Từ lâu, Đồng Tháp được mệnh danh là xứ sở sen hồng. Vào mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11), sen nở rộ khắp nơi. Không chỉ tạo nên phong cảnh hữu tình, sen còn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực của Đồng Tháp với những món ăn dân dã.
Cá lóc nướng cuốn lá sen non
Cá lóc được chọn thường nặng khoảng 2 – 3kg, thân tròn, chắc. Khi vừa bắt cá lên, người ta làm sạch và nướng trên than hoa. Lá sen phải là loại lá non vừa nhô lên mặt nước, còn ngậm sương và cuộn chặt, được dùng kèm các loại rau quả như xà lách, rau thơm, khế chua, dưa leo… cùng bát mắm me có vị chua, ngọt, cay. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện giữa hương vị ngọt thơm của cá lóc nướng, vị chan chát của lá sen non, vị bùi béo của đậu phộng và mỡ hành, vị chua nhẹ của mắm me cùng sự thanh mát của rau thơm…
Cơm hạt sen
Cơm hạt sen cũng là một trong những đặc sản của xứ sở sen hồng. Hạt sen tươi sau khi bóc vỏ, bỏ tâm, luộc vừa chín tới sẽ được trộn cùng cơm nấu bằng nước luộc hạt sen và gạo tẻ. Sau khi trộn, người ta tiếp tục đun và đậy nắp nồi, để thêm khoảng 5 – 10 phút cho hương thơm của sen quyện đều rồi bày ra đĩa lót lá sen. Ngoài cơm gạo tẻ, người Đồng Tháp còn làm cơm sen bằng gạo huyết rồng (loại gạo hạt nhỏ, thon dài, có màu đỏ) rất tốt cho sức khỏe.
Gỏi ngó sen
Ngó sen non sau khi rửa sạch, cắt khúc 4 – 5cm sẽ được trộn với giấm, đường, nước mắm, ớt. Tiếp đó, người ta trộn ngó sen với thịt gà luộc xé nhỏ hoặc tôm đất hấp cùng chút rau thơm cắt nhỏ, lạc rang và thưởng thức. Gỏi ngó sen của Đồng Tháp có hương vị thơm ngon đặc biệt bởi nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn, tươi ngon mà không bị khô héo như các nơi khác.
Hồng Sen tửu
Để làm nên loại rượu Hồng Sen đặc biệt mang thương hiệu Đồng Tháp, người ta phải chọn lựa thật kỹ các nguyên liệu gồm tim, củ, hạt sen và phơi khô qua vài nắng. Sau đó, xay hạt sen thành bột làm men, ủ cùng tim sen, củ sen và hạt sen theo công thức bí truyền. Mỗi mẻ rượu được ủ trong 6 tháng, rồi tiếp tục ủ với nhụy sen để tăng hương vị. Hồng Sen tửu khác biệt với các loại rượu khác nhờ hương thơm thanh mát của hoa sen, rất tốt cho sức khỏe.
9 món gỏi làm say lòng người Sài thành
Có những món gỏi mang đặc trưng vùng Nam Bộ, cũng có món gỏi “ngoại lai”, tuy nhiên các món ăn này đều được cư dân TP.HCM yêu thích.
Gỏi xoài khô cá trê được xem là đặc sản của vùng đất Nam Bộ. Xoài xanh nên có vị chua, giòn, ăn kèm khô cá trê chiên giòn. Ảnh: An Huỳnh.
Gỏi sứa hút thực khách với vị thanh, mát, giòn của sứa kết hợp cùng gia vị. Món ăn này thường được dọn kèm bánh tráng nướng. Ảnh: Khoái.
Gỏi cá bớp: TP.HCM có nhiều quán bán gỏi cá mai, cá trích nhưng chỉ quán Mây Bốn Phương (hẻm 132 Vườn Chuối, quận 3) giới thiệu gỏi cá bớp. Được chế biến từ cá tươi nhưng nhờ thời gian ướp lâu, cá trong món gỏi gần như chín khi khách thưởng thức. Ảnh: An Huỳnh.
Một phần gỏi cá mai phong phú với rau sống, đồ chua, bánh tráng, bún, mắm nêm và gỏi cá. Để gỏi cá mai ngon, điều kiện tiên quyết là cá phải tươi, tiếp đến là tay nghề của người chế biến. Ảnh: Hoàng Thụy.
Gỏi bò khô là món ăn của vỉa hè ở TP.HCM. Món ăn là sự tổng hòa của sợi đu đủ giòn, miếng phổi bò dai, rau thơm hòa cùng nước trộn gỏi chua, cay, mặn, ngọt. Ảnh: An Huỳnh.
Gỏi ngó sen không chỉ xuất hiện tại các bữa tiệc mà còn có mặt trong mâm cơm gia đình. Nguyên liệu chính của món gỏi này thường là ngó sen và thịt ba chỉ heo. Ngoài ra, cũng có đầu bếp chế biến món gỏi này với tai heo hay gà xé. Ảnh: Gourmetschopsticks.
Gỏi cóc cũng được xem là món ăn đặc trưng của Nam Bộ. Được làm từ loại trái cây có vị chua, món gỏi này khiến người ta “nuốt nước miếng” khi nhắc đến. Ảnh: Naungon
Gỏi ba khía kiểu Thái được biết đến nhiều nhất tại TP.HCM. Món gỏi này có sự tham gia của nhiều loại rau củ quả như đu đủ sống, cà rốt, đậu ve, cà chua… Ảnh: An Huỳnh.
Gỏi vịt là một trong những món gỏi phổ biến nhất TP.HCM. Miếng vịt nạc thịt, ít mỡ, da giòn, ăn kèm với bắp chuối, bắp cải, các loại gia vị, kết hợp với nước mắm gừng vừa miệng. Ảnh: An Huỳnh.