyền thống vừa quen vừa lạ gây ấn tượng với thực khách phương xa.
Phở xào Bình Liêu – Món ăn truyền thống độc đáo ở vùng cao Quảng Ninh
Đến chợ Đồng Văn, Bình Liêu đúng ngày chợ phiên, du khách dễ dàng bắt gặp không khí nhộn nhịp, đầy màu sắc của những hàng quán của bà con đồng bào dân tộc nơi đây. Khu hàng quán ẩm thực nằm san sát với mái lá ám khói, thơm mùi thức ăn.
Phở xào bắt mắt. Ảnh: VOVTV.
Trong đó món phở xào Bình Liêu, đặc sản truyền thống nơi đây được cả người dân và du khách yêu thích thưởng thức trong khi dạo phiên chợ, mua sắm nhiều vật dụng cần thiết.
Chỉ có ở Bình Liêu mới có cách nấu phở kỳ lạ như vậy. Bánh phở được xào bằng nguyên liệu mà khách hàng phải tự tay đi chợ chọn mua về. Còn bánh phở chủ quán tự tráng rồi cắt thành sợi. Nguyên liệu xào cùng phở có thể là thịt ba chỉ, rau hoặc giá đỗ…
Phở xào được xào cùng nhiều nguyên liệu khác nhau. Ảnh: VOVTV.
Phở xào Bình Liêu có bánh phở làm từ gạo Bao Thai thơm, dẻo, được trồng trên những thửa ruộng bậc thang. Gạo ngâm mềm rồi xay thành bột, sau đó mang chưng trên bếp củi. Bánh phở dày, to, tráng thành những bản dài được gập thành miếng lớn, đặt gọn trên chiếc nong to…
Chỉ đến khi thực khách gọi, chủ quán mới bỏ lên thớt thái to bản, thái xong vẫn còn nguyên mùi gạo ngâm thơm nức. Sợi phở làm truyền thống sẽ khác với làm công nghiệp bởi cắt bằng tay không đều như cắt máy, nhưng không vì thế làm giảm độ thơm ngon của bánh phở trong món ăn.
Phở được cắt bằng tay. Ảnh: Báo T.uổi Trẻ.
Phở xào cùng hành tỏi phi, xì dầu cùng với nguyên liệu mà thực khách mang về. Đĩa phở xào ngấm màu vàng ươm của xì dầu, khi đưa vào miệng, bánh phở cháy cạnh thơm nức, dai dai mềm mềm, cùng vị thịt lợn bản, vị ngọt của giá đỗ khiến ai đã từng ăn đều nhớ mãi.
Người Bình Liêu ăn phở xào ở bất cứ nơi đâu và bất kỳ lúc nào. Phở xào xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày, dịp sinh hoạt, sum họp. Vào những ngày chợ phiên, những ngày hội như hội tháng ba (16-3 âm lịch), ngày kiêng gió (4-4 âm lịch)… những chàng trai, cô gái, những gia đình người Tày, Dao, Sán Chỉ nô nức đến chợ phiên.
Bánh phở hấp chín. Ảnh: Huyện Bình Liêu.
Họ đến để trao đổi hàng hóa, xem hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát pả dung của người Dao và chơi các trò chơi dân gian. Và trong phiên chợ, lễ hội đó họ không bao giờ quên thưởng thức món phở xào Bình Liêu. Nhiều người đi chợ phiên thường chỉ với mục đích thưởng thức món phở xào, nhâm nhi chén rượu cùng bạn bè.
Chợ phiên, nơi tập trung nhiều món ăn ngon. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Ngày nay, đến Bình Liêu, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng một vùng miền núi biên giới với cảnh núi rừng hoang sơ, thác nước đẹp, mùa lau nở trắng xóa hay có cơ hội khám phá những cột mốc biên giới, “sống lưng khủng long”…
Ruộng bậc thang Bình Liêu, nơi sản xuất gạo cho món phở xào. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Những món ăn từ gà bản, lợn bản, ốc khe, măng rừng… hay miến dong, đã trở thành món ăn thương hiệu mỗi khi nhắc đến Bình Liêu. Trong đó phở xào Bình Liêu cũng chiếm vị trí quan trọng trong bản đồ ẩm thực, làm du khách thương nhớ mỗi khi thưởng thức!
Lẩu cà ra – Món ăn mùa lạnh được yêu thích ở Quảng Ninh
“Cua tháng ba, cà ra tháng tám”, đến Đông Triều, Quảng Ninh vào dịp này, du khách có dịp thưởng thức đặc sản cà ra sông. Trong đó món lẩu cà ra được yêu thích hơn cả trong ngày đông giá rét.
Lẩu cà ra – Món ăn mùa lạnh được yêu thích ở Quảng Ninh
Cà ra là một loài cua có hình dáng gần giống như con rạm nhưng có kích thước lớn hơn. Cà ra còn được gọi là cua lông vì đầu ở càng có một túm lông đen mềm, mịn như nhung. Nếu như với các loài ghẹ, cù kì, cua đều có hai càng một to, một nhỏ, thì cà ra chỉ có hai chiếc càng nhỏ và 8 cẳng.
Con cà ra. Ảnh: Tạp chí làng nghề Việt Nam.
“Cua tháng ba, cà ra tháng tám” là câu nói dân gian chỉ mùa của cà ra. Nhưng rộ nhất là vào tháng 9, tháng 10 âm lịch trở đi, thời gian này con cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất. Mùa cà ra ở Đông Triều bắt đầu khi thời tiết chuyển từ thu sang đông và kéo dài đến đầu xuân năm sau.
Cà ra sông. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Cà ra thường làm hang ở chỗ nước sâu, ở cửa cống và có tập tính đi ăn đêm, chúng ăn nhuyễn thể và tôm cá tạp. Do vậy, người dân thả lờ đơm ở ven sông từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau hoặc dùng vợt bắt vào ban đêm.
Cà ra chiên lá lốt. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Cà ra có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như rang me, hấp, om lá lốt, nấu canh… nhưng món ăn độc đáo nhất có lẽ là lẩu cà ra. Nấu lẩu cũng thật đơn giản, rửa sạch, lột mai, con to nhúng lẩu, con nhỏ cho vào xay nhuyễn lọc lấy nước.
Canh mùng tơi cà ra. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Để món lẩu chuẩn vị, việc làm nước lẩu là khâu quan trọng nhất. Cà ra xay hoặc giã xong được lọc kỹ để làm gạch. Khi xay cho một chút muối để gạch cà ra đóng thành tảng. Gia vị cho món lẩu gồm đường, muối, bột ngọt, hành khô, cà chua… đặc biệt phải dùng giấm bỗng tạo vị chua.
Nguyên liệu cho nồi lẩu cà ra. Ảnh: Báo Thái Bình.
Gạch cà ra được đun cho tới khi kết thành mảng rồi vớt ra bát. Sau đó, bắc nồi phi thơm hành khô, cho cà chua vào đảo, rồi thêm giấm tạo thành hỗn hợp sền sệt có mùi thơm. Cho phần nước gạch cà ra vào đun sôi, nêm gia vị vừa miệng.
Nước lẩu vàng óng. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Lẩu cà ra không thể thiếu thịt trâu, sườn sụn, đậu rán, hành phi… ăn kèm. Và các loại rau như hoa chuối, tía tô, dọc mùng, mùng tơi… Tuy nhiên, để không làm mất đi vị ngon đặc trưng, nhiều thực khách thường chọn ăn lẩu với các loại rau sống thái nhỏ trộn lẫn và một đĩa bầu nạo sợi.
Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Quây quần bên nồi lẩu. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Trong cái lạnh mùa đông vùng Đông Bắc, thưởng thức nồi lẩu cà ra nóng hổi, béo ngậy có màu vàng đẹp mắt cùng các loại rau xanh sẽ là trải nghiệm ẩm thực khó quên cho du khách khi đến Quảng Ninh. Hãy theo dõi blog iVIVU để tham khảo nhiều bài viết hữu ích cho chuyến đi trọn vẹn!