Vị chua thanh, dẻo thơm đã tạo nên một hương vị đặc trưng khó quên của món mứt mãng cầu. Hãy tham khảo ngay cách làm mứt mãng cầu xiêm, thêm vào thực đơn món mứt cho Tết này thôi nào!
Chuẩn bị nguyên liệu:
– Mãng cầu xiêm: 1 trái (1kg)
– Đường cát: 500gr
– Vani: 1 ống
Cách làm:
Bước 1: Mãng cầu lột bỏ lớp vỏ có gai bên ngoài, nhẹ nhàng rửa lại với nước để loại bỏ những mảnh vỏ nhỏ và bụi bám vào, đồng thời làm cho mãng cầu bớt chua. Tiếp đó tách mãng cầu thành từng múi nhỏ và loại bỏ hết hạt.
Chú ý: Đối với cách làm mứt mãng cầu dẻo thơm ta nên chọn loại mãng cầu có da vàng, láng, gai mềm, khoảng cách giữa các gai rộng, chọn loại có mắt to để thịt mãng cầu có độ dai, thơm hơn.
Bước 2: Ướp mãng cầu với đường theo công thức: cứ 1kg mãng cầu thì dùng khoảng 500gr đường (mãng cầu vốn có vị chua đặc trưng, nếu những ai muốn ăn ngọt thì có thể cho lượng đường nhiều một chút tùy theo khẩu vị).
Bước 3: Sau khi mãng cầu và đường ướp được khoảng 2 tiếng đồng hồ thì cho vào chảo để sên. Sau khi sôi thì vặn lửa nhỏ lại, để lửa riu riu, thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều chảo.
Bước 4: Đợi tới khi nước hơi cạn thì dùng muôi gỗ vét đáy chảo để mảng cầu được nhuyễn và không bị khê, dính vào đáy chảo. Đảo đến khi mãng cầu chuyển sang sền sệt đặc sánh lại thì rắc vani vào, vẫn đảo đều, nhắc xuống khỏi bếp.
Bước 5: Trải đều mãng cầu ra mâm, phơi khoảng từ 2 đến 3 nắng, trong khi phơi nhớ phải trở đi trở lại cho mứt mãng cầu khô đều vào trong.
Bước 6: Cuối cùng ta dùng giấy bóng kính bọc cắt dài chừng 10cm rộng 5cm, rồi cuốn từng chút mứt mãng cầu xiêm, sau đó dùng tay xoắn hai đầu lại cho giống hình viên kẹo là xong.
Bảo quản mứt trong hộp kín dùng dần.
Trưa nay ăn gì: Đầu tuần chọn món hủ tiếu xá xíu 2 cách làm
Là món ăn độc đáo có hai cách chế biến khô và nước, hủ tiếu xá xíu mang hương vị đặc trưng của một món ăn dân dã vùng miền Việt Nam.
Trong văn hóa ẩm thực Việt, sợi hủ tiếu là một phần không thể thiếu trong hành trình tạo nên những món ăn dân dã. Tùy vào mỗi lò làm bánh mà hủ tiếu có hai dạng sợi là nhỏ và lớn. Nếu như sợi nhỏ có độ dai nhất định, phù hợp cho các món khô hay trộn thì hủ tiếu sợi lớn lại mềm, phù hợp cho món hủ tiếu nước.
Thông thường, quán ăn luôn có sẵn hai loại sợi này nên thực khách có thể gọi chế biến món ăn theo sở thích. Với món ăn giới thiệu trưa nay là hủ tiếu xá xíu thì nó cũng có 2 cách làm là thưởng thức khô (trộn) và nước.
Theo đó, món hủ tiếu nước gồm sợi bánh hủ tiếu được trụng chín, bỏ thêm thịt xá xíu, thịt băm, tỏi và hành phi rồi chan nước dùng lên. Còn món hủ tiếu khô được chế biến bằng cách trụng sợi bánh, cho vào tô trộn đều với hỗn hợp sốt gồm xì dầu, tương ớt, dầu hào. Sau đó, xếp vài lát thịt xá xíu lên mặt và dọn kèm lên cho thực khách thêm chén nước dùng và đĩa rau sống.
Dù là thưởng thức kiểu nào thì nước dùng hủ tiếu vẫn sử dụng chung. Qua đó, nước dùng được hầm từ xương ống heo trước đó một ngày, thường xuyên vớt bọt để tạo độ trong cho nước. Đặc biệt, một số nơi còn nấu cùng cà rốt, củ cải hay khoai tây để thực khách bổ sung thêm dinh dưỡng từ rau củ.
Về xá xíu, món thịt này rất phổ biến đối với người nội trợ cũng như đầu bếp. Nếu bạn trổ tài đầu bếp nấu hủ tiếu xá xíu ở nhà thì có thể mua thịt xá xíu tại các cửa tiệm bán đồ quay; còn đầu bếp họ chọn mua thịt và tự chế biến. Kỹ thuật chế biến xá xíu được chia sẻ nhiều trên các trang dạy nấu nướng nên việc còn lại chỉ là chọn mua thịt heo ngon để làm. Đó là phần thịt nạc vai, nạc mông cho độ giòn nhiều hay ba rọi cho độ mỡ béo ngậy.
Sở hữu cách chế biến đặc trưng của một món ăn vùng miền, hủ tiếu xá xíu là một gợi ý để bạn thưởng thức vào buổi trưa đầu tuần. Dư vị ngọt ngào của thịt được ướp đậm đà hòa cùng từng sợi bánh hủ tiếu dai mềm là một trải nghiệm ẩm thực khó quên.