Thu hút ánh mắt người qua đường ngay từ cái nhìn đầu tiên, những viên kẹo Lokum nhỏ xinh nhiều màu sắc sẽ đưa bạn “rơi” vào thế giới ngọt ngào nhất thế gian.
Là ngã tư của các nền văn minh, nằm giữa lục địa Á – Âu danh tiếng, Thổ Nhĩ Kỳ mang đậm nét văn hóa riêng và nền ẩm thực độc đáo khiến bất cứ ai cũng mê đắm. Giữa muôn vàn món ngon ấy, những viên kẹo Lokum nhỏ xinh đủ màu sắc hút mắt sẽ càng điểm tô hương vị ấn tượng trong hành trình vi vu xứ sở thảm bay. Vậy nên khi du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, bạn nhất định phải cố gắng nếm thật nhiều vị ngọt của kẹo Lokum siêu ngon, siêu dễ thương nhé!
Lokum , viên kẹo dẻo xứ Thổ Nhĩ Kỳ còn được gọi với cái tên Turkish Delight bày bán trên những chiếc xe đẩy, những quầy hàng trong khu chợ tại mọi thị trấn, thành phố tại quốc gia này. Là món ăn lâu đời nên nguồn gốc về Lokum cũng có kha khá câu chuyện thú vị để kể. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất phải kể đến những năm của thế kỷ XVII, hoàng đế Ottoman thứ 27 – Abdul Hamit I đã ra lệnh cho đầu bếp chế biến một món tráng miệng ngon và mới lạ để hài lòng các phi tần. Bên cạnh đó, nhiều người tin rằng kẹo Lokum được tạo nên bởi bàn tay Hadji Bekir, một thợ làm bánh kẹo lành nghề tại thủ đô Istanbul.
Trong công thức truyền thống của người Thổ, kẹo dẻo Lokum là sự kết hợp hoàn hảo giữa nhựa cây nhũ hương quý giá, mật ong, mật nho và bột mì. Sử dụng nguyên liệu quý giá bọc trong lớp vải ren sang trọng nên thời xưa, kẹo Lokum chỉ dành riêng cho giới quý tộc. Thực khách lần đầu nếm thử viên kẹo dẻo sẽ ngạc nhiên bởi hương vị ngọt lịm, tinh tế hiếm có. Ngoài ra, với cánh hoa hồng, chanh và bạc hà đã tạo nên sắc hồng xinh xắn, trong veo cân bằng cùng vị ngọt mật xuất sắc xứ thảm bay.
Từng viên kẹo dẻo bọc ngoài một lớp bột mì đã nhanh chóng lấy lòng biết bao người dân Thổ Nhĩ Kỳ bởi vị ngọt và sự dẻo mềm quyến rũ. Cái tên Lokum với ý nghĩa “làm dịu cổ họng” dần vang xa khắp thế giới kể từ khi một thương gia người Anh lần đầu đến Đế quốc Ottoman và ngay lập tức mê đắm vị ngọt cùng vẻ ngoài hồng xinh đã đặt tên tiếng Anh cho món kẹo là Turkish Delight . Từ đó, Lokum đã vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đến với Ả Rập, vùng Balkan và khắp mọi nơi trên thế giới.
Ảnh: Internet
Ngày nay, để làm phong phú thêm hương vị truyền thống của kẹo Lokum người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã “mạnh tay” biến tấu thêm đủ loại từ dâu, nho, cam rồi thêm cả nho khô, các loại hạt với đủ sắc màu. Những viên kẹo Lokum thường rất ngọt nên thực khách hãy thưởng thức cùng một tách trà để nhâm nhi. Vị chát nhẹ của trà hòa quyện cùng sắc ngọt lịm và độ mềm dẻo của kẹo Lokum sẽ khiến bạn mê đắm hương thơm ẩm thực cùng nền văn hóa đặc sắc chỉ có tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sikwate: Độc đáo sô cô la nóng miền nhiệt đới
Trong văn hóa ẩm thực của Philippines, sô cô la có một lịch sử vô cùng phong phú. Gần đây, món sô cô la nóng đã được phát triển thành nét ẩm thực mới với các sáng tạo thủ công.
Cây ca cao, khởi nguồn của sô cô la là một trong những cây trồng thiết yếu ở Philippines kể từ thời còn là thuộc địa của Tây Ban Nha, kéo dài từ năm 1565 đến 1898. Có câu chuyện kể rằng, người Tây Ban Nha đã trồng ca cao lần đầu tiên vào năm 1665, sau đó các tu sĩ công giáo đã giới thiệu món sô cô la nóng đến người dân Philippines. Gần một thế kỷ sau đó, những người nông dân địa phương bắt đầu trồng cây ca cao trong sân sau của họ, rồi nhanh chóng được nhân giống trên khắp quần đảo. Cây ca cao được trồng chủ yếu ở khu vực Camarines Sur, nơi có đất màu mỡ, đa dạng vì độ ẩm cao, đây cũng là kiểu khí hậu lý tưởng để trồng cây ca cao, sau trở thành vùng sản xuất sô cô la hàng đầu của Philippines.
Từ lâu, sô cô la đã được ưa chuộng tại Philippines và xuất hiện nhiều trong ẩm thực và chế độ ăn uống
Một ly socola ngon lành nhất phải nóng ấm, còn được gọi là sikwate hoặc tsokolate de batirol, tên gọi này tùy thuộc vào mỗi vùng miền. Sau này, nhiều đầu bếp tại gia đã phát triển công thức chế biến sô cô la gia truyền của riêng họ, sử dụng nguyên liệu với cơm, bánh ngọt hoặc uống dưới dạng sô cô la nóng. Dù phong cách chế biến và khẩu vị thay đổi theo từng vùng nhưng cách truyền thống để làm sikwate là dùng những viên sô cô la cô đặc (tablea), đường, kem, sữa rồi đun sôi trong nồi, đ.ánh bông bằng máy đ.ánh trứng truyền thống để tạo ra một món đồ uống sủi bọt đậm đà. Cách pha chế khác là trộn các tablea trong nước sôi, phương pháp này đơn giản hơn, tạo bọt ít hơn. Sô cô la nóng của Philippines có thể được nhâm nhi một mình hoặc với món ăn đi kèm như bánh mì muối, bánh gạo và bánh rán.
Sô cô la nóng không phải là cách duy nhất để “tiêu thụ” ca cao ở Philippines, người ta còn sáng tạo, biến những viên tablea thành nước sốt sô cô la hoặc ăn viên tablea với cơm nếp. Nếu du khách đến thăm Philippines, hãy thử trải nghiệm món champorado, một loại cháo sô cô la với cá chiên. Món này thường được chế biến từ viên tablea được làm tan chảy trong nồi cháo, dùng vào bữa sáng hoặc như một bữa ăn nhẹ giữa buổi chiều. Với người dân bản địa, đây là hương vị quen thuộc. Bất kể người Philippines ở đâu trên thế giới, họ đều muốn được thưởng thức món cháo quê hương này.
Có nhiều cách chế biến cacao để tạo ra những sản phẩm ấn tượng (Ảnh: Internet)
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất sô cô la cũng như đầu bếp đã sáng tạo nhiều món hơn với nguyên liệu này như sử dụng viên sô cô la cô đặc để tăng thêm độ đậm cho món thịt bò hầm hoặc cá muối, kết hợp vỏ ca cao để bày biện, trang trí, làm đẹp đĩa ăn tráng miệng hay những sản phẩm nguyên chất có vị quả mọng của cà phê trong sô cô la… Thưởng thức những sản phẩm sáng tạo từ sô cô la nóng sẽ đem lại những trải nghiệm ẩm thực độc đáo cho mọi thực khách đến với đất nước này.